(HNM) - Đầu tư tiền tỷ, lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đối mặt với hiểm nguy rình rập để có những chuyến tàu đầy cá. Những tưởng những chuyến
(HNM) - Đầu tư tiền tỷ, lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đối mặt với hiểm nguy rình rập để có những chuyến tàu đầy cá. Những tưởng những chuyến "cá bạc đầy khoang" đem về cho ngư dân niềm vui. Thế nhưng thật ngược đời khi niềm vui đôi lúc ngắn chẳng tày gang, lợi nhuận thu về thật "hẻo" - nhiều ngư dân buồn bã nói, vì cá không được bảo quản tốt, tư thương ép giá, trong khi chi phí cho mỗi chuyến đi biển cứ đội lên từng ngày.
Các chủ tàu ở Khánh Hòa thường xuyên bị tư thương ép giá.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản Việt Nam, Khánh Hòa được xem là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển thủy hải sản, bởi đây là khu vực gần nhất đối với các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nơi được coi là có nhiều nguồn lợi thủy sản nhất trong vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, tại 5 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có 100 nhà máy, phân xưởng chế biến, xuất khẩu thủy sản thì riêng Khánh Hòa đã chiếm 44 nhà máy. Với đầy đủ những điều kiện thuận lợi này, Khánh Hòa được chọn là một trong 12 trung tâm nghề cá trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhìn tổng thể là thế, nhưng những gì hằng ngày diễn ra ở vùng trung tâm nghề cá này đang cho thấy rất nhiều vấn đề. Ông Trần Thượng, chủ tàu cá ở Bình Định BĐ-90299 vừa trở về cảng Hòn Rớ (Nha Trang) sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển than thở với chúng tôi: "Thuyền tôi đánh cá ở khu vực Trường Sa nên thường ghé vào các cảng của Nha Trang để bán cá và tiếp nhiên liệu, thực phẩm. Thế nhưng nhiều hôm vào từ 6 giờ sáng mà đến 2-3 giờ chiều mới bán được cá do cảng quá tải. Mà hễ cá vào muộn là bị tư thương ép giá, có khi mất đến 20-30%. Giá như cảng cá to hơn để không quá tải hoặc có một đầu mối thu mua đủ uy tín thì đỡ khổ cho ngư dân quá". Còn anh Võ Văn Đẹp, chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở xã Phước Đồng (Nha Trang) mặt buồn thiu khi nhìn đống cá ngừ đang được cân bán cho tư thương trên cảng Hòn Rớ. Anh kể: Câu cá ngừ phải đi xa từ 250 đến 300 hải lý. Mỗi chuyến đi mất chừng 20 ngày đến một tháng, chi phí dầu, thực phẩm, bạn thuyền lên đến 200 triệu đồng. Chuyến này trúng luồng, tàu anh câu được gần 3 tấn cá ngừ. Nhẩm tính theo giá cũ 150.000 đồng/kg, trừ chi phí anh cũng lãi khoảng gần 200 triệu. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi anh bị các đại lý giáng cấp cá của anh xuống loại 2 giá còn 120.000 đồng/kg chỉ vì chuyến biển của anh dài ngày, bảo quản trên tàu không tốt. Thế là 3 tấn cá anh mất đứt gần 100 triệu đồng. "Nhưng nghề biển nó là thế!" - anh Đẹp xót xa nói với chúng tôi.
Thống kê cho thấy, Khánh Hòa hiện có đến 5 cảng cá là Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Vĩnh Trường, Đá Bạc, Đại Lãnh cùng hàng chục bến cá nằm rải rác ở Vạn Ninh, Hinh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh và TP Nha Trang. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định: Khánh Hòa là căn cứ hậu cần của các tàu đánh bắt hải sản trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Song theo cánh ngư dân, hầu hết các cảng cá này đều nằm trong tình trạng quá tải mỗi khi vào mùa. Nguyên nhân là do cầu cảng quá ngắn, chỉ cho phép cập cảng mỗi lượt khoảng 20 chiếc. Trong khi đó, mùa cao điểm, như cảng Hòn Rớ có đến 200 chiếc cập cảng mỗi ngày. Điều này khiến các chủ tàu tranh nhau vào trước để bán được giá hơn và đây cũng là lý do khiến các đại lý, tư thương được đà ép giá. Ông Lê Thế Hải, Trưởng ban Quản lý cảng cá Vĩnh Lương thừa nhận: Không đông như cảng cá Hòn Rớ nhưng Vĩnh Lương thường xuyên nằm trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày cảng đón chừng 35-40 tàu cá với sản lượng gần 200 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên tổng chiều dài của cầu tàu chỉ được 100m nên mỗi lần chỉ đáp ứng cho 10-15 tàu cập cảng. Trong khi đó, mỗi lần tàu xuống hàng lại mất 3-4 giờ đồng hồ nên nhiều tàu phải xếp hàng đến chiều mới đưa được cá lên bờ.
