Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chủ động ngăn chặn thực phẩm “bẩn”!

Đức Long| 23/01/2016 06:18

(HNM) - Quản lý thị trường Hà Nội là lực lượng nòng cốt trong công tác chống gian lận thương mại, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc trong thị trường nội địa nên càng gần ngày Tết, lịch kiểm tra, kiểm soát ATTP càng dày đặc.

Ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Chi cục QLTT Hà Nội đã lập kế hoạch chủ động ra quân để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm vệ sinh ATTP... Trước hết, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm 6 nhóm, ngành hàng do Bộ Công thương quản lý theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 (các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột…) và những mặt hàng thực phẩm khác lưu thông trên thị trường, các mặt hàng được người dân sử dụng nhiều trong dịp lễ, Tết. Các đội cũng chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, động vật tươi sống không bảo đảm ATTP.

Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) và Đội quản lý thị trường số 6 thu giữ gần 1 tấn thực phẩm nhập khẩu quá hạn sử dụng tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.


Chi cục QLTT sẽ phân công cụ thể cho các đội quản lý theo địa giới hành chính, đặc biệt lưu ý các trung tâm thương mại, siêu thị, các kho tàng, bến bãi, các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, ô mai... tại Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức); Tân Hòa, Cộng Hòa (Quốc Oai)... Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ đầu mối như Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ rau, hoa quả Hải Bối (huyện Đông Anh); các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín), giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai),... cũng được kiểm soát bởi các đội QLTT chuyên ngành. Đặc biệt, QLTT Hà Nội cũng tập trung các tổ trinh sát triển khai, kiểm tra các điểm "nóng" về kinh doanh thực phẩm, triển khai kiểm tra các bến bãi, kho tàng các điểm tập kết hàng hóa… Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATTP đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ phục vụ người tiêu dùng trong dịp cuối năm Ất Mùi.
Nội dung kiểm tra sẽ chú trọng tới hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh mứt, kẹo, mứt Tết; kiểm tra chất lượng, công bố hợp quy, điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh, kẹo, mứt... lấy mẫu giám định chất lượng hàng hóa các sản phẩm nhập khẩu phục vụ Tết. Với hàng hóa kém chất lượng, QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra độc tố, dư lượng chất bảo quản, nấm mốc, hoạt chất có hại, phụ gia thực phẩm không được phép hoặc vượt mức cho phép sử dụng. Ngoài ra, các Đội QLTT còn thường xuyên tăng cường công tác phối hợp tốt với chính quyền địa phương giải tỏa các điểm chợ cóc, chợ tạm hoạt động không đúng quy định, phối hợp với các cơ quan báo, đài tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập trung vào các nội dung: ATTP, hàng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với tất cả các siêu thị, chợ trên địa bàn. Bên cạnh đó, mỗi một kiểm soát viên thị trường còn là một tuyên truyền viên nhằm vận động để nhân dân ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao, nói không với thực phẩm không nguồn gốc.

Về những khó khăn, thách thức trong công tác kiểm soát ATTP, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết: Hiện nay có 3 Sở được giao quản lý về ATTP là Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương. Mỗi một lực lượng đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, trong đó lực lượng QLTT là nòng cốt, kiểm soát khâu phân phối, lưu thông với một địa bàn rất rộng. Để xử lý một vụ việc, luôn phải có lực lượng QLTT trong khi thực tế không phải lúc nào lực lượng này cũng sẵn sàng đủ cán bộ để xử lý vụ việc.

Do đó, việc triển khai phối hợp vẫn còn những lúng túng. Chưa kể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chồng chéo và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên dẫn tới tình trạng "nhờn luật", người ta tìm mọi cách qua mặt cơ quan chức năng. Cũng theo ông Tụ, việc xử lý các vi phạm tại các tuyến xã, phường chủ yếu là nhắc nhở, năng lực các cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại các cơ sở yếu, có tâm lý tránh va chạm trong quá trình kiểm tra. Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện, còn hơn 50% tổng số gia súc, gia cầm ở Hà Nội được giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Do vậy, cũng như các năm trước trên thực tế, việc kiểm tra vệ sinh thú y mới chỉ thực hiện khi sản phẩm đã đưa ra lưu thông, chưa kiểm tra được vệ sinh thú y trước, trong quá trình giết mổ, do đó tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ATTP. Lực lượng cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ tại các địa bàn phường, xã, không đủ để kiểm tra, giám sát các điểm giết mổ này.

Kiểm soát hàng hóa và ngăn chặn thực phẩm không nguồn gốc vô cùng gian nan nhưng theo nghiên cứu của Cục QLTT (Bộ Công thương), trong 10 năm qua, quân số của lực lượng QLTT Hà Nội chỉ tăng 5% trong khi đối tượng quản lý là doanh nghiệp tăng 150%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 200%. Lực lượng QLTT rất mỏng, trong khi đối tượng quản lý tăng và địa bàn quản lý rộng dẫn đến thực trạng là nhiều đội QLTT chỉ có từ 10 đến 15 công chức phải căng mình trên nhiều lĩnh vực phải kiểm soát. Về trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP của QLTT so với các lực lượng khác rất thiếu. Mặc khác, QLTT có tính chất đặc thù, tập trung vào điều tra, trinh sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính nhưng kinh phí cấp cho lực lượng QLTT lại theo định mức hành chính thông thường của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, các hoạt động như trinh sát, mua tin, mua công cụ hỗ trợ, giám định tang vật, thuê phương tiện, kho bãi, bốc dỡ chủ yếu lấy từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính nên rất eo hẹp...

Phân tích những khó khăn trong công tác ngăn chặn thực phẩm "bẩn", ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng: Công tác truyền thông tại địa phương còn hạn chế khiến người tiêu dùng vẫn vô tư tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, đây cũng là hành vi tiếp tay cho thực phẩm "bẩn". Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng mới chỉ phản ánh nhiều về các hành vi, vi phạm mà chưa tuyên truyền, nêu gương, khuyến khích các mô hình sản xuất, quản lý ATTP tốt, tiên tiến. Vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa được coi trọng, công tác chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng.

Những tồn tại nêu trên khiến thực phẩm "bẩn" vẫn được tuồn về nội địa và vẫn được tiêu thụ trên diện rộng, song hai khâu trọng yếu nhất cần khắc phục để trị căn bệnh nan y này từ gốc chính là phải đẩy mạnh sản xuất sạch và kiểm soát xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức cung ứng thực phẩm "bẩn". Hiện nay, tình trạng chung của ngành sản xuất, chăn nuôi là manh mún, nhỏ lẻ, không có chính sách động viên cụ thể với người sản xuất sạch và chế tài xử lý nghiêm khắc với những người sản xuất vô đạo đức. Mặt khác, sản phẩm bẩn lại thả sức tung hoành tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Bàn về các giải pháp trong năm tới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP thành phố, sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát các cơ sở giết mổ động vật và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, tăng cường các chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch. Còn Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm sạch thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng để từng bước thay thế các chợ tự phát, đồng thời sẽ chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các chợ, siêu thị; phát triển nhanh mô hình chợ ATTP, duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông trong năm tới là có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan báo chí giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời bên cạnh việc thông tin về các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cần đưa tin về các mô hình sản xuất an toàn, tránh việc đưa các thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho người tiêu dùng. Công an thành phố mới đây cũng báo cáo kế hoạch sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chủ động ngăn chặn thực phẩm “bẩn”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.