Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 7: Địa linh Nhân kiệt

Nguyễn Triều| 09/10/2010 07:33

LTS: Từ ngày 1-10-2010 đúng dịp khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Báo Hànộimới đã khởi đăng loạt bài


Vùng đất Hà Nội hiện nay ngay từ đầu Công nguyên đã là một vùng đất hội tụ. Đầu não bộ máy cai trị Giao Chỉ của phương Bắc bao giờ cũng đóng ở đây: Long Biên, Tống Bình.

Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.


Còn trước nữa, thời An Dương Vương Thục Phán, kinh đô Âu Lạc đã đóng ở đây, vùng Cổ Loa.

Vùng đất này ngay từ hồi đó đã có những điều kiện cần cho một nơi linh thiêng, đó là thiên thời, địa lợi, chỉ thiếu có nhân hòa. Chỉ đến khi người Việt giành lại được quyền tự chủ của mình, tự khẳng định quyền "Nam quốc Nam đế" thì vùng đất này mới đủ cả ba yếu tố cần thiết để từ Long Đỗ rồng bay lên nhường lại đất ngàn xưa cho chủ nhân thật sự của nó - các hoàng đế nước Nam. Cũng kể từ đó, vùng đất này trở thành kinh đô muôn đời của Đại Việt với tên gọi đầy kiêu hãnh - Thăng Long. Và cũng từ đó trở thành vùng đất ngàn đời Địa linh Nhân kiệt của con cháu Lạc Hồng.

Mấy năm gần đây nhiều người thường xuyên dùng cụm từ "Địa linh nhân kiệt" cho bất kỳ một vùng đất nào có đôi chút chiến công và dăm ba người tài. Những vùng đất như vậy nước ta nơi nào cũng có, nhưng liệu có vì thế mà những nơi đó là địa linh nhân kiệt theo đúng nghĩa?

Người ta hiểu một cách đơn giản, theo tiếng Việt, địa linh là đất thiêng, nhân kiệt là người kiệt xuất. Hiểu vậy là theo kiểu nghĩ, cách viết danh từ trước, tính từ sau. Nhưng cụm từ này hiểu theo cách tính từ trước, danh từ sau thì địa linh có nghĩa là nơi kết tinh sự linh thiêng của sông núi; nhân kiệt là nơi hội tụ tinh hoa kiệt xuất của con người. Hiểu đúng là như vậy và hiểu như vậy thì trên toàn bộ non sông gấm vóc của cha ông để lại, có mấy nơi đúng là địa linh nhân kiệt? Trước hết đó phải là nơi đóng đô của các triều đại; nơi hồn thiêng sông núi đọng lại; nơi tinh hoa dân tộc dồn về; nơi quyết định chủ quyền của đất nước, vận mệnh của dân tộc...

Các cụ xưa quan niệm rằng trường học là bộ mặt trí tuệ của đô thị. Thước đo cao nhất với một thị thành Việt xưa là nơi đó có nhiều học trò không và có giỏi không? Và Thăng Long - Hà Nội không thời nào thiếu học trò giỏi. Nói là học trò kinh kỳ nhưng phần nhiều từ các nơi đến vì đây là nơi có nhiều trường lớn, nhiều thầy đạo cao đức trọng, chỉ lấy nghề dạy học làm quý, không màng địa vị, tiền tài. Học trò, dù là học trò Nam danh tiếng hay đến từ xứ Nghệ gàn bướng, mỗi khi đã học ở đất nghìn năm văn hiến thì chẳng bao lâu sẽ ngấm dần vào máu cái học phong, sĩ khí của đất kinh kỳ. Hà Nội mỗi lần mở khoa thi hương, học trò đến thi đông vô kể, sĩ khí rất hăng, cứ hừng hực. Hồi Tây mới sang, nhận thấy tình hình đó, họ liền chuyển trường thi Hà Nội về Nam Định, gọi là Hà Nam hợp thi. Mà mỗi lần thi vẫn phải cho tàu chiến đậu sẵn trên sông Vị Hoàng phòng bất trắc...

Và cũng từ đó tạo dần nên một bản sắc, một lối sống, một nền văn hóa Kẻ Chợ mà dần dần thành ca dao:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.


