Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Vì sao phố biến thành sông?

Đức Trường| 26/05/2011 06:32

(HNM) - Những trận mưa đầu mùa hè 2011 đã bắt đầu đổ xuống Hà Nội mang theo nỗi lo của người dân hàng phố. Tình trạng úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn đã kéo dài từ nhiều năm nay bất chấp nỗ lực của cơ quan hữu trách và cả những dự án đầu tư có kinh phí lên đến hàng trăm triệu USD.

Trong khi những điểm úng ngập cục bộ trong khu vực nội thành cũ (4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều điểm úng ngập mới lại phát sinh.

Từ "lòng chảo" Trung Kính Hạ

Những chiều cuối tuần, khi mặt trời khuất bóng sau những khu cao ốc, ông Nguyễn Đình Năng lại thủng thẳng ra đình làng Trung Kính Hạ hóng mát và trò chuyện với ông thủ từ. Gần 15 năm nghỉ hưu là từng ấy thời gian ông Năng gắn bó với việc làng và cũng từng ấy năm chứng kiến những thay đổi chóng mặt khiến làng quê ông - những cánh đồng lúa, ruộng rau màu bao bọc xung quanh làng giờ đã trở thành những khu đô thị mới như Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Nam Trung Yên. Những tòa nhà cao tầng mọc lên, những con đường lớn Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám bao bọc quanh làng cũng là lúc làng Trung Kính Hạ thường xuyên phải chịu úng ngập mỗi khi có mưa lớn và thời gian ngập cũng kéo dài hơn.

Việc xây dựng quy hoạch tổng thể có chất lượng cho hệ thống thoát nước của thành phố là nhiệm vụ cấp bách. Ảnh: Đàm Duy

Ông Năng kể, năm 2008, sau trận mưa kỷ lục làng Trung Kính Hạ ngập cả tuần, xóm Đầm (tổ 12, phường Trung Hòa) phía giáp với đường Trần Duy Hưng ngập đến 10 ngày. Nhà ông ở tổ 8, nền đất cao hơn xóm Đầm lại vừa có ao đình nên ngập ít hơn và nước rút cũng nhanh hơn. Đợt đó, xóm Đầm ngập đến tận đùi, nhiều hộ dân phải đi thuyền tự tạo ra phố Trần Duy Hưng. Năm ngoái (2010), có hai ba lần mưa tương đối lớn, lần nào cũng làm ngập đường làng. Mỗi lần bị ngập, nước dưới cống dềnh lên đen quánh. "Ngày xưa đâu có ngập như thế", ông Năng ca thán.

Ông Năng nói, ngày xưa các cụ thường chọn nơi đất cao để đặt làng, làm nhà, còn ruộng, vườn thường ở chỗ thấp. Nên khi có mưa nước cứ tự nhiên chảy ra ngoài vườn, ao rồi theo cống rãnh mà ra cánh đồng, rồi theo mương mà ra sông. Chỉ có năm nào mưa lớn ngập trắng đồng thì nước mới tràn vào nhà. Giờ thì chỉ cần mưa lớn một chút là đường làng ngập, nước tràn cả vào những nhà có nền thấp, trong khi phía ngoài đường Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám, Trung Kính chẳng bị làm sao. Theo ông Năng, nguyên nhân chính gây úng ngập ở làng Trung Kính Hạ là do các khu đô thị mới vây kín làng, nền cao hơn đường làng biến làng thành thung lũng, lòng chảo chứa nước mưa. Ông nói: "Người ta đổ nền xây nhà cao tầng, khu đô thị cao hơn đường Trung Kính gần mét còn đường Trung Kính lại cao hơn đường làng cỡ nửa mét. Thử hỏi sao không ngập?".

… đến những "căn bệnh" mùa mưa

Càng nói, ông Năng như càng bức xúc: "Trung Kính Hạ có bao nhiêu ruộng lúa nay đã mất hết, cánh đồng thành khu đô thị. Dân không bao giờ phản đối Nhà nước quy hoạch, kiến thiết mới. Nhà nước thu hồi đất, dân trả. Nhà nước xây dựng đường sá, nhà cửa cao đẹp, dân vui. Nhưng đường sá xây dựng xong lại làm cho cuộc sống của những người dân đã ở đây hàng trăm năm bị ảnh hưởng thì làm sao tránh khỏi bức xúc?". Nói chưa hết chuyện làng Trung Kính Hạ, ông Năng đã kể tiếp chuyện của các làng xung quanh như Trung Kính Thượng, Hòa Mục, Giáp Nhất, Chính Kinh, Yên Hòa, Mễ Trì, Phú Đô… Hóa ra không chỉ riêng làng Trung Kính Hạ chịu cảnh úng ngập mỗi khi có mưa.

