Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

PGS.TS Hồ Tố Lương| 06/03/2020 06:46

(HNM) - Trong thời kỳ 1954-1975, Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Phát huy truyền thống thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã phát động, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước trong tất cả các giai tầng ở Thủ đô với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

1. Sau Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Trong bộn bề công việc của những ngày đầu giải phóng, tháng 12-1954, Thành ủy Hà Nội ra chỉ thị phát động phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Thủ đô chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp hiếu chiến vi phạm Hiệp định Giơnevơ, củng cố sự đoàn kết nhất trí về chính trị trong nhân dân.

Từ cuối năm 1956, trước sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơnevơ của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, phong trào đấu tranh thống nhất đất nước phát triển lên một bước mới. Năm 1960, phong trào nhân dân Thủ đô đấu tranh chống Mỹ - Diệm tiếp tục lên cao. Ngày 30-6-1960, hơn 15.000 người dân Hà Nội tham gia mít tinh, diễu hành hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Thủ tiêu Luật 10/59”… Thể theo nguyện vọng của nhân dân Thủ đô, ngày 8-10-1960, Hà Nội tổ chức Lễ kết nghĩa với thành phố Huế và thành phố Sài Gòn, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân nuôi dưỡng gắn kết tình cảm ruột thịt thống nhất Bắc Nam, tinh thần hăng hái làm việc xây dựng Thủ đô, củng cố miền Bắc và vì đồng bào miền Nam, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Giai đoạn 1961-1965, nhiều cuộc mít tinh với hàng vạn người tham gia đòi Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam cũng đã diễn ra ở Hà Nội.

Để xây dựng hậu phương vững mạnh, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”, ngày 30-5-1964, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết về đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”. Đây là cơ sở để chính quyền phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất, đẩy nhanh nhịp độ lao động ở tất cả các nhà máy, công trường, xí nghiệp, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Phong trào phát triển sâu rộng trong tất cả các ngành và được nhân dân tích cực hưởng ứng với quyết tâm cao, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Tháng 2-1965, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây hứa quyết tâm vận động phụ nữ toàn huyện thực hiện “Ba đảm nhận” (Nhận sản xuất năng suất cao, tiết kiệm nhiều, chăn nuôi, thủy lợi giỏi; đoàn kết gia đình, trông nom bố mẹ già, nuôi con tốt để chồng yên tâm công tác và đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần; nhận phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, công tác tốt ở hậu phương). Từ phong trào “Ba đảm nhận” của phụ nữ Đan Phượng, tháng 3-1965, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” cho đúng với bản chất người phụ nữ Việt Nam trong gian khó. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, khắp địa bàn đã dấy lên phong trào “Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất và công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu, ra sức đẩy mạnh sản xuất, chăm sóc cha mẹ già, nuôi dạy con tốt, phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, phụ nữ Thủ đô thể hiện nghị lực với khẩu hiệu: “Địch đánh một, ta làm mười”, “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”. Những chiến công oanh liệt của chị em trên tất cả lĩnh vực: Sản xuất, chiến đấu, công việc gia đình... đã đi vào lịch sử Thủ đô, đánh dấu một thời kỳ vẻ vang của phong trào phụ nữ Thủ đô, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung.

Đầu năm 1964, tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát động cuộc vận động “Tam bất kỳ” với nội dung: Đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần; làm bất cứ việc gì Tổ quốc giao phó; vượt qua bất kỳ khó khăn, gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, cuộc vận động “Tam bất kỳ” đổi thành “Ba bất kỳ” và cuối cùng tên phong trào “Ba sẵn sàng” được chính thức lựa chọn. Khí thế “Ba sẵn sàng” của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhanh chóng lan rộng đến các cơ sở Đoàn toàn Thủ đô.

