Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 8: 18 lần cập bến thành công

Triệu Dương| 11/09/2011 07:58

(HNM) - Trung tá Vũ Văn Tính được mệnh danh là


Lão ngư Vũ Văn Tính với những câu chuyện như huyền thoại.

Ông Tính sinh ra ở vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Và cũng như những người dân trong làng, xã, gia đình ông bao đời sống bằng nghề đi biển. Nhưng lúc còn nhỏ, ông Tính đã làm cả họ thất vọng vì hễ cứ đưa ra khơi, theo các chuyến thuyền đánh bắt dài ngày là ông say sóng đứ đừ. Bố ông nhiều lần nhìn con, vừa tức, vừa thương, rồi cũng chỉ biết thở vắn than dài rằng: Thằng Tính rồi sẽ bỏ nghề biển mất thôi, mà nó bỏ nghề này thì làm gì để sống đây?

Vậy mà ai ngờ, đến năm 16 tuổi ông Tính lại nổi danh vô địch bơi lội cấp huyện và được cử tham gia giải bơi lội cấp tỉnh tổ chức trên sông Mã vào năm 1960. 17 tuổi chàng trai xứ Thanh đi thi và trúng tuyển ngay vào Trường Trung cấp Hàng hải đóng tại Hải Phòng. Học nghề xong, tháng 2-1964, Quân chủng Hải quân tuyển lính mới. Nhờ giỏi bơi lội nên chàng trai trẻ quê xứ Thanh đã lọt vào "mắt xanh" của các chỉ huy. Vào hải quân, tham gia huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 170 đóng tại Quảng Ninh, ông lại lập thành tích bắn 3 phát súng đạt 29 điểm. Nhờ bao "tài lẻ", ông Tính được tuyển thẳng vào Lữ đoàn 125 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển từ tháng 4-1964.

Những thanh niên được tuyển chọn về Lữ đoàn 125 như ông Tính đều phải tiếp tục trải qua nhiều thử thách. Có lần tất cả được đưa ra khu vực Long Châu, cách Bạch Long Vĩ khoảng 46 hải lý, cách đất liền 20 hải lý để đọ sức với sóng. Đây là vùng biển thường xuyên có sóng cuộn cao lên rồi đổ ầm xuống rất nguy hiểm, nhưng với sức trai trẻ hừng hực và khát vọng được đánh giặc đã tạo nên sức mạnh giúp ông Tính và đồng đội vượt qua cuộc "thử lửa" này. Làm bạn với sóng dữ đã thành công, được điều về phụ trách hàng hải số 1 trên tàu 42 với công việc làm kế hoạch đi biển, tác nghiệp hải đồ, xử lý la bàn, máy đo thiên văn, thử sóng, lái tàu. Nhiệm vụ của ông là chọn đường đi sao cho ngắn nhất, tránh bị địch phát hiện và cập bến Cà Mau với thời gian ít nhất, tiết kiệm, an toàn nhất. Suốt từ tháng 6-1964 đến năm 1970, ông Tính đã cùng đơn vị vận chuyển 18 chuyến hàng vào Cà Mau an toàn, trong đó có chuyến đi mở đường sau sự kiện Vũng Rô. "Tất cả những người tham gia hoạt động trên đoàn tàu không số đều xác định có thể có ngày đi mà không có ngày về. Mọi người đều giống nhau, lên tàu là toàn bộ mọi thứ thuộc về tài sản cá nhân, tài liệu bí mật thuộc ngành cơ yếu và hàng hải đều phải để lại trên đất liền. Chúng tôi đã lên đường và thành công bằng niềm tin về một ngày chiến thắng" - Trung tá Vũ Văn Tính khẳng định.

Vượt biển, mở đường mới

Sau sự kiện Vũng Rô, đầu năm 1956 đường Hồ Chí Minh trên biển gần như bị lộ. Với quyết tâm cao của Quân ủy Trung ương, trên chuyến tàu 42 tái mở đường, ông Tính tiếp tục đảm nhận vai trò hàng hải số 1. Đêm 15-10-1965, tàu 42 sơn màu ngọc bích lặng lẽ rời bến Hải Phòng khi đã được cải dạng thành tàu đánh cá của ngư dân vùng biển Đông Nam Á. Đến giờ khi nhớ lại, Trung tá Tính khẳng định: "Ngày ấy, tôi là một trong 3 người được Lữ đoàn 125 đánh giá giỏi về thiên văn. Vị trí tôi lựa chọn rất hiếm khi xảy ra sai lệch. Trên thực tế, chỉ cần chệch một chút là có thể đi vào nơi gần đồn bốt địch đóng, do vậy người hoa tiêu không được phép sai sót. Hơn nữa chuyến đi vòng vèo xa bờ, qua nhiều địa hình có đảo để định hình, nơi không có đảo càng phải cẩn trọng. Tính chuẩn xác của phương pháp thiên văn là vị trí bến bãi đã được định hình bằng vị trí sao trời và mặt trăng không hề sai lệch lấy một ly. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là không thể xác định khi thời tiết xấu. Vào những lúc như thế những người dẫn dắt con tàu chúng tôi lại sử dụng phương pháp cổ truyền là địa văn nên rất hiếm khi đưa tàu đi mà không hoàn thành nhiệm vụ".

