(HNM) - Trong hành trình theo dấu chân đoàn quân thần tốc 35 năm trước, càng ngày chúng tôi càng hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của bộ đội địa phương, đặc biệt là lực lượng hoạt động trên địa bàn các tỉnh Trung bộ, nơi mà hình thái chiến trường trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975 cho phép họ thực hiện sự chủ động phương án tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt.
Trong những ngày ở Huế, tôi có dịp tiếp xúc với KTS Phùng Phu, TS sử học Phan Thanh Hải, hai trong số lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Khi nói về công tác bảo tồn khu di sản văn hóa thế giới đặc biệt quan trọng này, không hẹn mà nên, cả hai cùng có sự so sánh về những mất - còn của di tích Cố đô trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và Xuân 1975. Lúc ấy, KTS Phùng Phu nói: "Cuộc chiến nào cũng gây hậu quả đau xót. Kiến trúc Huế, trải thời gian hơn 60 năm qua cũng chịu tổn thương không tránh được. 1947 có vụ cháy lớn ở Đại Nội; 1968 thì chịu bom đạn từ thủy quân lục chiến. May mà tới chiến dịch giải phóng Huế mùa Xuân năm 1975, bước chân giải phóng thần tốc đã giảm tối đa thiệt hại cho di sản kiến trúc Huế".
Cắm cờ trên Phu Văn Lâu
Ở TP Huế giờ vẫn còn người nhớ được những gì đã diễn ra ở mảnh đất Cố đô qua những mốc thời gian ấy, như ông Nguyễn Văn Nhĩ (sinh năm 1929, hiện trú tại 66 Hai Bà Trưng - TP Huế) trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975 là Phó Trưởng phòng Tuyên huấn của Quân khu Trị Thiên.
Đã ngoài 80 nhưng ông Nhĩ vẫn nhớ rõ những gì đã diễn ra trong những ngày giải phóng thành phố Huế và nỗi đau chiến tranh mà di sản Huế phải gánh chịu. Ông nói: "Nếu nói về mức độ hư hại thì nặng nề nhất là Xuân Mậu Thân 1968. Trong 25 ngày ta làm chủ thành phố, Mỹ ngụy dội không biết bao nhiêu bom đạn nhằm đẩy quân giải phóng ra khỏi kinh thành. Nếu thống kê thì chỉ nội trong 3 vòng thành Huế đã có tới 1/3 số công trình kiến trúc bị hư hại nặng, hơn 300 đơn vị kiến trúc còn lại bị thương tích. Năm 1975, Huế đỡ thiệt hại hơn trước nhiều".
Cũng là chiến tranh giải phóng, tại sao kinh thành Huế mùa Xuân 1975 lại không bị tổn thương nặng nề như lần binh biến trước đó? Bộ Chỉ huy Mặt trận Trị Thiên có động thái gì về bảo vệ kinh thành Huế trong những ngày tháng 3 năm 1975? Ông Nhĩ với tay lấy cuốn sổ nhật ký bìa nâu, lần giở những trang ghi cách nay hơn ba chục năm. Trong cuốn nhật ký nhỏ, giữa những trang giấy đã ố vàng, tôi đọc những dòng ghi lại sự kiện ấy, ngắn gọn nhưng rõ ràng: "Ngày 21-3, họp bàn chung về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quân quản". Rồi ông nói: "Trong chiến tranh, nhất là khi diễn biến quân sự qua nhanh như trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, thật khó để có một phương án hoàn hảo về bảo vệ đô thị. Nhưng tôi biết chắc là Bộ Chỉ huy Mặt trận có chủ trương rõ ràng về việc này, bởi lúc đó phòng tuyên huấn có anh Hồng phụ trách mảng giáo dục, tôi lo phần tuyên truyền, văn hóa; chúng tôi có tham gia soạn thảo bản Quân lệnh số 1 và Lời hiệu triệu của Ủy ban quân quản. Những văn bản ấy được trình lên để anh Lê Tự Đồng và Hồ Tú Nam phê duyệt. Tôi còn nhớ cuộc họp đó được tổ chức ở Sở chỉ huy tiền phương, địa phận xã Nam Đông bây giờ và trong số nhiệm vụ của Ủy ban quân quản có việc tiếp quản, bảo vệ, quản lý đô thị, di sản kiến trúc Huế".