Việc tư thương ép giá không chỉ xảy ra ở Trung tâm Nghề cá Nam Trung bộ (Khánh Hòa). Tại Bình Định, nơi được coi là một trong những tỉnh có nghề cá phát triển nhất, nhì khu vực, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cũng nhìn nhận: "Trước Bình Định cũng có một nhà máy chế biến hải sản. Nhưng mấy năm gần đây làm ăn không hiệu quả nên cá đánh bắt được hầu hết là bán cho các đầu mối, đại lý. Các đầu nậu này mang ra Khánh Hòa để bán nên họ mua vào với giá rất rẻ". Nhìn thấy mất tiền, nhìn thấy xót xa vì những con cá được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, thậm chí bằng tính mạng của các ngư dân lại bị ép giá quá rẻ mạt. “Nhưng biết làm sao được khi Việt Nam chưa có những nhà máy chế biến, nâng cao giá trị con cá" - bà Thi thở dài khi nói với chúng tôi.
Tàu hậu cần nghề cá vẫn gặp khó
Để giúp ngư dân bám biển, thu hoạch được những mẻ cá bảo đảm chất lượng, không phải quay vào đất liền tiếp nhiên liệu, thực phẩm và cấp đông cho những chuyến biển tiếp theo, gần đây, mô hình tàu hậu cần nghề cá đã ra đời. Anh Lê Văn Sang, thuyền trưởng tàu Đna 90444 TS của Đà Nẵng cho biết, trước anh đã từng theo tàu đi đánh bắt cá xa bờ. Nhận thấy ngư dân trên biển đơn độc, rủi ro kể cả khi đánh được những mẻ cá lớn. Vậy là anh quyết định chuyển nghề, cung cấp các dịch vụ trên biển cho ngư dân. Ban đầu, tàu của anh mỗi chuyến chỉ đưa vào bờ được 12-15 tấn cá các loại. Thấy không đủ nhu cầu của ngư dân, anh mạnh dạn đầu tư thêm con tàu 1.160 mã lực để có thể chở 4.500 lít dầu, 3.000 cây đá lạnh, 5.000 lít nước ngọt cung cấp cho các tàu cá trên biển và khi về có thể chở 45-50 tấn hải sản vào bờ.
Nhìn nhận về những chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho rằng, tàu hậu cần nghề cá sẽ đem lại cơ hội nhiều hơn cho ngư dân bám biển, đánh bắt cá được sản lượng lớn mà lại tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên thực tế tại nhiều địa phương, việc một số tàu hậu cần vẫn đang gặp nhiều khó khăn như tàu nhỏ, sản lượng thu mua được ít do ngư trường cạn kiệt. Nhiều tàu phải bù lỗ khi trở về. Còn ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, mô hình hậu cần nghề cá dù đã được triển khai nhưng còn quá nhiều bất cập. Hầu hết các tàu dịch vụ mới chỉ dừng lại ở việc cấp đông, tiếp nhiên liệu, thực phẩm và sửa chữa tàu. Riêng khâu thu mua và sơ chế ngay trên biển cho ngư dân thì những tàu hậu cần này vẫn chưa làm được. Thậm chí khâu bảo ôn còn chưa được các tàu chú trọng. Ông Thắng kiến nghị, Nhà nước cần phải có chính sách lập đội tàu hậu cần với thân vỏ sắt lên đến 5 - 6.000 mã lực, thậm chí có thể là 10.000 mã lực, vừa bảo đảm làm tàu hậu cần nghề cá, vừa bảo vệ các tàu cá Việt Nam, giữ gìn an ninh chủ quyền biên giới quốc gia.
Trên thực tế, hiện nay đang hình thành một đội gồm 84 chiếc tàu cấp đông, chuyên thu mua chế biến hải sản trực tiếp trên khu vực biển Trường Sa. Đây được xem là những con tàu khá hiện đại với công suất từ 450 đến 700 mã lực. Song, những con tàu này chủ yếu là do người dân tự đóng, mỗi chuyến cũng chỉ thu mua được chừng 10-20 tấn hải sản. Số lượng thu mua cho mỗi chuyến ít là thế, nhưng theo ông Đặng Nhơn, một chủ tàu cấp đông của huyện Đảo Phú Quý (Bình Thuận) thì những năm gần đây, nhiều tàu đã bắt đầu bị lỗ do không thu mua đủ số lượng cho mỗi chuyến. Thậm chí, đã có những chủ tàu dịch vụ phải ngừng hoạt động vì càng làm càng… lỗ.
Trong những ngày đồng hành cùng với ngư dân, trao đổi với các cơ quan quản lý về khai thác thủy, hải sản, chúng tôi nhận ra rằng: Giữa Nhà nước - ngư dân và doanh nghiệp vẫn còn những khoảng trống lớn khó có thể lấp đầy. Và câu chuyện về vốn, về thông tin liên lạc, dịch vụ hậu cần nghề cá… dường như vẫn cứ luẩn quẩn trong câu chuyện giữa chúng tôi với các ngư dân dọc suốt hành trình thực hiện loạt bài này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.