(HNM) - Từ hệ lụy mà trước hết là những đứa trẻ hoàn toàn vô tội phải gánh chịu, chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa cho rằng, những người làm cha làm mẹ trước khi ly hôn không nên chỉ nghĩ tới bản thân mà cần nghĩ tới cuộc sống và tương lai của những đứa con.
“Hôn nhân không giống như xây cái nhà” - ông Trịnh Trung Hòa đăm chiêu - “Ly hôn để rồi bắt đầu một cuộc hôn nhân mới, ai dám chắc cái "nhà" mới xây đó tốt hơn, ưu việt hơn cái "nhà" cũ đã phá bỏ đi”? Vẫn biết ly hôn là chuyện không ai muốn và cũng chẳng hay ho gì, bởi thế mà cần cân, đo, đong, đếm cẩn trọng.
Minh họa: Lê Tiến Vượng |
Cần những lớp học tiền hôn nhân…
Từ nhiều vụ án ly hôn đã xét xử, Chánh tòa Lao động - TAND TP Hà Nội Lại Vĩnh Trung cho rằng, yêu và thông cảm, chia sẻ lẫn nhau là hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc làm nên hạnh phúc bền vững cho các cặp vợ chồng. Chuyện tình yêu "sét đánh" hay yêu kiểu "mì ăn liền", để rồi dẫn đến những cuộc hôn nhân "sớm nở tối tàn" là một lẽ, song cũng có không ít những cặp đôi yêu nhau từ thời học sinh, tiếp tục trải qua những năm tháng trên giảng đường đại học, ra trường có công ăn việc làm vài năm rồi mới cưới nhau - tóm lại là "thâm niên" tìm hiểu có cả chục năm - nhưng vẫn là chưa đủ để hiểu sâu sắc về nhau. Khi "cơm ai người ấy ăn" khác hoàn toàn với chuyện "góp gạo thổi cơm chung". Căn nguyên, bản chất vấn đề ở chỗ đó, thế là "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" và kết cục là viết đơn ly dị.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Tuệ Lâm (Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, chị đã gặp khá nhiều trường hợp xin tư vấn về ly hôn là các cặp vợ chồng trẻ, thiếu kỹ năng sống. Những người này, trong gia đình lớn (ở cùng bố, mẹ) của mình, luôn được đặt ở vị trí trung tâm, được chiều chuộng nên thiếu sự chịu đựng, không tự trang bị kỹ năng trước hôn nhân. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ thường không bình tĩnh tìm hiểu căn nguyên mà vội vã chia tay để tìm hạnh phúc mới.
Để khắc phục tình trạng trên, các "lớp học" tiền hôn nhân đã ra đời nhằm trang bị cho các cặp đôi đang yêu, chuẩn bị kết hôn hoặc những người đã lập gia đình nhưng có xung đột trong hôn nhân những kiến thức về kỹ năng sống và tâm lý vững vàng để có thể giữ cuộc hôn nhân của họ bền vững trước sóng gió. Khá nhiều tình huống dở khóc, dở cười đã được các chuyên gia tâm lý chia sẻ. Nào là chồng ít nói, ít thể hiện cảm xúc, còn vợ nóng nảy, nói nhiều, lại hay sai vặt chồng thì cách giải quyết thế nào? Hay quy luật tâm lý trong đời sống vợ chồng là gì? Khi xung đột về tài chính và trục trặc trong quan hệ tình dục thì nên giải thích hoặc chia sẻ với nhau ra sao, có nên ngoại tình không? Nhiều người đàn ông chưa chịu từ bỏ thói gia trưởng, độc đoán, vẫn muốn áp đặt "cái tôi" với đối phương phải giải quyết như thế nào?... Bổ ích là thế, tuy nhiên những "lớp học" như vậy mới chỉ là những buổi thảo luận nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa phổ biến.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Tuệ Lâm, đa số người trẻ bước vào hôn nhân lần đầu thường tin rằng bạn đời là đối tác hoàn hảo. Nhưng càng chung sống càng nhận ra nhiều điểm không hoàn hảo. Điều đáng tiếc là, chúng ta không ai được học cách làm vợ, làm chồng, kể cả những người có học thức cao. Thực tế cho thấy, cặp nào giai đoạn tiền hôn nhân sơ sài, chưa hiểu rõ nhau thì khi chung sống càng khó khăn để tìm sự hòa hợp. Vì vậy, nên chăng cần thêm quy định phải qua những lớp tiền hôn nhân trước khi kết hôn? Ở nhiều nước, đây là yêu cầu bắt buộc, có giấy chứng nhận trong thủ tục kết hôn. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn, các bạn trẻ cần trang bị kiến thức về gia đình, nghề nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định. Một điều nữa như đúc rút của chuyên viên Tuệ Lâm, đó là gia đình nào có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức tốt thì nguy cơ đổ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn.
