Du lịch

Bài 4: Vươn lên trong gian khó

Nhóm phóng viên 14/10/2023 18:27

Hòa cùng nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc đang cố gắng vừa tiếp thu cái mới, vừa nỗ lực giữ nét văn hóa truyền thống, lấy đó làm nền tảng để phát triển kinh tế, dịch vụ, thu hút khách.

b4-cover.jpg

Có nơi thành công nhưng cũng có không ít nơi phai mờ bản sắc ở ngưỡng “báo động đỏ”. Khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa luôn là bài toán mà nhiều tỉnh Tây Bắc phải đối diện.

Bản làng trong
“cơn lốc đô thị”

Du lịch đang dần thay đổi cuộc sống tại nhiều bản dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông… ở Hòa Bình cũng như ở nhiều địa phương Tây Bắc. Nhưng đó chỉ là con số nhỏ. Rất nhiều hộ dân ở miền núi vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, một trong số đó là bản sắc văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một dần.

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường thừa nhận, hiện không nhiều bản dân tộc Mường còn giữ được không gian kiến trúc với những nếp nhà sàn truyền thống. Những bản còn giữ được nhà sàn thường ở vùng sâu, xa. Đa số các bản, nếp nhà sàn đã bị phá dỡ, thay vào đó là nhà ống, xi măng cùng với nhiều tập quán đang mai một dần. Bên cạnh đó, nhiều bản Thái sau khi được quy hoạch làm bản du lịch cộng đồng lại gặp vấn đề khác, đó là nhiều dịch vụ bị thương mại hóa.

b4-ong-truong.jpg

Làm thế nào phát triển du lịch, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng không phá vỡ cảnh quan, mai một giá trị truyền thống luôn là bài toán khó

Ông BÙI XUÂN TRƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình

Nhiều năm nay, Mai Châu là huyện nổi tiếng của Hòa Bình thành công với nhiều mô hình du lịch cộng đồng. Từng là “điểm nóng” về ma túy, Mai Châu trở thành điểm hút khách nhờ sự chuyển đổi thành công sang làm du lịch. Dù vậy, những bản du lịch nổi tiếng như bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn trên địa bàn huyện cũng phải đối diện không ít thách thức trong bảo tồn bản sắc văn hóa. Không ít lần du khách đến Mai Châu đã phàn nàn về sự phá triển xô bồ.

Không chỉ nếp nhà đang dần bị bê tông hóa, từng có thời, các dịch vụ hát karaoke, xông hơi, massage, bi-a… hoạt động hết công suất ở các bản khiến bức tranh yên bình của cộng đồng dân tộc tại đây trở nên méo mó.

Nhiều bản ở Mai Châu bị bê tông hóa, không giữ được vẻ đẹp tự nhiên.

Không chỉ riêng ở Hòa Bình, tình trạng bê tông hóa bản làng, nhà ống thay thế nhà sàn, người dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình... là hiện tượng phổ biến ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Bản du lịch Vàng Pheo (Phong Thổ, Lai Châu) nổi tiếng với ẩm thực độc đáo của người Thái nhưng nơi đây, bản làng truyền thống cũng không còn. Số gia đình giữ được nhà sàn truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hay như Bản Áng (Mộc Châu, Sơn La) là điểm hút khách du lịch với rừng thông tự nhiên, nhưng hiện nay, nhiều phong tục trong sinh hoạt đã không còn như trước. Nhà ống bê tông đan xen với nhà sàn.

Là người nhiều năm gắn bó với du lịch cộng đồng, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, du lịch tại nhiều tỉnh Tây Bắc chưa phát huy được hết tiềm năng, trong đó có Hòa Bình. Ngoài nguyên nhân là kết cấu giao thông chưa đồng bộ, thiếu đầu tư chiến lược bài bản thì sắc văn hóa các dân tộc đang ngày càng mai một. Nhiều bản làng không còn giữ được không gian kiến trúc đặc trưng của dân tộc mình.

b4-pham-hai-quynh.jpg

Hiện nay, trong nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều địa phương đã có chính sách thí điểm việc phục dựng lại nếp nhà xưa nhưng đa số những gì đã mất đi, đặc biệt là những di sản vật thể (nhà) rất khó trở lại như trước. Điều này đang gây khó khăn trong việc tạo dựng không gian kiến trúc để phát triển du lịch, thu hút du khách.