Cũng như những nơi khác ở miền Trung, diễn biến quá nhanh của tình hình chiến sự theo hướng có lợi cho bộ đội ta, lối đánh thần tốc từ nhiều hướng, có sự tham gia của nhiều lực lượng đôi lúc đã gây khó cho công tác sưu tầm dữ liệu liên quan. Ngày giải phóng Huế được xác định là ngày 26-3, nhưng lá cờ được treo trên đỉnh Phu Văn Lâu trong ngày hôm ấy có phải là lá cờ giải phóng đầu tiên được treo? Xuất xứ lá cờ to ấy thế nào? Nhật ký của ông Nhĩ ghi: "Ngày 22-3, Phòng Tuyên huấn rộn ràng hơn bao giờ hết. Nhiều người tham gia may cờ to, gồm các chiến sĩ Sơn, Huy, Bằng, Vượng và o Liệu y tá... Cờ may để cắm lên Phu Văn Lâu. May xong thì cho người mang về Trung đoàn 6". Nhật ký thì ngắn gọn, ông Nhĩ kể thêm: "Ngày 25-3 thì tôi về Huế theo đội hình Phòng Tuyên huấn Quân khu. Chúng tôi ra ngay Trung đoàn 6, theo tốp chiến sĩ cắm cờ Phu Văn Lâu, cũng có nghi lễ bồng súng đàng hoàng. Thực ra, ngày 25-3 đã có đơn vị cắm cờ lên Phu Văn Lâu rồi, nhưng cờ nhỏ, ngày 26-3 thì được thay bằng lá cờ to của Phòng Tuyên huấn may".
Ngay sau khi giải phóng Huế, người của Ủy ban quân quản chia nhau làm nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Văn Nhĩ tham gia nhóm quản lý di sản. Lúc ấy, nói theo nghĩa chuyên môn thì việc chưa ra dáng kiểm kê khoa học, chỉ là đến xem hiện trạng, vào sổ những gì còn lại ở điện Thái Hòa, ở lăng Tự Đức, Minh Mạng... và đối chiếu với sổ sách cũ. Nói về công việc quản lý di sản lúc đó, ông Nhĩ bảo: "May mà ta có kế hoạch từ đầu, phân công rõ ràng nên việc quản lý, bảo vệ di sản cũng có mặt thuận. Chứ lúc đó cũng bề bộn lắm. Khi tôi vào Đại Nội, có nhiều đơn vị hành chính thuộc chế độ cũ đóng quân ngay trong lòng di sản, như Trường Mỹ thuật ở trong Duyệt Thị Đường, rồi Trường Âm nhạc, nhà in... Hơn nữa, khi ấy, nhận thức chung về bảo tồn di sản chưa rõ ràng, khoa học như bây giờ, nhiều người bảo đó là của vua chúa, là thói xa hoa, bảo vệ gì chứ... Bộ phận tiếp quản làm công tác giữ gìn di sản ròng rã hơn 1 tháng thì bàn giao cho ngành văn hóa".
