(HNM) - Trong ký ức nhiều người lính 125, rất có thể 43 là con số
Hồi ức của Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn cho biết: Tàu 43 bị lộ rất sớm. Cách bến 15 hải lý, hai tàu địch ra chặn, phát tín hiệu "Anh là ai?". Trả lời: "Chúng tôi là tàu đánh cá", rồi "hồn nhiên" đi tiếp. Rồi bắn nhau, nó cháy 1 tàu, 1 trực thăng HU-1A, còn tàu ta mắc cạn. 3 thủy thủ hy sinh, 11 người bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh bơi vào bờ, hủy tàu. Đó là đêm 1-3-1968.
Mẹ Mốt. |
Chỗ họ "tấp" vào là thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, "tài nguyên" chính có lẽ là cát và tình người dân với cách mạng. Những bà mẹ chở che. Anh em du kích tìm tới "nhặt" về bệnh xá. Cái bệnh xá ấy giờ rất nổi tiếng vì có người con gái Hà Nội Đặng Thùy Trâm, tốt nghiệp Trường Y đi chiến trường. "Tôi sống được là nhờ Thùy Trâm và bệnh xá Bắc Mười cũng như người dân thôn Quy Thiện… Ngày chia tay 10-4-1968 để vượt Trường Sơn trở về đơn vị, Thùy Trâm nắm chặt tay tôi nói: "Thùy rất nhớ và hẹn gặp lại ngày thống nhất", rồi bật khóc", ông Tuấn kể.
*
Bốn mươi ba năm sau cái đêm "có tiếng nổ lớn ngoài biển", chúng tôi tới Quy Thiện. Quốc lộ 1, đoạn rẽ vào xã rải nhựa phẳng lỳ, hoa giấy đỏ rực nhưng tới thôn chỉ có cát. Một khẩu chừng trăm mét vuông, chả biết làm sao mà những khoai, sắn, lúa có thể mọc lên. Dân vùng này trước đi thuyền nan câu mực, nhưng giờ đã "lặng", người các nơi đến đánh bắt, cạnh tranh ghê quá. Nắng rát, đường ngoằn ngoèo, bánh xe máy cứ trôi tuột. Tốt ngày, trong vùng nhiều đám cưới, nhà ai cũng phải chia nhau mà đi. Tiền mừng từ một trăm "mới lên" trăm rưởi, không hề nhỏ so với thu nhập. Ông Lê Thắng bảo: "Tôi thương binh hạng 4, tháng được 560 nghìn đồng, rồi tiền ở tù Phú Quốc, huân, huy chương, nuôi bò trồng sắn…, tính cả được vài triệu đồng. Năm đứa con đều đang đi biển trong Phú Quốc, gửi về thêm"; nghĩa là mừng cưới không phải so đo nhiều quá.
"Năm 1968 tôi là du kích thôn", ông Thắng nhắc chuyện cũ. Hôm đó chúng nó canh ngoài khơi ngặt lắm, có hai tàu "nghé dái" (bò đực) chạy rất nhanh. Tàu ta chạy qua, bắn lại thùm thùm. Đêm có hai tiếng nổ cách nhau 10 phút, thùng đạn, kíp mìn bay rào rào. Tôi cùng Võ Nộ, thằng du kích đó chết rồi, ra tới bàu, gặp anh nói tiếng Bắc bị thương ở bụng, khiêng liền. Tôi chắc ảnh là y tá, vì bảo tôi quay lại lấy ba lô thuốc. Nhưng địch mò rào rào ngoài bãi phi lao, bốn năm xe tăng cào nát cát trắng, mình đồ đen lộ dễ quá, đành bỏ. Sau ảnh cho quyển sổ kỷ niệm, rủi mất rồi. Anh y tá đó người đâu, còn hay mất, tôi muốn biết quá.
"Sáng ra ngoài biển chỗ nào cũng có Mỹ hay ngụy lùng sục. 5 giờ chiều nó rút, tôi ra lượm ba bàn chân đứt rời, mấy lóng xương ống thủng lỗ chỗ, cởi áo bọc lại chôn xuống, vác đá đánh dấu, nay không tìm lại được. Dù sao dân Quy Thiện coi họ là con cái thôn mình rồi, Tết đến thắp hương khấn vọng".
