Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chuyển biến mới trong nhận thức, hành động

Thái Sơn| 12/01/2013 06:49

(HNM) - Ba tháng sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tới thời điểm này nhiều đoàn kiểm tra của thành phố đã có mặt tại các quận, huyện để giám sát việc triển khai.

Có thể thấy, trong khoảng thời gian không dài nhưng với cách thức triển khai nghiêm túc, bài bản và quyết liệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp cùng dư luận xã hội, các nội dung của chỉ thị dần được hiện thực hóa trong đời sống. Sự đồng thuận đã tạo nên những chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Chi bộ và Ban công tác Mặt trận khu dân cư B2 phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) triển khai công tác giám sát việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU.


Sự vào cuộc đồng bộ

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị 11-CT/TU được ban hành, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã có Hướng dẫn 53-HD/BTGTU để triển khai tuyên truyền, vận động toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc, khắc phục những hạn chế tồn tại. UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch 141-KH/UBND về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã đã căn cứ vào những nội dung nêu trên để triển khai và tổ chức giám sát các hoạt động cụ thể ở cơ sở…

Như vậy, có thể thấy sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của toàn thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU. Từ đó, nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc thực hiện nếp sống văn minh nói chung cũng như trong việc cưới nói riêng đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Các đám cưới tổ chức sau khi có chỉ thị đều giảm đáng kể số khách mời, hình thức tổ chức bớt rườm rà, tiết kiệm, đúng nghi lễ truyền thống và vẫn bảo đảm trang trọng. Tuy nhiên, như đánh giá của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: số lượng cán bộ, đảng viên, công chức các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô là khá lớn, nhưng việc hưởng ứng, triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU còn hạn chế. Một số đám cưới vi phạm những quy định trong chỉ thị phần lớn rơi vào đối tượng cán bộ này. Đây cũng là điều khiến dư luận xã hội cũng như cán bộ cơ sở của Hà Nội bức xúc. Tuy nhiên, trên thực tế không phải là như vậy. Ngay sau khi Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, ngày 21-12-2012 Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 21-CT/TƯ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có đưa ra những vấn đề rất cụ thể để thực hiện, điển hình như cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên các cơ quan trung ương phải gương mẫu chấp hành các quy định của trung ương và địa phương về việc cưới, việc tang, lễ hội. Coi đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm…

Như vậy, chủ trương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể là trong việc cưới đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự thống nhất cao, từ cơ quan trung ương cho tới địa phương. Bên cạnh đó đã có những quy định rất cụ thể, tránh tình trạng không xử lý được người vi phạm do thiếu chế tài, dẫn đến việc thực hiện không kiên quyết, thiếu đồng bộ.

Đề cao tính tự giác

Như loạt bài phản ánh kết quả qua 3 tháng thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đăng tải những ngày qua, có thể thấy chủ trương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới được ban hành vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, được dư luận đón nhận và đồng tình hưởng ứng. Lợi ích đã nhìn thấy rõ. Tính ra nếu chi phí cho mỗi đám cưới giảm được 30-40 triệu đồng thì với trung bình 120-140 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn hàng năm, mỗi phường, xã sẽ tiết kiệm được 3-4 tỷ đồng. Số tiền này nhân rộng ra toàn địa bàn thành phố với 557 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn thì Hà Nội sẽ có thêm nguồn lực lên tới hàng nghìn tỷ đồng để lo các vấn đề an sinh xã hội. Sự thiết thực còn thể hiện ở chỗ, việc tổ chức đám cưới không còn là nỗi ám ảnh đối với chủ và khách mời cả về thời gian và tiền bạc, những cặp vợ chồng trẻ sau ngày kết hôn cũng không còn lo lắng việc chạy vạy trả nợ trong khi hôn lễ vẫn được tổ chức trang trọng, lịch sự, không phai nhạt những nét văn hóa truyền thống.

Như phản ánh của các tổ chức, đoàn thể, để Chỉ thị 11-CT/TU tiếp tục phát huy tác dụng trong đời sống, việc giám sát thực hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên theo ý kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi, không chỉ trong việc cưới mà ở mọi việc, ý thức tự giác và tự giám sát mới là quan trọng nhất. Một vấn đề hợp tình, hợp lý, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chung của xã hội thì chắc chắn cán bộ, đảng viên và người dân sẽ có nhận thức đúng và tự giác thực hiện. Bên cạnh đó, hiệu quả bước đầu trong thực hiện chỉ thị tại một số địa phương cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền vận động đối với từng nhóm đối tượng cũng như tìm ra những hình thức tổ chức lễ cưới hài hòa, vừa bảo đảm nét văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với tâm lý, tình cảm của giới trẻ hiện nay. Như vậy, việc cưới, chuyện vui của từng gia đình sẽ trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chuyển biến mới trong nhận thức, hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.