Lại nói về hải trình của tàu 42. Khi ra đến vị trí đường hàng hải quốc tế, đang chạy vòng qua một hòn đảo trực chỉ hướng Cà Mau thì bị địch phát hiện. Tàu rơi vào trận địa phục kích, trên trời là máy bay trinh sát Navi do thám, dưới biển là khu trục Hạm đội 7 bám sát. Có lúc để thử gan mấy "ông Việt cộng", khu trục hạm lao lên chạy sát hông tàu đánh sóng oàm oạp sang trêu ngươi con tàu nhỏ bé của ta. Cứ thế suốt 5 ngày đêm, nhiều lúc máy bay địch rà sát mặt biển soi mói, nhưng do con tàu được cải trang một cách hoàn hảo cùng với bản lĩnh của người chiến sĩ hải quân bình tĩnh đối phó với mọi tình huống bất trắc nên địch chịu không xác định được là tàu gì, đành bỏ đi.

Theo kế hoạch, tàu 42 tái mở đường được lệnh vào cửa Bồ Đề, Cà Mau. Nhưng vì ở đây địch đang vây ráp quá chặt không vào được nênphải quay ra, tiếp tục lênh đênh trên biển. Bốn ngày sau mới nhận được lệnh vào bến phụ Rạch Kiến Vàng ở Cà Mau, nhanh chóng bốc dỡ 60 tấn hàng hóa, đạn dược cho chiến trường miền Nam, trong đó có 4 quả thủy lôi. Sau chuyến đi khai phá thành công tuyến đường mới này, tàu 42 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Kỷ niệm với "cá kình" Bông Văn Dĩa

Trong số báo trước nhóm PV chúng tôi đã có bài viết về người anh hùng được mệnh danh "cá kình biển Đông" - Bông Văn Dĩa. Sau 14 chuyến dẫn dắt con tàu 42 vượt biển thành công đưa hàng vào Nam, ông Tính được gặp ông Dĩa. Đó là mùa hè năm 1964, khi tàu lưu lại Cà Mau chờ nước lên để quay ra Bắc, vì mến người chiến sỹ có tài "thông thiên" nên Bông Văn Dĩa đã tặng ông Tính con rái cá tinh khôn một không hai. "Nó khôn và rất trung thành với chủ. Con rái cá này không biết anh Dĩa nuôi và huấn luyện từ bao giờ, nhưng anh huấn luyện nó rất tài, chuyên đi kiếm thức ăn về phục vụ chủ, mỗi lần rái cá lặn xuống nước là mang về 4-5kg cá, không kiếm được cá là nó không về" - ông Tính nhớ lại. Trước khi nhận món quà "vô giá" này từ đàn anh, ông Tính nói luôn nguyện vọng sẽ đem nó về tặng vườn Bách thú Hà Nội như một tình cảm thiêng liêng của miền Nam ruột thịt gửi ra Bắc. "Theo nguyện vọng, tôi mang con rái cá về Bắc sẽ tặng nó vào Vườn bách thú Hà Nội. Nhưng khi tàu 42 trở ra Bắc thì gặp bão, 3 ngày không ăn uống khiến con rái cá kiệt sức chết mất. Đến giờ tôi ân hận mãi vì chưa hoàn thành lời hứa với anh Dĩa" - ông Tính bùi ngùi nhớ.

Cả 18 lần vào Nam ra Bắc cùng đoàn tàu không số, ông Tính đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đưa tàu cập bến an toàn. Sau này, nhận nhiệm vụ khác, đi học tại Liên Xô (cũ) rồi tham gia chiến dịch rà phá thủy lôi, đi làm chuyên gia ở Campuchia... ông lại phát huy thêm nhiều "tài lẻ" nữa để hoàn thành nhiệm vụ. Người lính năm xưa giờ nghỉ hưu tại quê nhà, say mê với những công việc gắn liền với biển cả.

Trở về vui thú điền viên như bao người dân khác, nhưng mỗi khi có dịp nhớ lại những câu chuyện xưa, Trung tá Vũ Văn Tính lại nói với giọng đầy hứng khởi: "50 năm rồi chứ ít đâu, những lớp người như chúng tôi sẽ về với các cụ tiên tổ nhưng tôi muốn quãng đời còn lại sẽ thành lập một CLB những người lính tàu không số đi thành công từ 10 chuyến trở lên để kể cho cháu con huyền thoại đời mình..." - Ước mơ của "người con biển cả" được hòa vào dòng chảy bất tận của lịch sử, của những chiến công vô cùng anh dũng, hào hùng của Đoàn tàu không số đã làm nên huyền thoại trên biển Đông, giản đơn vậy thôi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 8: 18 lần cập bến thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.