Ông PHẠM HẢI QUỲNH

Trước thực trạng đáng lo ngại về thương mại hóa các dịch vụ, năm 2016, UBND huyện Mai Châu đã ban hành công văn số 699/UBND-VHTT yêu cầu các xã, thị trấn vận động nhân dân không xây dựng khách sạn, nhà nghỉ bằng bê tông tại các điểm du lịch cộng đồng đã được quy hoạch; không kinh doanh các dịch vụ như: massage, xông hơi, karaoke, quán bar, bán rong trong các điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ, tết và những ngày có khách đến tham quan du lịch.

Sức mạnh liên minh từ “cửa ngõ”

Trong chuyến làm việc với tỉnh Hòa Bình vào tháng 2-2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Hòa Bình như xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế chưa rõ nét. Thu ngân sách Nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu, mặc dù tốc độ phát triển du lịch ở Hòa Bình khá cao, nhưng chưa thực sự bền vững, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số doanh nghiệp hoạt động còn ít (hiện có khoảng trên 2.300 doanh nghiệp). Môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm được cải thiện (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp gần cuối, thứ 62/63 địa phương cả nước.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình ngày 26-2-2023.

Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với vị trí chiến lược này, Hòa Bình cần phải nhanh chóng đổi mới, phát triển để bắt kịp với các địa phương

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Trong Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra 11 giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, hướng tới đón 4,9 triệu khách vào năm 2025, doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỷ đồng. Hòa Bình phấn đấu phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Hòa Bình xác định, phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với phát huy văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

b4-mai-chau-3.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, xác định Hòa Bình có vị trí chiến lược là “cửa ngõ Tây Bắc”, nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng, kiên trì thực hiện các hoạt động liên kết, xúc tiến du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc và các trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do các điều kiện khách quan chung của các tỉnh Tây Bắc như khó khăn về kinh tế, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ nên các hoạt động liên kết chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Về vấn đề này, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xây dựng và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà; tham gia tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp xây dựng bản đồ du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình Hà Văn Thắng cho biết, sau dịch Covid-19, Hòa Bình nỗ lực phục hồi du lịch bằng nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch. Đầu năm 2021, tỉnh Hòa Bình tổ chức Ngày hội Văn hóa Hòa Bình tại Hà Nội, trong đó điểm nhấn là diễu hành và biểu diễn chiêng Mường tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. “Khó khăn vẫn còn chồng chất, tuy nhiên, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch của Hòa Bình đang nỗ lực kết nối với doanh nghiệp các địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cho Hòa Bình”, ông Hà Văn Thắng bày tỏ.

Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và Hòa Bình nói riêng đã có nhiều chuyển biến nhờ vào chính sách dân tộc. Với vị thế “cửa ngõ” Tây Bắc, Hòa Bình đang đóng vai trò như “cánh cổng” để mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho vùng kinh tế chiến lược miền Tây Bắc Việt Nam. Nhưng để khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế, Hòa Bình cần có nhiều chính sách thu hút, nhiều giải pháp liên kết cũng như có kế hoạch trước mắt và dài hơi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trên địa bàn, từ đó góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp tới toàn vùng Tây Bắc.

Sau dịch Covid-19, Hòa Bình nỗ lực phục hồi du lịch bằng nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch, như với các thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã đón khoảng 885.000 lượt khách du lịch, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế, 735.000 lượt khách nội địa tăng 20% so với cùng kỳ của năm 2012.

⇩ XEM TIẾP ⇩

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Vươn lên trong gian khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.