Ở góc độ khác, những người chúng tôi đã tiếp xúc, từ các thẩm phán, những người làm công tác xét xử tới các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, việc tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình thông qua các hội, đoàn thể trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Hội phụ nữ các cấp, và tuyên truyền vấn đề này thông qua việc sinh hoạt tại nơi cư trú, trong nhà trường, cơ quan, tổ chức, đơn vị… hiện nay là chưa tốt. Cùng với đó, rất thiếu các hoạt động, "sân chơi" về chủ đề này nhằm mục đích giáo dục, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đồng thời trang bị thêm các kiến thức về pháp luật và xã hội để mọi người nhận thức được vai trò của gia đình, cùng nhau giữ lửa vì một tổ ấm hạnh phúc.
…Và khôi phục vai trò của tổ hòa giải
Chị Chương Hương, cán bộ Ban Chính sách - Pháp luật Hội LHPN TP Hà Nội trăn trở, hiện nay vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở trong những vụ ly hôn gần như không còn. Từ khi Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 ban hành, trong các vụ ly hôn không bắt buộc phải thực hiện hòa giải ở cấp UBND xã, phường, thị trấn, nên các cặp vợ chồng ra tòa làm thủ tục ly hôn không phải qua bước hòa giải cơ sở.
Trước đây, bước hòa giải ở cơ sở từng là giải pháp rất được coi trọng trong giải quyết đối với các vụ việc ly hôn. Thủ tục ly hôn phải qua hòa giải cơ sở ba lần rồi tòa án mới có quyết định. Hòa giải viên thường là những người quen biết, có uy tín trong hội phụ nữ địa phương, tổ dân phố, thậm chí là người có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với vợ, chồng nên có thể hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình, quan hệ hôn nhân và những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống. Từ đó, có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn và thiết thực nhất cho những người trong cuộc. Song đến nay, công việc hòa giải được thực hiện tại tòa, chuyện đó có thể là một cách thức nhằm tối ưu hóa thủ tục hành chính cho công dân, nhưng xét ở góc độ xã hội thì có lẽ đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến số vụ ly hôn gia tăng bởi… trình tự, thủ tục giờ quá đơn giản, dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Loan, người có "thâm niên" hơn 20 năm làm cán bộ Hội phụ nữ phường Nam Đồng (quận Đống Đa) cho biết, từ lâu lắm rồi hội phụ nữ cơ sở không nắm bắt được những trường hợp ly hôn trên địa bàn bởi “có ai tìm đến nhờ hòa giải trước khi ra tòa ly hôn đâu mà biết”! Tại phường Văn Quán (quận Hà Đông), chị Nguyễn Thị Phương, thành viên Tổ hòa giải đồng thời là cán bộ tư pháp của phường cho biết, thủ tục ly hôn vẫn có hòa giải, nhưng là thẩm phán tự hòa giải với hai đương sự. Khi thẩm phán thực hiện hòa giải trực tiếp không thành thì sẽ quyết định cho ly hôn, nên cán bộ ở địa phương cũng không nắm rõ được trường hợp nào hòa giải thành công. Tòa án chỉ gửi thông báo kết quả sau ly hôn của đương sự đang trú tại địa bàn để phường nắm, cập nhật thông tin, theo dõi. Vì thế, từ đầu năm 2016 đến nay, phường mới nhận được thông báo về một trường hợp. Cũng về chuyện này, chị Phạm Thị Phương Thảo, cán bộ Phòng Tư pháp quận Hà Đông cung cấp thêm, trong biểu tổng hợp vụ việc các tổ hòa giải của 17 phường trên địa bàn tham gia trong năm 2015, hầu như không có vụ hòa giải nào liên quan tới chuyện ly hôn mà toàn các vụ việc tranh chấp đất đai, hạn hữu cũng có trường hợp tổ hòa giải phải vào cuộc do xảy ra chuyện "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" (bạo hành phụ nữ)…
Theo Thẩm phán Lại Vĩnh Trung, bây giờ làm thủ tục ly hôn rất đơn giản. Thông thường những cặp vợ chồng thuận tình ly hôn chỉ cần đến tòa lần thứ nhất để nhận đơn, tiếp đó là nộp đơn, nộp tiền tạm ứng lệ phí. Sau đó đến phiên họp, dù thẩm phán có khuyên can, hòa giải nhưng nếu cả hai vợ chồng đều thống nhất quan điểm không thể tiếp tục chung sống thì tòa buộc phải ra quyết định ly hôn. Những người chúng tôi đã gặp và trao đổi đều cho rằng, rất cần khôi phục lại quy định như cũ, nghĩa là các vụ ly hôn cần có sự tham gia hòa giải ở cơ sở trước khi ra tòa. Phải chăng đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng các vụ việc ly hôn đang gia tăng như hiện nay?
Cuối cùng, dù có thực hiện giải pháp gì đi nữa, theo chúng tôi, đó chỉ là những tác động từ bên ngoài. Điều cốt lõi nhằm hạn chế sự đổ vỡ của những cuộc hôn nhân, mỗi cặp vợ chồng phải biết nghĩ về nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của truyền thống gia đình, nghĩ về tương lai của con cái. Hôn nhân và hạnh phúc gia đình phải được xây dựng trên nền tảng của tình yêu. Tình yêu là sợi dây vô hình gắn kết hai con người xa lạ. Có tình yêu, con người ta sẵn sàng học cách khoan dung, biết độ lượng, tha thứ cho những điều nhỏ nhặt để chung tay giữ lửa cho tổ ấm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.