Bốn ngày sau sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và Trung ương Đoàn, đêm 9-8-1964, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên Thủ đô. Đây là cơ sở để những năm đánh Mỹ, công tác tuyển quân của Hà Nội luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 1965-1975, Hà Nội đã đạt và vượt mức chỉ tiêu nhập ngũ chi viện cho tiền tuyến. Thanh niên Hà Nội xung trận luôn với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

2. Trên mặt trận lao động sản xuất khắc phục hậu quả chiến tranh, chi viện cho tiền tuyến, phát huy vai trò của trung tâm công nghiệp, công nhân các nhà máy, xí nghiệp của Trung ương và của địa phương, các hợp tác xã thủ công nghiệp trên địa bàn Hà Nội hăng hái lao động sản xuất, làm tăng giờ, tiết kiệm nguyên vật liệu, sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, luôn luôn hoàn thành tốt kế hoạch phục vụ quốc phòng và nhu cầu của nhân dân. Các nhà máy cơ khí chủ chốt của Trung ương trên địa bàn Hà Nội như: Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự... đã sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng phục vụ chiến đấu và tuyến vận tải Trường Sơn. Hàng chục xí nghiệp địa phương, nhiều hợp tác xã thủ công nghiệp cũng tham gia sản xuất quân trang, quân dụng, thuốc men và thực phẩm khô cho bộ đội.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, công nhân, đoàn viên thanh niên Thủ đô luôn bám trụ cầu phà, các đoạn đường giao thông huyết mạch, các vị trí trọng yếu bảo đảm giao thông thông suốt. Thanh niên công nhân trong các ngành công nghiệp đã phát động phong trào “Tay búa, tay súng”, ra sức thi đua tiết kiệm. “Luyện tay nghề thi thợ giỏi” “Hai mũi tiến công thắng Mỹ”. Thanh niên Nhà máy Điện Yên Phụ nêu cao quyết tâm “tim có thể ngừng đập nhưng điện không thể ngừng vận hành”, nên suốt 200 ngày đêm không ngừng bám trụ sản xuất, bất chấp chiến tranh phá hoại, đem lại ánh sáng cho Thủ đô.

Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Tay búa, tay súng” của công nhân... còn có phong trào “Ba quyết tâm” của trí thức và nhiều phong trào thi đua khác. Tầng lớp trí thức phát huy được tiềm lực khoa học kỹ thuật, để bảo đảm kịp thời đáp ứng các yêu cầu vũ khí, phương tiện vật chất - kỹ thuật cho chiến trường miền Nam. Trong từng thời điểm lịch sử, khắp các nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện ở Thủ đô... có các phong trào thi đua với nhiều tên gọi khác nhau như: “Hai mũi tiến công thắng Mỹ” (1968), “Ba điểm cao” (1968), “Đơn vị quyết thắng”, “Chiến sĩ quyết thắng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Bạch đầu quân”, “Nghìn việc tốt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. “Tiết kiệm một vạn lít xăng cho miền Nam”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Tay cày, tay súng”,“Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”, “Cánh đồng 90 tấn rau xanh thắng Mỹ” trong những năm 1966-1968 của khu vực sản xuất nông nghiệp ngoại thành... Sinh viên với khẩu hiệu: “Mỗi trường là một chiến hào kiên cường thắng Mỹ”. Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến các trận địa pháo, tên lửa phục vụ chiến đấu. Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đến tận nơi bị địch đánh phá tham gia cứu chữa đồng bào, thương binh. Sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm... tham gia tổ chức đời sống nơi sơ tán, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong nhân dân. Đâu đâu cũng sôi nổi tinh thần thi đua của tất cả các giai cấp, tầng lớp, các thế hệ, các giới “Vì miền Nam ruột thịt”, “Vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa thân thương”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội, sáng kiến của các tổ chức đoàn thể, nỗ lực của tất cả các giai cấp, tầng lớp, các phong trào thi đua yêu nước ở Thủ đô thời kỳ 1954-1975 đã đạt hiệu quả thiết thực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh phá hoại (1964-1968 và 1972), chi viện sức người, sức của cho miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ những phong trào thi đua yêu nước thêm một lần khẳng định tính tiên phong, cách mạng, trí tuệ, sáng tạo, sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh và vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Giai đoạn hiện nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo nhân dân Thủ đô thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua tiêu biểu: “Người tốt, việc tốt”, “Sáng kiến, sáng tạo”… để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.