(HNM) - Văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã thay đổi trong vài thập kỷ qua, có thêm nét đẹp hiện đại nhưng cũng có nhiều biểu hiện xấu mà nguyên nhân không chỉ là môi trường giáo dục còn hạn chế.
Có những lề lối cũ cần thay đổi cho phù hợp đời sống hiện đại, quá trình ấy tất yếu phô bày sự hạn chế trong giai đoạn đầu. Có những nguyên nhân quan trọng về mặt quản lý trước làn sóng nhập cư ồ ạt và sự du nhập giá trị văn hóa mới…
Điểm yếu "tự thân" và sự thay đổi tất yếu
Nhiều học giả trong nước cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành phẩm cách người Hà Nội xưa và nay, tựu trung lại là ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ tầng văn hóa - lịch sử, vị thế của một Thủ đô. Xem xét tính cách của người Hà Nội xưa và nay trong bối cảnh Thủ đô có sự vận động phát triển không ngừng, dễ thấy sự thay đổi là tất yếu. Trong sự vận động ấy, điều đáng kể là sự chuyển dịch từ một không gian đô thị cổ với vai trò nổi bật là đầu mối hành chính, một trung tâm văn hóa, sang vị thế của một Thủ đô vừa là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, thương mại, dịch vụ, vừa là trung tâm về chính trị, hành chính, ngoại giao của cả nước. Sự thay đổi mang tính căn bản đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự thay đổi khác, trong đó có thay đổi về văn hóa.
Khi môi trường đô thị thay đổi, tính cách con người cũng có sự khác, vận động theo hướng phù hợp hơn. Chẳng hạn, phẩm chất thanh lịch của người Hà Nội xưa, một phẩm chất thể hiện rõ trong cách thức giao tiếp, ứng xử nay cần có sự vận động - biến đổi theo chuẩn văn minh, hiện đại. Theo PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội: "Thanh lịch hiện đại phải gắn với đời sống văn hóa thị dân hiện đại. Hà Nội ngày nay khác biệt với Thăng Long xưa vốn chỉ có những thị dân của đô thị hành chính cổ, thuần phác êm đềm".
Câu hỏi đặt ra là, với những gì được kết tinh, định hình qua nhiều đời, nay bắt vào thời đại mới liệu có phải tất cả đều ổn hay không? Phẩm cách Hà Nội, những gì từng vào thơ ca, bao đời được ca ngợi liệu có thể đứng vững trước va đập thời cuộc?
Những nghiên cứu chung về lối sống, phong cách của cư dân Hà Nội đã chỉ ra rằng, bên những phẩm chất tốt đẹp như thanh lịch, hào hoa, hàn lâm, giàu nghĩa khí, nhân ái… thì còn có những điều không phù hợp với xã hội hiện đại. Đó là sự thiếu quyết đoán, thiếu thẳng thắn, nặng về lý thuyết, trọng tình hơn lý nên dễ cả nể, hữu khuynh, trọng nếp nhà hơn ý thức cộng đồng… Thói quen, nếp nghĩ ấy thể hiện qua ứng xử, giao tiếp, làm việc, có thể là nguyên nhân cản trở sự phát triển, mà dễ thấy là thái độ chậm đổi mới, ý thức chấp hành luật hạn chế. Sự thay đổi nếp nghĩ, hành động, do tác động xã hội hay tự thích ứng theo chuẩn mới, không phải là điều dễ định hình qua ngày một ngày hai. Đó là một quá trình lâu dài không êm ả, có những lúc sự xấu xí tưởng đã là phổ biến, lấn át cái đẹp như có thể thấy hiện nay.
Thủ đô rộng mở
PGS Vũ Ngọc Khánh (Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian), khi bàn về hai chữ "thanh lịch" của đất và người Thăng Long - Hà Nội đã đề cập đến một điều đáng chú ý. Ông viết: "Không to lớn, mà rất riêng tư, ấy là rất thanh. Không phô trương lập dị, mà chân chất hiền hòa, có thống nhất trước sau, ấy là rất lịch. Hà Nội có khép, khép để bảo tồn phong cách "cựu đế kinh". Hà Nội có mở, mở để đón nhận tinh hoa thế giới".
Bây giờ, khi Hà Nội đã không còn "khép hờ", mà "mở toang", ắt hẳn nét thanh lịch không còn nguyên nghĩa cũ. Nhưng, cái xấu xí tưởng có thể nhìn thấy hằng ngày liên quan thế nào tới cái sự "mở toang" hay "khép hờ" ấy?
Đã có nhiều ý kiến bàn về vấn đề nhập cư ồ ạt trong vài thập niên qua và cái gọi là "mặt trái kinh tế thị trường", cho đó là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự sa sút phẩm chất của người Hà Nội. Thói bon chen, luồn lọt - người nhập cư mang đến, do nhu cầu tồn tại và vươn lên ở đất đế kinh. Thói trưởng giả học làm sang - do "lớp người Hà Nội mới" dẫn dắt, những người đã phất lên nhanh chóng trong thời kinh tế thị trường chưa có được sự quản lý hoàn chỉnh như mong đợi? Ăn nói nhồm nhoàm, chen lấn xô đẩy, phải chăng là hành vi của "người nhà quê"? Sống thực dụng, vì tiền - đích thị là sản phẩm của kinh tế thị trường! như thể kết luận người nhập cư vào Thủ đô là Hà Nội "hỏng" ngay lập tức, bất kể là cho đến giờ vẫn chưa có "chuẩn" thế nào là người Hà Nội "gốc", người Hà Nội "cũ". Sống ở Hà Nội năm đời, mười đời hay bao nhiêu lâu thì được quyền tự hào "chính danh Hà Nội gốc"? Bởi vậy, có câu hỏi rằng, liệu trong số bị coi là "phá" nét đẹp ứng xử của người Thủ đô có bao nhiêu phần trăm là người Hà Nội "gốc", "cũ"? Năm 2005, trong một tham luận gửi tới BTC hội thảo "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", PGS Hà Đình Đức viết: "Nói về người Hà Nội hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận cả mặt tốt và mặt xấu… Mặt xấu thể hiện qua tệ nạn ma túy, mại dâm, trộm cướp, đua xe trái phép… xảy ra hằng ngày trên địa bàn Hà Nội thì không thể coi tệ nạn đó không phải là của người Hà Nội. Thử xem những đối tượng đó là ai, phải chăng chỉ là những người nhập cư từ nơi khác đến?".
Sẽ là hợp lý hơn khi nói rằng, lượng người nhập cư quá lớn đổ về Hà Nội trong một khoảng thời gian ngắn đã làm nhịp sống Hà Nội có nhiều xáo trộn, đặc biệt là khi việc thực hiện chính sách quản lý đô thị còn có sự hạn chế trên nhiều phương diện. Sự va đập giữa những thói quen, nền nếp, tư duy khác nhau là không tránh khỏi, và dù đất kinh kỳ được tiếng "hội tụ, kết tinh, lan tỏa, phát sáng" nhưng quá trình "kết tinh" không dễ mà có ngay được. Bởi thế mà có những chuyện thường ngày không mong muốn.
Đó là chưa kể sự giao lưu rộng mở đã làm thay đổi cách thức tiêu dùng văn hóa của người Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ. Sống nhanh, sống vội vã, thực dụng hơn, tiếp nhận thiếu chọn lọc, trong khi nội lực có sự hạn chế nhất định.
(Còn tiếp)
Nguyên nhân từ nhiều phía |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.