Ông Phạm Ngọc Giàu, sinh năm 1952, cũng tù đày đòn tra nhưng người còn săn chắc, kể lại ký ức khá ngồ ngộ: "Tôi "hoạt động" rồi nhưng đang còn thiếu nhi, ở nhà với mẹ hoài. Mấy ông không số nặng lắm, không nhẹ hều như du kích hay bộ đội vùng, bốn người một cáng khiêng qua đường xe lửa miết lên Hiển Văn. Tôi khiêng cực quá vừa đi vừa khóc, thương binh nhọc lòng mà không biết làm sao. Mình phải cố thôi". Người được ông Giàu khiêng là Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng, vì khi du kích "lượm" được có xưng danh và bảo "Phía sau còn thương binh, khẩn trương đưa họ đến nơi an toàn đi".
Cả xã Phổ Hiệp (cũ) tìm được 10 "ông không số", nhưng không phải ngay trong đêm 1-3. Lên bờ, thủy thủ tưởng đây là vùng chiếm đóng, chạy tuốt lên núi Dâu, nơi có đồn địch, đụng chúng mới quay lại. Các chị Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Yến tìm thấy họ đang núp trong ruộng mía. Mả chôn (chung) mấy ông hy sinh, địch nghi có vũ khí, quật lên, sau dân ra lấp lại. Chỗ tàu nằm lại giờ cát phủ kín, có năm đáy xô lộ ra, làm rách lưới thả bên trên.
*
Ngôi nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mốt ngoài rìa thôn, gần bãi sắn và khoảnh đồi phi lao. Gió chạy tha hồ, ngồi ngoài sân không ngộp thở, nhưng vào nhà, nhìn dãy ảnh thờ thì cảm giác rất khó nói. Cây doi gần giếng đang độ sai, hái mấy trái ăn rất đỡ khát, rồi vào chuyện. Mẹ Mốt sinh năm 1921, răn reo nhưng tỉnh táo. Câu chuyện, dù sao, cũng không thể mạch lạc quá. "Bệnh xá đóng nhà mẹ, lúc đó chỗ khác. Con Trâm (Đặng Thùy Trâm), con Khiêm (Trần Thị Khiêm) bác sĩ, con Vân y tá đều là con nuôi mẹ cả". Đang nói mẹ ngó lơ ra đồi, hồi lâu rồi tiếp: "Lính từ núi Dâu trước mặt đó, xuống càn quá chừng. Có cả xe tăng. Thương binh đưa xuống hầm bí mật, riết mới lên". Mẹ đưa khách xem tấm ảnh cả nhà chụp với Đặng Kim Trâm, em chị Thùy Trâm.
Chuyện đang ríu ran, dù để làm tư liệu thì hơi "khó bị chuẩn", thì chị con gái Mai Thị Minh cùng em trai Mai Xuân Thạnh đi ăn cưới về. "Ba tôi mất sớm. Mẹ đẻ 7 lần, "đậu" 3 liệt sỹ là Mai Thị Răng, Mai Thị Hoa và Mai Xuân Mực. May giải phóng sớm, không con mẹ chết hết", chị Minh nói như về một chuyện bình thường lắm. Anh Thạnh vô tư chỉ cái xe máy mới: "Vợ tôi bán vé số, hủ tiếu mà mua được nó đây". Mẹ Mốt ngồi dựa cây doi đủng đỉnh: "Đám lính "không số" mẹ không nhớ đứa nào, chỉ biết toàn dân Bắc. Không đứa nào quay về đây…". Tôi không rõ ký ức mẹ có chính xác không, vì chỉ huy tàu xưa đa phần người Nam. Nhưng có điều không thể sai, là họ, những con người còn sống sót, đã được mẹ, cùng dân Quy Thiện, bệnh xá có bác sĩ Đặng Thùy Trâm che chở, nuôi giấu, chăm nom cho đến ngày đủ sức trở lại đơn vị chủ lực, vượt Trường Sơn ra Bắc.
Khi tôi viết những dòng này, từ Quảng Ngãi tin ra: Đoàn cựu chiến binh tàu không số miền Trung đang tìm về những chốn xưa, trong đó có làng cát Quy Thiện. Không biết mẹ Mốt có nhận ra ai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.