(HNM) - Biển cả bao la tiềm ẩn vô vàn rủi ro. Ra khơi trên những con tàu cũ nát, hệ thống thông tin liên lạc vừa yếu, vừa thiếu, ngư dân phải đặt cược mạng sống của mình để mong có được một mùa cá bội thu.
Là thành viên tổ đội đoàn kết số 7 của phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Thân luôn tâm niệm: "Buôn có bạn, bán có phường, hãy tự cứu mình trước khi người khác đến cứu mình". Chính từ suy nghĩ đó, ngay khi có chủ trương về việc thành lập tổ đội sản xuất trên biển, ông lập tức gia nhập. Dù thời gian tham gia tổ đội chưa lâu nhưng có những kỷ niệm ông không bao giờ quên. Trong một lần đang đánh bắt ở biển xa, máy dò ngang (còn gọi là máy tầm ngư) trên tàu phát hiện một luồng cá lớn. Vui sướng tột cùng, ông chỉ huy anh em chạy tàu bám theo luồng cá mà không biết đang có đợt áp thấp tràn về. Sóng gió nổi lên, tàu bỗng dưng chết máy, cứ thế trôi tự do. Ông Thân vội vàng dùng bộ đàm báo tin cho các tàu trong tổ đoàn kết đến ứng cứu. Nhận tin, tất cả các tàu cùng quay lại vị trí con tàu của ông Thân để hỗ trợ. Vì máy hỏng, không thể khắc phục nên tàu của ông Thân được tàu bạn lai dắt về đất liền mà không mất một đồng phí nào.
Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển.
Lần khác, tàu của ông Thân cũng tìm được một luồng cá lớn. Thả mẻ lưới đầu tiên, ông thu hoạch gần hai chục tấn cá. Sức chứa của con tàu chỉ có giới hạn mà không thể nhồi thêm, ông liền thông báo cho các tàu trong cùng tổ đội đoàn kết đến vây bắt. Kết quả là chuyến đi biển mất có vài ngày mà 3 tàu trong cùng tổ đội cùng đầy ắp cá.
Chuyện với cánh nhà báo, ông Thân say sưa kể về tổ đoàn kết hệt như kể về những người anh, người em trong gia đình. Ông nói, giờ chúng tôi đi đâu cũng có nhau, ra khơi cùng ngày, đánh bắt cùng một ngư trường, máy Icom có tần số riêng để liên lạc với nhau thường xuyên. Mới đây, tổ đoàn kết của ông còn tự gây dựng quỹ, tuy chỉ vài chục triệu đồng nhưng rất thiết thực mỗi khi thành viên trong tổ ốm đau, hoạn nạn cần sự giúp đỡ.
Với ngư dân Lê Văn Hy, trú tại thôn Phước Thịnh, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thì chuyện ngư dân chia sẻ ngư trường, nương tựa vào nhau lúc hoạn nạn trên biển cũng là lẽ thường. Cái hay của tổ đội đoàn kết chính ở chỗ tạo ra sức mạnh tập thể để cùng bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển của Việt Nam. Ông Hy nói rằng, chỉ cần đi cách bờ hơn trăm hải lý sẽ gặp vô số tàu đánh cá của nước ngoài. Dù đang xâm phạm lãnh hải của Việt Nam nhưng những người này rất hung hăng. Họ đi thành từng đoàn, mỗi đoàn khoảng 30 chiếc, dàn thành hàng ngang, có tàu mẹ yểm trợ. Khi gặp tàu cá của Việt Nam đi đơn lẻ, họ lập tức xua đuổi, thậm chí tăng tốc đâm thẳng vào tàu của mình. Chính vì thế, tham gia vào tổ đội đoàn kết, đánh bắt cùng một ngư trường sẽ hạn chế được tình trạng bị tàu cá nước ngoài cậy đông lấn lướt, chèn ép.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn biên phòng Phú Lộc, TP Đà Nẵng thừa nhận tính ưu việt của mô hình tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, đặc biệt là trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhiều lần, Trạm Bờ của đơn vị nhận được thông tin cứu nạn trên biển. Sau khi kiểm tra bằng thiết bị định vị vệ tinh, lực lượng biên phòng thông báo và yêu cầu các tàu trong cùng tổ đội đoàn kết đến ngay khu vực tàu bị nạn để ứng cứu. Cách xử lý tình huống này rất nhanh và hiệu quả, chờ lực lượng cứu nạn từ đất liền đi ra vừa chậm vừa tốn kém. Không chỉ thế, năm qua các tổ đội đoàn kết đã cung cấp thông tin, giúp lực lượng biên phòng giải quyết rất nhiều vụ việc liên quan đến an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tốt nhưng chưa đủ mạnh
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 7-2012, cả nước đã thành lập được 3.466 tổ hợp tác, tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với khoảng 21.400 tàu cá và 135.809 lao động tham gia.
Trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên và cũng là tỉnh dẫn đầu về số lượng với 606 tổ đội đoàn kết. Ngay từ năm 2008, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành một chỉ thị riêng về việc thành lập các tổ đội này. Đánh giá công bằng, việc hình thành các tổ đội đoàn kết đã đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động đánh bắt xa bờ nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại. Do chưa xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ; ngư trường, ngành nghề khai thác khác nhau nên ngư dân chưa tự nguyện tham gia tổ đội đoàn kết. Nhiều ngư dân không dám tham gia tổ đội vì họ nghĩ rằng như thế chẳng khác gì vào hợp tác xã, tài sản sẽ bị sung công quỹ. Tham gia vào tổ đội, các chủ phương tiện phải cung cấp thông tin tần số liên lạc, tọa độ đánh bắt để cơ quan chức năng quản lý, giám sát. Vì có tư tưởng giấu ngư trường khai thác nên khi có sự cố thiên tai xảy ra, cơ quan chức năng rất khó để thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: Bình Định mới xây dựng được 25 tổ đội đoàn kết. Việc xây dựng tổ đội không nên chạy theo số lượng mà nên chú trọng vào hiệu quả hoạt động. Một khi các ngư dân đã tham gia vào tổ đội thì nhất thiết phải là tự nguyện và có tinh thần tập thể, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động đánh bắt xa bờ, cũng như việc tiêu thụ sản phẩm.
Ngư dân Phù Việt Trung, trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình lại cho rằng vai trò của tổ đội đoàn kết mờ nhạt. Nếu cứ 3 chiếc tàu là đủ điều kiện thành lập một tổ đội thì đơn giản quá. Ra biển nhìn đội tàu đánh cá của nước ngoài, họ đi thành từng đoàn 30 - 40 chiếc, dàn hàng ngang và luôn có tàu mẹ yểm trợ. Thử hỏi, trong trường hợp đó một tổ đội đoàn kết chỉ có 3 chiếc tàu nhỏ thì liệu có đủ sức cạnh tranh ngư trường hay phải chịu " lép vế"? Ông Trung cho rằng, mục đích của tổ đội là để tạo sức mạnh tập thể, vì thế không nên chạy theo số lượng. Điều quan trọng là tổ đội đó hoạt động, quy mô như thế nào, ngư dân có quyền lợi gì trong đó, trách nhiệm ràng buộc khi ngư dân tham gia vào tổ đội ra sao? Như hiện nay, mô hình tổ đội vẫn mang nặng tính hình thức, ngư dân vẫn còn tư tưởng gia nhập tổ đội đoàn kết cốt để cho… vui.
Bàn về tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thẳng thắn thừa nhận mô hình này chưa mang tính bền vững. Ông cho biết cục đang tích cực tham mưu cho Bộ NN&PTNT những giải pháp nhằm phát triển bền vững mô hình tổ đội sản xuất trên biển để trình Chính phủ xem xét. Mục tiêu mà cục hướng tới là dựa trên cơ sở các tổ đội đoàn kết hoạt động hiệu quả để liên kết ở mức độ cao hơn như: hợp tác xã, liên minh hợp tác xã hoặc xây dựng mô hình doanh nghiệp trong khai thác thủy sản.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi nhận thấy giữa lúc Nhà nước chưa có những chính sách phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ ngư dân thì việc thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển là cần thiết. Tuy nhiên, để ngư dân thực sự yên tâm bám biển, Bộ NN&PTNT cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp mang tính đột phá để có ngư trường ổn định, có hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm, hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển và đặc biệt là giải quyết vấn đề hậu cần nghề cá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.