(HNM) - Trong chuyến đi
Trưởng CA xã Phạm Thanh Tuấn giới thiệu địa bàn Minh Tân và khu vực Căm Xe trên bản đồ diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Quang |
Một con người đặc biệt
Tôi lần tìm được địa chỉ của Thiếu tướng Hoàng Dũng (tên thật là Nguyễn Đình Sơn), nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng. Ông Dũng là người gốc Hà Nội (quê ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), là trưởng nam trong một gia đình có 10 người con. Ngày toàn quốc kháng chiến, cả 10 anh chị em ông đều hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Bản thân ông là tự vệ thành Hoàng Diệu những ngày mùa đông năm 1946. Ông Dũng năm nay 84 tuổi, các chị của ông đã xấp xỉ tuổi 90, còn cô em út đã ngót 70 tuổi, nhưng như ông nói, nhờ phúc lộc của tổ tiên, sau 2 cuộc chiến tranh, giờ này 10 anh em vẫn còn nguyên vẹn…
Tại căn nhà nhỏ ở 5/8 Nguyễn Văn Vĩnh (phường 4, quận Tân Bình), một con phố khá yên tĩnh giữa TP Hồ Chí Minh ồn ào, sôi động, ông Dũng khá ngạc nhiên khi tôi hỏi về địa điểm đặt Sở Chỉ huy tiền phương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người như ông chắc chắn biết nhiều chuyện, bởi 35 năm trước, ông là trợ lý quân sự của Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ông bảo cánh báo chí tìm đến nhà ông không ít, song trước tôi, dường như chưa ai quan tâm đến vấn đề đó. Hiện tại nhà ông Dũng đang giữ làm kỷ niệm bức ảnh chụp Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh bên tấm bản đồ tác chiến. Đây là tấm ảnh đặc biệt có giá trị bởi đó là thời khắc đưa ra quyết định 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Ông bảo, tấm ảnh ấy cũng đã được nhiều phóng viên xin chụp lại để sử dụng. Ông kể, sau khi Bộ Chính trị quyết định tổng tấn công vào Sài Gòn, thành trì cuối cùng của địch, có hàng loạt vấn đề Sở Chỉ huy tiền phương phải giải quyết gấp rút, quan trọng nhất là việc tập kết toàn bộ lực lượng của ta để tham gia trận quyết chiến cuối cùng này. Theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 24-4-1975, tất cả các quân đoàn chủ lực đều phải hội quân ở Đồng Xoài để chia thành 5 mũi đánh vào Sài Gòn nên mọi việc đều phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, từ vận chuyển lực lượng, vũ khí, lương thực… đến đường hành quân, rồi giải quyết những điểm kháng cự của địch còn sót lại, vấn đề tù binh, tiếp quản các địa phương giải phóng… Ngay Quân đoàn 3 lúc đó cũng đang chia lực lượng theo 3 hướng: Sư đoàn 10 truy kích địch ở phòng tuyến Phan Rang; Sư đoàn 341 tập trung ở Tây Nguyên; Sư đoàn 320 đang vận động từ Phú Yên lên. Rồi Quân đoàn 2 vừa giải phóng các tỉnh vùng Duyên hải, Quân đoàn 4 bận giải quyết dứt điểm vành đai Xuân Lộc… Cùng với đó, khi tiến đánh Sài Gòn, phải căn cứ tài liệu trinh sát, phân công cho các mũi tấn công vào các mục tiêu quân sự của địch như Dinh độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn…
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của tôi, ông Dũng cho biết, khi đó Sở Chỉ huy tiền phương đóng ở Căm Xe, phía tây nam huyện Bến Cát (Bình Dương). Biết tôi sẽ tìm đến đó, ông bảo cần phải có người thông thạo đưa đi, ngay như ông, mấy chục năm rồi, nay nếu quay lại đó cũng chưa chắc đã nhận ra.
Căm Xe - nơi đặt Sở Chỉ huy tiền phương của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Duy Quang |
Một địa điểm… đặc biệt
Ngày cuối tuần, trụ sở Đảng ủy, UBND xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) khóa trái cửa. Tìm sang bên quân sự địa phương, gặp một lính trẻ cũng người trong huyện nhưng ở xã khác, hỏi về địa danh Căm Xe, anh trả lời… không rõ lắm. Lần mò một hồi tôi cũng tìm được mấy "thổ công" là Trưởng công an xã Phạm Thanh Tuấn và phó của anh tên Lê Xuân Hùng. Cả hai đều người gốc Thanh Hóa, đi bộ đội về rồi chuyển hẳn vào đây sinh sống từ những năm 1980-1981. Nghe hỏi về Căm Xe, anh Hùng hồ hởi: "Có biết! Hồi 2005 tôi đưa một đoàn cựu chiến binh vào thăm chỗ đó". Anh Tuấn nói thêm, trước đây khu vực đó thuộc xã Minh Thạnh, giờ phân chia lại địa giới hành chính thì thuộc xã Minh Tân. Rắc rối lắm - anh Tuấn kể - bên Minh Thạnh họ không chịu, thế là trên tấm biển di tích đề "Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh", họ gỡ tên xã Minh Tân, thay vào đấy tên xã họ. Thì ra địa điểm này đã được công nhận là di tích. Tôi cứ nghĩ, thì di tích thuộc xã nào cũng được, đều nằm trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, quan trọng là thái độ ứng xử với di tích ra sao thôi. Đâu phải vùng sâu vùng xa gì, Căm Xe cách trụ sở hành chính xã Minh Tân có ngót chục cây số đường chim bay mà nhiều người dân sở tại không biết thì quả đáng buồn.
