Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 7: Hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc

Ths Hoàng Thanh Hải - (Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương)| 04/12/2016 06:52

(HNM) - Ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quy mô cả nước, giành những thắng lợi đầu tiên.


Ngày 19-12-1946 đã trở thành biểu tượng ngời sáng về tinh thần yêu nước hào hùng, ý chí kiên cường, bất khuất và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trước vận mệnh đất nước bị lâm nguy. Đã 70 năm trôi qua, nhưng kỳ tích hội tụ sức mạnh toàn dân tộc của những ngày Toàn quốc kháng chiến luôn là bài học lịch sử vô giá cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta, mong muốn đất nước được hòa bình, ổn định để tập trung xây dựng cuộc sống mới, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ rõ thiện chí, cố gắng làm những việc có thể nhằm đẩy lùi chiến tranh, nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp không ngừng gây hấn, khiêu khích và lấn tới, muốn thôn tính nước ta, muốn đẩy chúng ta trở về với cuộc sống nô lệ. Tình thế đó buộc Chính phủ ta phải có quyết định chiến lược sáng suốt, kịp thời để xoay chuyển vận nước đang lâm nguy. Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã họp Hội nghị bất thường tại Vạn Phúc, Hà Đông và quyết định “phát động toàn quốc kháng chiến” để bảo vệ độc lập dân tộc đồng thời đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến. Trong đó nêu rõ tính chất, chính sách, cách đánh, chương trình, kháng chiến, cơ quan chỉ đạo kháng chiến, các khẩu hiệu chỉ đạo hành động trong kháng chiến...

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”, đã thể hiện được ý nguyện của toàn dân, một dân tộc “yêu hòa bình, nhưng không sợ chiến chinh”. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồi 20h ngày 19-12-1946, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) phá máy, làm cả thành phố mất điện là hiệu lệnh cho quân dân Thủ đô Hà Nội đồng loạt nổ súng tiến công, chủ động đánh thực dân Pháp xâm lược, mở đầu Toàn quốc kháng chiến.

Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Vệ quốc quân, tự vệ chiến đấu… tiến công các vị trí quân Pháp. Nhân dân khiêng bàn ghế, tủ… làm chướng ngại vật trên đường phố, quân dân Hà Nội sát cánh chiến đấu, mỗi đường phố là một trận địa, mỗi ngôi nhà, góc phố là một pháo đài, cả thành phố là một mặt trận.

Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh; giam chân đạo quân chủ lực mạnh, làm thất bại kế hoạch nhanh chóng chiếm Hà Nội, tạo bàn đạp đánh chiếm Đồng bằng Bắc Bộ của địch; bảo vệ được cơ quan đầu não kháng chiến, giữ gìn và phát triển lực lượng vũ trang; cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương bước vào kháng chiến.

Cùng với mặt trận Hà Nội, nhân dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc với tinh thần yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc nhanh chóng hưởng ứng Chỉ thị của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang Nam Ðịnh đã bao vây giam giữ 800 quân Pháp trong Nhà máy Sợi gần ba tháng; ta đã đánh phá giao thông quyết liệt ở Đường số 5; ở thị xã Vinh ngay từ đêm nổ súng quân Pháp đã phải hàng quân ta; ở Huế, sau 50 ngày vây đánh, ta đã diệt gần 200 tên Pháp; ở Ðà Nẵng, mặc dù quân Pháp đông gấp bội nhưng ta cũng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây địch…

Sau 2 tháng kể từ ngày kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, quân dân các thành phố, thị xã khác cùng với quân dân Hà Nội đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, chiến đấu kiên cường dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày trong thành phố để hậu phương có điều kiện tổ chức triển khai thế trận chiến đấu lâu dài; bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ; tản cư được phần lớn nhân dân, phương tiện, máy móc ra an toàn khu. Đất nước kịp thời chuyển sang thời chiến và bước đầu triển khai thế trận chiến tranh nhân dân. Các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận... chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Các cơ quan dân, chính, đảng địa phương cũng về đóng nơi tạm thời an toàn. Hàng vạn đồng bào tản cư, vượt qua mọi khó khăn, hòa nhập với nhân dân các địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng nghìn cán bộ, hàng trăm đại đội độc lập và đội xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền đã được tăng cường vào vùng tạm bị chiếm. Phong trào chống thuế, chống bắt phu, bắt lính, trừ gian... nổi dậy đồng loạt ở nhiều nơi vùng sau lưng địch phát triển thành phong trào tổng phá tề rầm rộ. Chính quyền bù nhìn bị tan vỡ từng mảng. Chính quyền cách mạng được lập lại ở nhiều nơi với những hình thức thích hợp.

Cả nước hưởng ứng quyết định của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Năm 1950, ta mở chiến dịch Biên giới nhằm mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giải phóng một phần biên giới. Trung tuần tháng 9-1950, Bác Hồ lên đường ra mặt trận để lãnh đạo chiến dịch - các chiến trường phối hợp: Ở Đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và Nam Bộ đẩy mạnh diệt địch, phá tề.

Đến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được huy động ở mức cao nhất. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả Ngạn, đến Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Nam Bộ đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng ở khắp nơi để đối phó. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề, trừ gian. Đó là những hoạt động phối hợp kịp thời và có hiệu quả của cả nước với quân và dân ta ở chiến trường.

Sau 9 năm thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng “nếm mật nằm gai, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng - chí không mòn…”, đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc đối phương phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Theo đó, nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.

Toàn quốc kháng chiến là một kỳ tích hội tụ sức mạnh dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Mốc son chói lọi ấy luôn là niềm tự hào chân chính, là bài học sâu sắc cho các thế hệ người Việt Nam nghiên cứu, vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.