(HNM) - Trong loạt bài này, nhóm PV Hànộimới đã cố gắng tiếp cận cách thức ứng xử của người Hà Nội hiện đại và biểu hiện của nó ở một số lĩnh vực cơ bản trong đời sống xã hội.
Gia đình là môi trường văn hóa gần gũi nhất, có ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành nhân cách của trẻ em, ngay từ khi chúng chưa ý thức rõ về điều đó. Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi.
Gia đình là môi trường văn hóa có ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành nhân cách của trẻ em. Ảnh: Phương Thanh
Ở "trường học đầu tiên", trẻ được những "người thầy" là cha mẹ, ông bà giáo dục kiến thức, kỹ năng sống để có thể thích ứng, hòa nhập cộng đồng. Nhưng trên thực tế, nhịp sống ngày càng gấp gáp cùng gánh nặng kiếm sống khiến cha mẹ không còn thời gian dạy con nết ăn, nết ở. Kết quả điều tra toàn quốc về gia đình gần đây nhất cho thấy, 20% số ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái bởi quá bận mưu sinh. Vấn đề này sẽ trở nên dễ giải quyết hơn ở những gia đình nhiều thế hệ, khi ông bà có thể thay cha mẹ truyền dạy cho con cháu điều hay, lẽ phải. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra, quy mô hộ gia đình Việt Nam ngày càng thu hẹp theo hướng phát triển gia đình hạt nhân, gia đình từ nhiều thế hệ (tam, tứ đại đồng đường…) chuyển thành gia đình một, hai thế hệ. Số gia đình hạt nhân chiếm đến 63,4% tại thời điểm điều tra toàn quốc về gia đình cách đây vài năm và hiện con số này chắc đã tăng. Bên cạnh những ưu điểm và lợi thế của nó, gia đình hạt nhân cũng có những điểm hạn chế nhất định như khả năng bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình đã giảm sút do ảnh hưởng của các thế hệ tới nhau ít đi.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về gia đình nhận xét rằng, theo dòng thời gian, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có nhiều biến đổi, tôn ti trật tự không còn chặt chẽ như trước, thay vào đó là sự bình đẳng, đề cao tự do cá nhân. Sự thay đổi này góp phần tạo ra phong cách sống hiện đại, đề cao năng lực sáng tạo cá nhân nhưng cũng khiến con cái có xu hướng thoát ra khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, coi nhẹ lời răn, sự góp ý của người lớn. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, nhiều phụ huynh giờ đặt kỳ vọng quá lớn vào con nhưng lại không kỳ công giáo dục chúng, thậm chí phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội. Nhiều người chỉ biết đưa con đến lớp, đón con về, nộp tiền học đầy đủ rồi chờ kết quả từ nhà trường. Cha mẹ "trăm sự nhờ thầy cô" trong khi nhà trường tập trung cho dạy chữ chứ chưa quan tâm đúng mức tới việc dạy trẻ cách làm người.
Nhà trường chưa là "lõi"
Dạy chữ, dạy người là mục tiêu, là phương châm của giáo dục, được cụ thể hóa bằng Luật Giáo dục cho đến các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của ngành GD-ĐT. Nhưng thực tế việc gắn dạy chữ với dạy người chưa tốt, còn coi trọng về dạy chữ mà coi nhẹ về dạy người. Nguyên nhân của thực trạng này đã từng rất nhiều lần được mổ xẻ, từ nhận thức chưa đầy đủ của xã hội cũng như của ngành; chương trình học nặng trong khi thời lượng dạy học ít, điều kiện để tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện nhằm rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, kỹ năng sống còn thiếu nên nhà trường ít quan tâm đến các nội dung này, cho đến tác động xấu của mặt trái cơ chế thị trường... Dạy làm người, mà chủ yếu mới tập trung cho giáo dục đạo đức, bị xem nhẹ nên trên thực tế chưa có nơi nào nghĩ đến dạy cho trẻ con biết thế nào là ứng xử văn hóa. Ngay với nhiều người lớn, kể cả thầy cô giáo, phân biệt rạch ròi giữa dạy đạo đức, ví như gặp người lớn thì phải chào hỏi, với dạy ứng xử thanh lịch, nghĩa là chào như thế nào, vừa chạy vừa chào hay phải đứng lại, nhìn vào người trên mà chào, cũng vẫn là điều mới mẻ. Chỉ đến khi ngành GD-ĐT Hà Nội triển khai thí điểm tài liệu giảng dạy nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 - bắt đầu từ năm học 2010-2011 thì vấn đề tồn tại bấy lâu là không quan tâm tới dạy giao tiếp, ứng xử, hoặc có thấy đó là việc cần làm nhưng lại không có điều kiện để tổ chức một cách bài bản vì thiếu chương trình, tài liệu... mới được giải quyết.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những lý do khiến nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường chưa được như mong muốn. Gánh nặng thành tích vẫn đè nặng, nỗi lo cơm áo vẫn canh cánh trong lòng các thầy cô giáo, khiến họ không còn tâm trí và sức lực cho những điều biết là quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một con người nhưng không có vai trò quyết định tới việc tiến thân của trò. Trường học là nơi truyền dạy những nét đẹp văn hóa một cách bài bản và mẫu mực nhất nhưng điều ấy đòi hỏi các thầy cô thực sự phải là những tấm gương. Tiếc rằng, đôi lúc, vài nơi, có những người ngày ngày đứng trên bục giảng song lại không phải là "khuôn vàng, thước ngọc" về ứng xử với đồng nghiệp, với học trò.
Ngoài "căn bệnh" nặng dạy chữ - nhẹ dạy người, giáo dục còn những bệnh trầm kha nữa như nặng về kiến thức - nhẹ về phương pháp, nặng về lý luận - nhẹ về thực tiễn. Thêm vào đó là sự quan tâm đầu tư cho giáo dục theo kiểu "hình chóp ngược", bậc mầm non, tiểu học, cái nôi hình thành nhân cách cho trẻ lẽ ra phải được coi trọng thì lại bị xem nhẹ, cả về đào tạo giáo viên và quan điểm đầu tư phát triển. Những "căn nguyên" ấy đã lý giải vì sao giáo dục làm người trong nhà trường, trong đó có dạy ứng xử thanh lịch, văn minh vẫn là điều khiến dư luận vừa bức xúc, vừa lo lắng.
Còn phải học nhiều Thúy Quỳnh - Thúy Hiền ghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.