Tình trạng úng ngập ở các làng vốn thuộc xã giờ đã lên phường sau khi mở rộng đô thị theo chiều rộng chính là "bệnh mới" của đô thị Hà Nội. Trong khi "bệnh cũ" là tình trạng úng ngập cục bộ ở các tuyến phố thuộc nội thành cũ chưa được chữa khỏi thì bệnh mới đã ập đến. Theo Sở Xây dựng, trong mùa mưa 2011, khi có mưa lớn trên 100mm, Hà Nội sẽ có 23 điểm úng ngập cục bộ và đều là những điểm "đen" từ nhiều năm nay. Mùa mưa năm 2011, giảm 2 điểm so với mùa mưa 2010 (25 điểm), giảm 5 điểm so với mùa mưa 2009 (28 điểm) và giảm khoảng 20 điểm so với mùa mưa 2008 nhưng con số 23 điểm đen này chưa hề tính đến những khu vực tương tự như làng Trung Kính Hạ.

Câu chuyện của cụ ông ở làng Trung Kính Hạ đã cho thấy phần nào chỉ ra được nguyên nhân của căn bệnh đô thị trong mỗi mùa mưa. Tuy nhiên, để bắt đúng mạch, chỉ rõ căn nguyên của cả bệnh cũ và bệnh mới rồi từ đó kê thuốc, lên phác đồ điều trị, cần tìm đến các vị "bác sỹ chuyên khoa".

Liên quan đến chuyện thoát nước ở các khu đô thị mới và khu dân cư cũ, ông Nguyễn Lê - Tổng Giám đốc Công ty TNHH NN một thành viên Thoát nước Hà Nội khẳng định, một thực trạng vẫn đang tồn tại là nhiều khu đô thị mới, điển hình là khu Trung Hòa - Nhân Chính dù đã hoàn thành từ lâu nhưng vẫn chưa kết nối với hạ tầng thoát nước chung. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho việc quản lý đồng bộ hệ thống thoát nước của Hà Nội.

Thiếu quy hoạch là nguyên nhân gốc

Ông Nguyễn Lê thừa nhận, hệ thống thoát nước Hà Nội chưa đồng bộ, cần phải tiếp tục khắc phục và hoàn thiện dần trong năm 2011 và các năm tiếp theo. Thực tế, hệ thống cống đa phần là cống cũ, tiết diện nhỏ được cải tạo chắp vá, hiện đã xuống cấp, không đáp ứng tốt yêu cầu thoát nước. Trong khi đó, các tuyến mương thoát nước lại có tiết diện nhỏ, cao độ đáy không bảo đảm khả năng tiêu thoát nhanh khi có mưa lớn. Chưa kể đến gần như toàn bộ nước thải của Hà Nội chưa qua xử lý và xả thẳng vào hệ thống thoát nước của thành phố gây ô nhiễm nghiêm trọng cho mương, sông, hồ Hà Nội.

Có thể thấy, nguyên nhân gây ra cả "bệnh cũ" lẫn "bệnh mới" lại là quy hoạch chậm và quản lý xây dựng theo quy hoạch kém. Do vậy hẳn không phải là vô cớ khi ông Nguyễn Lê đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thiện quy hoạch thoát nước tổng thể cho thành phố nói chung cũng như quy hoạch hạ tầng chi tiết cho từng khu vực.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trước đây vấn đề tiêu thoát nước luôn là một trong những nội dung của công tác quy hoạch nhưng phải đến khi JICA giúp Hà Nội xây dựng quy hoạch thoát nước và được phê duyệt vào năm 1998, bài toán thoát nước mới được đặt ra rõ hơn, từ hệ thống tiêu thoát, hồ điều hòa, trạm bơm đầu mối… Quy hoạch tổng thể, trong đó bao gồm cả quy hoạch thoát nước luôn đi trước nhưng các dự án thành phần luôn chậm hơn. Việc thiếu các quy hoạch thành phần khiến cho việc quản lý quy hoạch càng khó khăn trong khi đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. "Bệnh mới" của đô thị Hà Nội xuất phát từ việc phát triển đô thị xen kẽ giữa mới và cũ. Khi xây dựng đô thị mới người ta không tính toán kỹ lưỡng tới khu dân cư cũ đã có từ trước. Lẽ ra phải tính sao để hệ thống thoát nước của khu đô thị mới sau khi hoàn thành có thể hòa cùng với hệ thống thoát nước của khu dân cư cũ và đồng bộ với toàn bộ hệ thống.

Ông Nghiêm khẳng định: "Giải bài toán thoát nước cần có một cái nhìn tổng thể, đồng bộ và tạo được một hệ thống thoát nước liên hoàn thông suốt. Và để có được điều này chúng ta phải xây dựng quy hoạch thoát nước, đồng thời quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo đúng quy hoạch đó".

Trời chiều dần mát. Hai ba cánh diều cung màu trắng loi ngoi mãi không vượt qua nổi mấy mái nhà cao tầng trong làng để đón gió. Ông Năng chỉ vào bức tường cũ của đình nói: "Đấy, cậu xem, ngày đi bộ đội, bức tường này cao ngang ngực tôi. Giờ sau khi người ta nâng cao sân đình, bức tường chỉ còn ngang đầu gối". Ông Năng tiễn tôi ra về qua cánh đồng Đầu Eo và Trổ Te của làng mới bị thu hồi, nhìn những Grand Plaza, Khu đô thị Nam Trung Yên, rồi tòa nhà Keangnam… Tôi thoáng thấy ánh mắt ông đượm buồn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Vì sao phố biến thành sông?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.