Người Hà Nội từ xưa, dẫu là dân kinh kỳ, vẫn chuộng lối sống giản dị, khoan hòa; ghét lòe loẹt mà thích đứng đắn; tránh xa hoa, dẫu giàu sang áo có mớ ba mớ bảy cũng khoác ngoài một chiếc áo thâm hay tam giang cho khiêm tốn, chỉ trẻ con mới được mặc áo sặc sỡ. Chuyện kể có một nhà giàu, gả con cho nhà quan, trải chiếu cạp điều từ nhà gái đến nhà trai, liền bị cả thành phố phỉ nhổ. Ngay cả các cô thích làm dáng cũng chỉ dám cài lên khăn cái hoa huệ, hoa lan chứ cấm không dám cài hoa nhài...

Hà Nội như một thỏi nam châm lớn thu hút tài hoa. Đâu chỉ Tướng công Uy Viễn Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ mê Hà Nội. Từ xưa là Nguyễn Trãi "Góc thành Nam lều một gian"; là Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và xa hơn nữa là những tài danh kim cổ Trần Quốc Tuấn, Từ Đạo Hạnh... Tất cả những nhân cách lớn ấy của dân tộc đều góp phần tạo nên văn hóa Hà Nội và trở thành một phần của văn hóa đó dù họ sinh ra ở đất đô hội hay không.

Đâu chỉ văn nhân tài tử, đâu chỉ những danh tướng đại thần, rất nhiều thứ "đặc Hà Nội" không hề xuất xứ từ Hà Nội nhưng chỉ nổi tiếng, lưu truyền cho muôn đời sau khi đến Hà Nội và được Hà Nội chấp nhận: phở Nam Định, giò chả Ước Lễ; bánh cốm Hải Dương...

Một trong những đỉnh cao của quy trình giao thoa văn hóa mà kinh kỳ - thủ đô được trao trọng trách như vùng địa linh nhân kiệt là chiếc áo dài. Khởi nguồn từ những bộ áo tứ thân, mớ ba mớ bảy của tổ tiên để lại, qua văn hóa Hà Nội nó trở thành một y phục huyền thoại của phụ nữ Việt Nam, của tính cách, bản tính Việt Nam.

Diệu kỳ của vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long - Hà Nội là biết thu nhận và sử dụng hiền tài rồi từ đó tạo nên một nền văn hóa đặc trưng, đỉnh cao nghệ thuật cho các vùng noi theo, học theo.

Người xưa dạy:
Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi song


Sinh ra ở đời ai chẳng muốn cùng tồn tại với thời gian, với dân tộc bằng tài năng, cống hiến của mình. Khát vọng, thiên bẩm là một chuyện, để thực hiện được hoài bão lớn cần có một vùng đất đủ lớn, đủ khả năng dung nạp và đủ trình độ sử dụng tài năng. Nước có sâu cá mới to; núi có cao thú mới lớn. Không phải ngẫu nhiên mà hổ ở trong rừng sâu; đại bàng làm tổ trên chỏm núi; cá kình vùng vẫy ngoài biển khơi. Rồng ẩn dưới vực và gọi gió phun mưa từ trên trời...

Hấp thụ tinh hoa của văn minh cha ông và loài người; hội tụ trí tuệ siêu việt của dân tộc; ngưng đọng hồn thiêng sông núi cho mãi muôn đời con cháu mới chỉ là một phần chức năng địa linh nhân kiệt của Thăng Long - Hà Nội. Đó mới là nhận và kết tinh. Thủ đô còn có trách nhiệm lịch sử truyền bá những tinh hoa đó ra cả nước và giờ đây là tới mọi nơi trên thế giới đang hội nhập này.

Đã một nghìn năm kể từ ngày Thái tổ Lý Công Uẩn nhận ra cái thế địa linh nhân kiệt của Thăng Long khi thấy rồng vàng bay lên. Suốt nghìn năm dài đó, Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng là nơi gửi mọi hy vọng về vận mệnh của con cháu Lạc Hồng, của non sông Đại Việt và đã gửi tới đấy tất cả những gì tốt nhất mình có. Và Thăng Long - Hà Nội luôn sẵn sàng đón nhận, đào tạo, kết tinh rồi trả lại cho dân tộc, cho non sông những tinh túy văn hóa mới, một lối sống mới mang tên Thăng Long - Hà Nội.

Và đó chính là nguyên nhân để Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hòa bình của chúng ta mãi ngàn đời địa linh nhân kiệt với đúng nghĩa của nó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Địa linh Nhân kiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.