Trận đánh vẻ vang nhất
Hôm vào Bình Định, chúng tôi tới gặp Đại tá Nguyễn Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ông Lịch giới thiệu nhân chứng tham gia những trận đánh giải phóng Quy Nhơn như Đại tá Phan Trọng Thể, Nguyễn Hồng Quang, chiến sĩ đặc công nước Nguyễn Quốc Huân... Trước lúc chia tay, ông Lịch nói như dao chém đá: "Anh nhớ kỹ một điều cho tôi: Ở Quy Nhơn này, ngay trong ngày giải phóng đã diễn ra một trận đánh lớn nhất của bộ đội Bình Định. Lớn nhất và cũng vẻ vang nhất, bởi lực lượng vũ trang Bình Định đã thực hiện chia cắt, bằng mọi giá kiên quyết ép địch ra ngoại vi, không cho chúng đi vào thành phố, vì thế mà tránh cho Quy Nhơn khỏi thiệt hại khó lường, không cho địch hại dân".
Đại tá Phan Trọng Thể, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội Bình Định năm nay đã gần 80 tuổi (sinh 1932). Giờ ông Thể vẫn ở TP Quy Nhơn (số 109 Hai Bà Trưng) cùng vợ - cựu chiến sĩ Đại đội Đặc công D10 (cũng thuộc Tỉnh đội Bình Định). Gặp khách lạ, "Báo Hà Nội mà cũng vào tận đây đưa tin cơ à", ông Thể nhớ lại "trận đánh vẻ vang nhất" của quân Bình Định. Ông nói: "Anh Lịch nói thế đâu có sai. Bộ đội Bình Định đã đụng độ hơn 6.000 lính ngụy, hơn 300 xe quân sự các loại, đã ép chúng dạt ra ngoại vi, không cho chúng hại dân, phá Quy Nhơn. Thật là vẻ vang mà!".
Hình thái chiến trường lúc đó ở Bình Định không đơn giản. Gần với bộ đội Bình Định lúc ấy có Sư đoàn 3 làm nhiệm vụ chốt chiến dịch ở đường 19, ngăn không cho tàn quân Tây Nguyên dạt xuống duyên hải. Quân chủ lực còn mải đánh ở An Khê - An Nhơn. Trung đoàn 93 của Đại tá Thể được thành lập ngày 25-3, lấy quân của các tiểu đoàn độc lập thuộc Tỉnh đội. Lúc đó thì thời cơ đến rồi, bộ đội Bình Định đã ép sát Quy Nhơn, bắt đầu đánh mở màn suốt từ ngày 25 đến ngày 27-3, đến trưa 31-3 thì 3 tiểu đoàn bỏ cơm chia mục tiêu đánh địch chạy tuốt xuống phía cảng biển, cùng lúc chiếm đài phát thanh, cầu Đồn, sở chỉ huy hải quân ngụy, tới đêm 31-3 thì các chiến sĩ Tiểu đoàn 50 đã cắm được cờ giải phóng lên nóc dinh tỉnh trưởng rồi.
Súng nổ lẻ tẻ trong đêm, đến 8 giờ sáng 1-4, tưởng như chiến sự đã êm thì có lệnh cho Trung đoàn 93 đánh tàn quân địch - gồm liên đoàn biệt động, lính Sư đoàn 22, 23 hơn 6.000 tên và Liên đoàn xe tăng thiết giáp hơn 300 chiếc - định đánh thốc qua Quy Nhơn đón tàn quân từ Tây Nguyên. Khoảng 10 giờ thì địch chạm đơn vị của ta được giao chốt ở ngã ba đường vào nội thị. Bộ đội Tiểu đoàn 52, được sự chi viện của pháo binh kiên quyết không cho địch vào nội thị. Bị đánh rát, địch bỏ đường tiến qua Quy Nhơn, vòng ra đường ven, tới gần dinh tỉnh trưởng thì gặp Tiểu đoàn 50 phục sẵn. Đến 12 giờ trưa, lính Tiểu đoàn 50 bắn cháy chiếc xe tăng chở viên đại tá chỉ huy hành quân của địch thì số còn lại đầu hàng.
"Ta bắt hơn 3.000 tù binh, hàng trăm xe quân sự. Và quan trọng nhất là giữ không cho địch tàn phá Quy Nhơn" - Đại tá Thể kết luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.