Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Càng xa bờ, càng vơi hỗ trợ (tiếp theo số báo ra ngày 10-11-2012)

Đức Trường - Phạm Anh| 11/11/2012 07:30

(HNM) - Mỗi lần gặp nạn trên biển, ngư dân gần như trắng tay. Trong những lúc tuyệt vọng ấy ngư dân chỉ mong thấy bóng dáng tàu cứu hộ. Thế nhưng không phải cứ mong là thấy dù cho đã có nhiều trường hợp được tàu cứu hộ, cứu nạn cứu cả người lẫn tàu.

Đã gặp nhiều ngư dân từng bị đắm tàu trên biển, chúng tôi biết, khi tàu gặp nạn, họ chỉ còn cách động viên nhau mà chờ tàu cứu nạn tới. Hoặc chí ít là chờ gặp được tàu bạn. Anh Phạm Văn Quang, ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg B017 TS kể, vào 25-3-2010, tàu đánh bắt ở vùng biển cách bờ khoảng 25 hải lý thì bị phá nước chìm tàu. Tàu liên lạc về đất liền đúng một lần vào trưa hôm đó thì mất tín hiệu. Hai ngày sau, khi người thân ở trên bờ khóc hết nước mắt thì 8 ngư dân và tàu cá trở về. Hóa ra, tàu QNg B017 TS may mắn được tàu bạn cứu.

Tàu hải đội 2 của bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi lai dắt thuyền của ngư dân bị chết máy.


Đầu năm 2011, tàu cá QNg 95841 TS do Nguyễn Hồng, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng cùng 14 ngư dân bị hỏng máy gần khu vực đảo Tốc Tan (quần đảo Trường Sa). Sau đó, tàu này đã được 3 tàu cá ở cùng quê Bình Châu lai dắt về cập cảng Sa Kỳ. Cũng có trường hợp được cứu nạn bằng con đường ngoại giao. Anh Nguyễn Văn Hiếu, trú  tại Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi là thuyền trưởng tàu QNg 94 565 TS đã được phía Trung Quốc cứu hộ. Anh Hiếu kể, anh bị tai nạn chấn thương cột sống lúc 6 giờ ngày 22-2-2011 trên vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, tàu liên lạc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 - Đà Nẵng. Vậy mà, tàu cứu hộ không ra được. Qua hướng dẫn, tàu QNg 94 565 TS nhắm thẳng một hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa chạy vào. Thế nhưng khi vượt qua hành trình gần 200 hải lý, mất hai ngày một đêm, vào 15 giờ ngày 24-2, tàu mới vào gần đảo Lin-côn, thì một chiếc trực thăng của Trung Quốc bay ra đưa anh Hiếu về đảo Hải Nam để cứu chữa. Thế rồi sau 80 ngày điều trị ở Hải Nam, anh Hiếu được về nước. Ông Nguyễn Văn Mạng, cha của anh Hiếu, cho biết, chưa kể các khoảng chi phí ăn uống thêm, gia đình phải mất 45.000 nhân dân tệ mới đưa được Hiếu về nhà.

Mặc dù bị tai nạn trên biển và điều trị ở Trung Quốc nhưng Hiếu hầu như không được hỗ trợ gì. Tiền viện phí đóng cho Hiếu cũng hết sức nhiêu khê. Vợ Hiếu phải nhờ người quen làm thủ tục mới qua được Trung Quốc đóng tiền. "Nếu đưa về Việt Nam chữa trị thì sẽ không mất nhiều tiền như vậy. Và nếu mình có trạm sơ cứu hay bệnh viện lưu động trên các con tàu, sẽ giúp đỡ rất nhiều cho ngư dân hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa và lân cận. Không kể trường hợp con tui, mà còn nhiều trường hợp khác nữa, sẽ thoát chết nếu được chữa trị kịp thời khi xảy ra tai nạn trên biển", ông Mạng bày tỏ.

Ước mơ của ông Mạng có trở thành sự thật hay không, thì đó là chuyện của ngày mai. Còn trên thực tế, nhiều ngư dân gặp tai nạn trên biển hoặc bị đau ruột thừa hay gặp các bệnh cấp khác đã vĩnh viễn nằm lại trên biển, không trở về được đất liền. Đó là chưa kể, khi gặp bão biển, lúc lực lượng cứu hộ ra đến nơi thì ngư dân đã tan tát. Như trường hợp chiếc tàu cá có 8 ngư dân ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn bị bão biển đánh chìm vào chiều 25-3. Khi nghe tin 8 ngư dân gặp nạn trên biển, bà con ở đây báo cho lực lượng cứu hộ. Có điều, lúc báo thì 8 giờ sáng, nhưng đến 15 giờ chiều, ngành chức năng mới triển khai đi cứu hộ thì tàu cá đã mất liên lạc. Để tự cứu mình, ngư dân phải quyên góp tiền để mua phí tổn cho hai chiếc thuyền cá khác ra biển tìm bà con của mình.

