Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Giải “bài toán” gia tăng dân số cơ học

Hà Phong| 16/04/2017 07:43

(HNM) - Tăng dân số cơ học lớn gây ra nhiều áp lực cho Thủ đô, nhất là về hạ tầng, giải quyết việc làm, chăm sóc y tế, giáo dục...


Tình trạng gia tăng dân số cơ học gây nhiều áp lực đối với các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, nhất là vấn đề giải quyết việc làm. Ảnh: Anh Tuấn


Vất vả vì đông dân

Tốc độ tăng dân số đột biến đã và đang gây áp lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về nhà ở, giao thông, cấp, thoát nước, giáo dục... Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Ánh Hường cho biết, dân số của phường đã lên tới gần 10.000 người nhưng chỉ có một trường tiểu học công lập. Do không đủ diện tích xây dựng cơ sở vật chất nên trường phải chia thành hai điểm lẻ, nhưng cả hai đều chật hẹp và thiếu sân chơi. Phường Phúc La (Hà Đông) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nếu năm 2011, cả phường có 17.000 người thì nay tăng lên 30.000 người (trong đó các hộ dân diện KT3, KT4 chiếm khoảng một phần ba), gây áp lực lớn cho các nhà trường. Đó chỉ là 2 trong số nhiều phường ở Hà Nội gặp khó khăn về trường, lớp do dân số tăng mạnh.

Dân số tăng khiến tình hình giao thông cũng căng thẳng không kém. Hà Nội hiện có khoảng 560.000 xe ô tô, 5,5 triệu xe máy. Tỷ lệ gia tăng ô tô khoảng 16,9%/năm, xe máy tăng gần 8%/năm. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông ở Hà Nội chưa đến 10% đất xây dựng đô thị (theo quy định tỷ lệ này phải đạt 20 - 26%). Chi phí cho công tác đền bù, giải tỏa để mở rộng tuyến đường rất cao, gây sức ép lên ngân sách thành phố… Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng của thành phố chỉ 3,9%/năm...

Dù đã rất nỗ lực với nhiều giải pháp hữu hiệu nhưng ùn tắc giao thông và nguy cơ ùn tắc vẫn ở mức cao. Các điều kiện về y tế, điện nước, nhà ở,... cũng không theo kịp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Khi điều kiện sống không bảo đảm, chật chội sẽ nảy sinh các vấn đề về xã hội, mất an ninh, trật tự. Theo Công an thành phố, tình trạng dân cư, nhất là các hộ, nhân khẩu tạm trú thay đổi chỗ ở, nơi làm việc thường xuyên, không chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng, khiến công tác nắm và quản lý của Công an cấp cơ sở rất bị động và khó khăn… Chưa kể, mỗi năm thành phố phải giải quyết khoảng 160.000 việc làm mới.

Trước áp lực tăng dân số cơ học, 5 năm qua, thành phố đã nỗ lực giảm mật độ dân cư ở khu trung tâm. Nguồn vốn được tập trung để phát triển các tuyến đường vành đai (1; 2; 2,5; 3,5), đồng thời hoàn thiện các trục xuyên tâm, thêm trục hồ Tây - Ba Vì, mở rộng, kéo dài trục quốc lộ 6, nhiều kết nối từ vành đai đến các trục; phát triển khu đô thị mới... có tính kết nối năng động, linh hoạt. Ngoài phát triển hạ tầng, thành phố cũng ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải công cộng để từng bước hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc. Thành phố cũng không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Thủ đô; thực hiện nâng điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành; giải quyết việc làm hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống người dân...

Cần cơ chế, hỗ trợ đặc thù

Khoản 4, Điều 19 Luật Thủ đô siết điều kiện đăng ký hộ khẩu khu vực nội thành, còn việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo Luật Cư trú mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không kiểm soát được gia tăng dân số, nhất là di dân từ các khu phụ cận vào thành phố để kiếm việc làm. Rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố khác (bằng chính sự phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu người dân) và những chính sách quản lý hợp lý thì những đô thị lớn như Hà Nội sẽ còn chịu áp lực. Tất cả nỗ lực đầu tư phát triển dù ở đâu đều có đích đến là nâng cao chất lượng phục vụ con người. Nhưng với các đô thị lớn như Hà Nội, nhiệm vụ này vô cùng nặng nề. Số lượng người dân ở các địa phương khác về thành phố lớn, nhưng việc giãn dân khỏi khu vực nội đô còn thấp; việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học; vấn đề phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố cũng gặp nhiều khó khăn về bài toán đầu tư… Đó thực sự là những vấn đề khó, có vấn đề, vượt thẩm quyền, nằm ngoài khả năng của chính quyền thành phố, đòi hỏi sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trung ương.

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với diễn biến dân số, quản lý dân số, để Hà Nội phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô của cả nước, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố cần có chiến lược, chính sách mang tầm quốc gia. Vì vậy, Hà Nội đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với thành phố hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành các quy định, quy chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, cơ quan trung ương để đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở của các bộ, ban, ngành, các cơ sở sản xuất tập trung, các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố nhằm tạo nhiều việc làm cho người dân, góp phần hạn chế tình trạng lao động di cư đến các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội... Và, với đặc thù một đô thị lớn, đề nghị Trung ương nghiên cứu cho phép Hà Nội xây dựng đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị để bảo đảm chất lượng phục vụ người dân.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Giải “bài toán” gia tăng dân số cơ học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.