(HNMO) - Trước đây, khi các nông, lâm trường mới thành lập, cán bộ, công nhân viên của đơn vị đều sống ở nhà tập thể; khi các gia đình này được nông, lâm trường giao khoán đất sản xuất, từ đó hình thành nên các thôn, làng... Họ đến vùng đất Ba Vì khai hoang, lập nghiệp, sinh sống đã qua 3-4 thế hệ. Câu chuyện quản lý đất đai ở các nông, lâm trường là một câu chuyện mang tính lịch sử, nên rất cần có những quyết sách đặc thù để giải quyết thoả đáng, dứt điểm các quyền lợi liên quan đến đất đai cho người dân.
Chính quyền địa phương lúng túng trong quản lý
Theo lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện Ba Vì, việc diện tích đất nông trường trên địa bàn Hà Nội chưa được bàn giao thực địa cho chính quyền địa phương đã gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai cũng như quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Tại một số địa phương, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông trường, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường kéo dài, nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Đơn cử, tại xã Tản Lĩnh, tình trạng đất đai thuộc địa phương quản lý và đất có nguồn gốc quản lý của các nông, lâm trường đang ở thế cài răng lược. Nhiều năm nay, tại địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng xây dựng nhà trên đất của nông, lâm trường. Để xử lý vấn đề này, lãnh đạo xã Tản Lĩnh qua các thời kỳ đều “bó tay”, chưa thể cưỡng chế, vì chưa có hồ sơ đất đai đầy đủ để làm căn cứ pháp lý.
Còn tại xã Yên Bài, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lập khẳng định, tình trạng xây nhà trên đất nông, lâm trường cũng khiến địa phương “đau đầu”. Chính quyền chỉ biết lập biên bản, kiểm tra, xử phạt hành chính. Các động thái mạnh như cưỡng chế, tháo dỡ công trình, nhất là với những công trình xây dựng từ các năm trước đây, là nhiệm vụ “bất khả thi” đối với địa phương.
Lý giải việc xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông, lâm trường tại địa phương không đạt kết quả cao, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Phi Long cho hay, trước đây, địa phương không nắm được tình trạng pháp lý cụ thể về đất của các hộ dân thuộc nông, lâm trường. Chỉ tới khi các đoàn thanh, kiểm tra làm việc, có thông báo về các sai phạm liên quan, địa phương mới nắm được.
"Giữa cái cũ, cái mới đan xen, mọi kế hoạch chỉ đạo về giải quyết các tồn tại cần có thời gian, kế hoạch rõ ràng. Chúng tôi kiến nghị thành phố, các bộ, ngành, Chính phủ và các bên liên quan sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho địa phương", ông Nguyễn Phi Long nói.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho biết, có nhiều khó khăn trong công tác quản lý, xử lý việc xây dựng mới nhà ở trên đất nông trường hiện nay. Thứ nhất, đất vẫn do nông trường đang quản lý, chưa bàn giao về cho địa phương; thứ hai, những hộ gia đình xung quanh có điều kiện làm nhà ở trước, những hộ làm sau bị chính quyền ra ngăn chặn thì họ phản đối và một số cá nhân mua bán đất trao tay.
Cần giải pháp đặc thù
Tản Lĩnh là xã có tới 5 nông trường, trạm trại đóng trên địa bàn; diện tích đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường chiếm hơn một nửa diện tích của địa phương, với 50% số dân bị ảnh hưởng.
Theo Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng, để giải quyết bài toán chậm bàn giao đất từ các nông, lâm trường sau cổ phần hóa về cho chính quyền địa phương quản lý, không chỉ là vấn đề ba bên: Người dân, nông trường và chính quyền địa phương, mà quan trọng hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là trọng tài, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giải pháp tháo gỡ. Bởi, mỗi địa phương có các đặc thù riêng, không thể áp dụng đồng loạt chính sách từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ địa phương này sang địa phương khác, mà cần có sự xem xét, đánh giá cụ thể trên từng địa bàn để có hướng giải quyết triệt để, nhằm ổn định đời sống người dân, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của những người nông dân đã gắn bó với các nông, lâm trường nhiều năm.
"Sau cổ phần hóa, sắp xếp lại mô hình hoạt động, các đơn vị này cần xác định rõ loại đất phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, xây dựng mô hình của đơn vị mình…; còn các loại đất đã giao khoán từ trước cho các hộ dân thì nên bàn giao lại cho địa phương quản lý và cần có cơ chế, chính sách quản lý phù hợp theo hướng công nhận chủ quyền, nộp thuế theo quy định", Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, các nông trường, trạm trại trên địa bàn huyện đã được giao đất từ 40-50 năm trước. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 4-1-1995 về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước, các nông trường, trạm trại đã thực hiện giao khoán đất cho cán bộ, công nhân viên và các đối tượng khác, phần lớn các nông, lâm trường đều không trực tiếp sản xuất. Hiện tại, các đơn vị này đã thực hiện cổ phần hóa hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ, nhưng các cơ quan chủ quản chưa có thông báo kịp thời, nhiều nội dung hoạt động của các đơn vị, UBND huyện Ba Vì cũng chưa nắm bắt chính xác.
Hiện trạng đất đai của các đơn vị này ngày càng có nhiều biến động theo hướng phức tạp hơn. Do đó, UBND huyện Ba Vì mong muốn thành phố cùng các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào cuộc, có hướng dẫn cụ thể. Bởi, diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn huyện rất lớn, lên tới cả chục nghìn héc-ta, những vướng mắc hiện tại ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân nơi đây. Chưa kể, việc này cũng dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển đổi đất không qua chính quyền (mua bán trao tay), phát sinh phức tạp.
Thiết nghĩ, câu chuyện bàn giao đất nông, lâm trường của huyện Ba Vì là bài học trong việc cổ phần hóa các nông, lâm trường. Theo đó, trước khi cổ phần hóa, các đơn vị phải tiến hành đo đạc, kiểm đếm, lên kế hoạch cùng với chính quyền địa phương xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, tránh tình trạng nửa vời, dân về, đất chưa về, một mảnh đất tưởng được nhiều đơn vị quản lý, chịu trách nhiệm, nhưng cuối cùng các đơn vị lại “đổ thừa” cho nhau, dẫn tới nhiều sai phạm. Các nông, lâm trường không đủ năng lực quản lý, chính quyền sở tại lại không đủ “công cụ” để quản lý, dẫn tới sai phạm ngày một gia tăng, còn người dân thì “chết kẹt” giữa các quy định, ràng buộc pháp lý.
Hy vọng rằng, với những quy định đã có, cũng như việc sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ tạo hành lang pháp lý đủ rộng để các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì sớm xử lý dứt điểm việc chậm bàn giao, buông lỏng trong quản lý đất nông, lâm trường như hiện nay.
Ngày 16-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết đề ra là đến năm 2025 phải giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.