Đánh bắt xa bờ thiếu nhiều thứ

Thật ra, đã có không ít trường hợp tàu của hải quân và tàu của các trung tâm cứu hộ, cứu nạn ra đến tận vùng biển của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa lai dắt tàu cá và ngư dân gặp nạn trên biển trở về đất liền. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều so với số vụ ngư dân tự cứu nhau. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, ở địa phương nào cũng có đội tàu cứu nạn, cứu hộ trên biển, nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, khi tàu cá gặp sự cố trên vùng biển gần bờ thì tàu ngư dân mới dám ra khơi cứu tàu bạn trở về. Ngay cả như tàu sắt của Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, lâu nay cũng làm rất tốt công tác cứu hộ, cứu nạn. Thế nhưng, với sóng biển cấp 7-8 và vượt hàng trăm hải lý để cứu tàu bị nạn trên biển, thì tàu hải đội cũng "không dám". Trong khi đó, để ra quân cứu nạn tàu cá trên biển, hải đội này phải làm "thủ tục" xuất quân không hề nhanh chóng và đơn giản.

Thực tế, không chỉ có tàu của đơn vị hải đội 2, mà ở Quảng Ngãi, trước đây cũng có tàu kiểm ngư QNg 4608 KN, với tổng công suất là 660 CV, được tỉnh Quảng Ngãi nhận về từ năm 1998. Đầu năm 2000, tàu này bắt đầu hoạt động, nhưng đến năm 2004 thì ngừng vì bị xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, khi còn hoạt động, tàu này cũng bộc lộ nhiều vấn đề: Cứ 10 giờ hoạt động, nó đã "ngốn" cả tấn dầu; trong quá trình "nằm bờ", để cho tàu khỏi "chết", thì lâu lâu phải chạy máy, nhưng cứ khởi động lên là tốn hàng trăm lít dầu. Có người cho rằng, nếu con tàu ấy là của cá nhân nào đó quản lý, đến nay nó vẫn có thể hoạt động tốt và giúp ích rất nhiều cho ngư dân trên biển.

 Ông Dương Minh Thành, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn cho rằng, với tàu cá đánh bắt gần bờ, việc cứu nạn cứu hộ trên biển cũng đơn giản, nhưng với tàu cá đánh bắt xa bờ, khi tàu gặp nạn, tính mạng ngư dân được cứu là mừng rồi. Ông Thành kể, một sáng giữa tháng 7-2010, lúc đó ông là thuyền trưởng tàu QNg 96 354 TS, khi đang đánh bắt ở đảo Đá Bắc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu bị chết máy và chìm dần xuống biển. Trước khi tàu chìm, ngư dân trên tàu mở điện đàm liên lạc và gọi phát tín hiệu cầu cứu khắp nơi. Vậy mà 3 ngày lênh đênh nằm trước mũi con thuyền, 10 ngư dân trên tàu vẫn không được cứu. Đến 2 giờ chiều ngày 19-7, tàu Jade Trader của Hồng Kông chạy ngang qua và đưa 10 ngư dân đang bấu víu trên mũi tàu QNg 96 354 TS về Hồng Kông.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều ngư dân cho rằng, Nhà nước cũng nên thành lập các đội cứu hộ trên biển xa bờ do ngư dân quản lý. Các đội cứu hộ này vừa đánh bắt hải sản vừa cứu hộ cho tàu cá gặp nạn. Chỉ như vậy, tàu cá và tính mạng ngư dân sẽ bớt thiệt hại hơn. Chúng tôi đặt vấn đề rằng, vì sao không do Nhà nước quản lý thì ngư dân đưa nhiều ý kiến rất đáng nghiên cứu. Thuận lợi đầu tiên là tàu cứu hộ do ngư dân quản lý luôn có mặt sẵn trên biển. Hơn nữa, khi có tín hiệu cứu nạn, tàu này sẽ đến thẳng, không phải làm "thủ tục, xin phép" như lâu nay thường làm. Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, lâu nay việc cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, nếu tàu gần bờ thì có các đội tàu cứu hộ của ngư dân, còn xa bờ thì trông cậy vào lực lượng hải quân, các trung tâm cứu nạn và biên phòng. Nhưng trong thực tế, vài năm nay, việc cứu nạn trên vùng biển xa thì chủ yếu là do ngư dân thực hiện. Còn tàu cứu nạn và cứu hộ của Nhà nước thì thật sự chưa đủ so với lượng tàu cá lớn của ngư dân ta đang đánh bắt trên biển.

Anh Võ Đào, thuyền trưởng tàu cá QNg 90019 TS, ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho hay, khi ra khơi, họ rất ít gặp tàu tuần tra của các lực lượng vũ trang của ta. Vì vậy, đến khi gặp tàu nước ngoài vây bắt, hầu như ngư dân chẳng biết bám víu vào đâu. Theo anh Đào, sự hiện diện của hải quân ta trên biển, sẽ giúp bà con ngư dân tự tin và an tâm rất nhiều khi đánh bắt hải sản.

Chúng tôi hỏi: "Ngư dân đánh bắt xa bờ cần những thứ gì?", ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi trả lời ngay: "Cần nhiều lắm chứ, cần hỗ trợ các loại dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu thương khi gặp tai nạn, cứu hộ khi tàu gặp bão dông, cần sự hiện diện của hải quân, cảnh sát biển để bọn tui an tâm làm ăn". Mong muốn của ông Thành chính là tâm nguyện của hàng vạn ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh khác khi đánh bắt hải sản trên những vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Càng xa bờ, càng vơi hỗ trợ (tiếp theo số báo ra ngày 10-11-2012)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.