Con đường đất đỏ miền Đông dẫn vào Căm Xe thật đẹp, uốn lượn dưới tán rừng cao su trên 5 năm tuổi. Đúng là "gần nhà xa ngõ", nếu không có "thổ địa" đi cùng, chắc chắn tôi sẽ lạc đường. Nơi nào cũng giống nơi nào, dù anh Tuấn giới thiệu từng lô rừng theo số hiệu của Công ty Cao su Dầu Tiếng. Anh Hùng kể, mấy năm qua, cao su được giá nên đời sống công nhân nông trường chẳng đến nỗi nào. Tôi giật mình khi nghe thu nhập trung bình của công nhân đạt mức 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người còn dành dụm tiền, "mua đứt" tự khai thác, giá bây giờ khoảng 500 triệu đồng/hécta cao su bắt đầu cho thu hoạch, còn giá mủ cao su thì mỗi kilôgam ít nhất cũng được ngót 30.000 đồng. Làm công an xã, tổng thu nhập chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng mỗi tháng, nhưng các anh còn tranh thủ ngoài giờ, ký hợp đồng bảo vệ rừng cao su nên chắc chắn không kém lương công nhân. Xã tôi tiếng là "vùng sâu, vùng xa" nhưng không nghèo đâu - Anh Tuấn khẳng định. Tôi thấy rõ điều đó khi nhìn công nhân nông trường phóng xe máy vèo vèo vào rừng cao su, còn xa xa là những xóm ấp mái ngói đỏ tươi xen những ngôi nhà cao 2-3 tầng mới xây.
Cách khu di tích chừng 2 cây số thì chỉ đi xe máy mới vào được. Đường vào Căm Xe là một lối mòn nho nhỏ, dẫn vào khu rừng nguyên sinh cũng nho nhỏ giữa bạt ngàn cao su. Lối mòn gạt lá mà đi, chắc lâu rồi không có người tới thăm. Mấy "thổ địa" tranh thủ dọn đường và làm vệ sinh khu di tích. Một số công an xã đang bảo vệ rừng cao su quanh đó cũng được điện gọi vào để làm việc này. Chỉ chừng nửa giờ, khu vực Sở Chỉ huy tiền phương trước kia đã gọn gẽ hơn rất nhiều, bớt cảnh hoang vu u tịch. Song nếu như tôi không đến Căm Xe hôm đó, chắc một số công an viên của xã Minh Tân cũng chưa biết khu di tích này. Kế bên tấm bia sơ đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử dựng ở Căm Xe có dấu tích những hố bom rất lớn. Cả khách và chủ cùng tranh luận xem đây là bom "pháo đài bay" B52 thả xuống hồi 1966-1967 hay năm 1975 địch "đánh hơi" thấy vị trí của Sở Chỉ huy tiền phương mà oanh tạc. Thật buồn! Ngay cả mấy chiếc tủ trưng bày ảnh dựng trong khu di tích cũng nằm đổ nghiêng, ảnh đã được gỡ ra tháo đi, không còn cái nào…
Rời Căm Xe, tôi sang xã Minh Thạnh, tìm mấy du kích địa phương hồi Sở Chỉ huy chiến dịch đóng ở đây như ông Năm An (ấp Tân Minh) hay xã đội trưởng Lê Văn Vui (ấp Cây Liễu) để hỏi chuyện. Tiếc rằng chẳng biết gì thêm, ngoài thông tin “hình như hồi đó, Căm Xe là nơi trú chân của một trung đoàn đặc công”. Thì chiến tranh mà, mọi chuyện phải giữ bí mật, ai biết việc người đó… Nhưng giờ đã 35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Quang cảnh Căm Xe thật trái ngược với những đường phố rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ mừng Ngày chiến thắng 30-4-1975 ở Thủ Dầu Một (thủ phủ tỉnh của Bình Dương)... Vậy là tôi đã tới thăm một địa điểm lịch sử quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.