(HNM) - Đã là người Trường Sa không ai không biết trồng rau. Kiên nhẫn, khéo léo và kinh nghiệm là những đòi hỏi tất yếu của công việc này, vì những điều kiện đặc biệt của đảo. Cùng với sự hỗ trợ từ đất liền, rau của Trường Sa ngày càng phong phú.
Đặc sản ở Cô Lin
Cách Sinh Tồn chừng 9 hải lý, Cô Lin là đảo chìm hình tam giác, mỗi cạnh dài chừng 1km. Điều khác biệt lớn nhất giữa cuộc sống trên đảo chìm và đảo nổi có lẽ là màu xanh của cây. Đảo chìm chỉ có nắng, gió và san hô, nên chẳng cây nào có thể mọc tự nhiên. Cuộc sống rất khắc nghiệt. Những màu xanh trên đảo chìm như Cô Lin được tạo nên từ bàn tay chiến sĩ. Trên tòa nhà rộng hàng trăm mét vuông, ngoài đồ đạc và trang thiết bị kỹ thuật quân sự, màu xanh mướt mát của những chậu, thùng hay khoảnh rau xung quanh nhà là điều kỳ diệu của đảo.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn chiến sĩ đảo Trường Sa cách sử dụng hạt nhựa trữ nước. Ảnh: Lê Hoàn |
Đảo Cô Lin có một vườn rau thanh niên (sản phẩm từ phong trào thi đua của các chiến sĩ) rộng khoảng 5-6m2 rất ấn tượng. Trên đó chỉ có một loại rau thân cao như rau muống ta nhưng lá có phần to bản và ráp hơn. Đám rau đan vào nhau, không giống kiểu trồng rau muống khá thưa ở miền Bắc. Trong cái nắng gắt của biển, những thân rau trông cứ mơn mởn vì đủ nước và được chăm bẵm tốt. Đi mấy đảo, chúng tôi mới thấy có đám rau đẹp như thế. Trung tá Nguyễn Văn Hiến, cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân đang công tác trên đảo cho biết. Anh bảo đây là rau bầu đặc sản ở Cô Lin, vì lấy rau nấu canh với cua, hay nghêu, sò thì… "không gì bằng". Điều đặc biệt nữa là rau bầu trồng rất dễ, hợp nắng, có thể sinh trưởng cả 4 mùa. Cách nhân giống rau bầu giống như rau muống ta, chỉ cần ngắt thân ra và dặm là được. Một điều đặc biệt nữa về loài rau này là còn được dùng như vị thuốc, có thể chữa nhiều bệnh về đường tiết niệu hay các bệnh về thận và thiếu máu.
Rau bầu là một trong gần 20 loài rau đang được trồng trên khắp các đảo của Trường Sa. Đó là thành quả của công trình do Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam và Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam nghiên cứu và triển khai từ năm 2005. Được Hội đồng Khoa học công nghệ Quân chủng Hải quân nghiệm thu đạt kết quả loại giỏi, đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo TP Hồ Chí Minh và giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo toàn quốc (VIFOTEC) năm 2010, nhưng có lẽ giải thưởng giá trị nhất đối với công trình này là mang lại màu xanh cho đảo chìm, cải thiện đời sống, đem lại niềm vui cho quân, dân huyện đảo Trường Sa.
Tôi nhớ mãi hình ảnh chị Phan Thị Tám (sinh năm 1971), một cư dân trên đảo Sinh Tồn, đứng bên giàn mướp đắng đang trổ hoa vàng trước cửa nhà. Có lẽ đó là khoảnh khắc đời thường hết sức thân thương và đẹp ở Trường Sa. "Hình như quả mướp đắng ở đây bé hơn trong đất liền?" - tôi hỏi. Chị Tám cười: "Không đâu, chưa đến lúc đấy, mùa này mướp đắng ở đây quả lớn lắm". Khác Cô Lin, rau quả trên các đảo nổi như Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… rất dồi dào vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Ngoài rau xanh các loại, vào cữ tháng 5, trên các đảo rất nhiều đu đủ. Cây nào cây ấy chi chít quả. Từ tháng 7 đến tháng 1 năm sau là mùa gió bão. Hơi mặn của biển là khắc tinh lớn nhất đối với rau xanh ở Trường Sa. Để bảo vệ rau, chiến sĩ phải che chắn rất cẩn thận. Các chậu, hộp rau nhất là ở đảo chìm như Cô Lin, Đá Lớn, Đá Lát… các chiến sĩ phải đưa rau vào nhà trong những ngày biển động, sóng trào. Trong khoảng thời gian này, mỗi ngày một bữa rau xanh đối với lính đảo đã là một sự cố gắng lớn.
Tấm lòng với đảo
Tại đảo Trường Sa Đông, chúng tôi gặp Thiếu tá Trương Phúc Hải, thuộc Trung đoàn 84, Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô. Vì tình yêu với biển đảo, anh xung phong nhận nhiệm vụ công tác tại đây. Là sỹ quan phụ trách công tác hậu cần, khi ra đảo, anh tự hứa với mình và lãnh đạo đơn vị sẽ mang hết tâm huyết, kinh nghiệm bao năm phụ trách công tác hậu cần để giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo có thể tự túc được nguồn rau xanh. Anh đã nghĩ nhiều cách để có rau cho bộ đội như trồng các cây rau ngắn ngày và trồng trên các khay, chậu để dễ vận chuyển tránh bão. Vậy là cứ điệp khúc mùa hè rau muống, rau mùng tơi, các loại bí, mùa đông trồng bắp cải. Mấy trăm mét đất không khi nào bị trống, có ngày anh ra vườn tới 20 lần chăm bẵm từng ngọn rau, nhánh bí. Không chỉ có vậy, anh còn nghiên cứu gây giống các loại gia súc, gia cầm để chăn nuôi, bảo đảm nguồn thực phẩm tươi cho chiến sĩ. Năm 2011, Thiếu tá Trương Phúc Hải đã được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của người chiến sĩ hậu cần Thủ đô này là đã góp phần làm đảo xanh tươi hơn, cuộc sống vật chất của chiến sĩ nơi đảo xa đủ đầy hơn.
Thiếu nước ngọt, chất đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt khiến cho rau xanh khó sinh trưởng. Nhiều hộ dân cho biết đã tự sản xuất được các loại rau ngắn ngày và có đủ nguồn rau cho các bữa ăn hằng ngày. Góp sức với Trường Sa, trong lần ra thăm này, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tặng nhiều loại hạt rau ăn lá và các hạt nhựa để giữ nước cho rau, một trong những giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt. Những món quà như hạt giống rau, phân vi sinh từ lâu đã trở thành lựa chọn đầu tiên và rất phổ biến của các đoàn công tác ra thăm các đảo Trường Sa. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước còn có những kế hoạch hỗ trợ cho "nghề nông" trên đảo. Trong dịp ra thăm Trường Sa lần này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân chăm chú quan sát và nghiên cứu các đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết ở đây. Có lẽ ông đang ấp ủ những dự định hỗ trợ thiết thực cho quân và dân huyện đảo.
Từ đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa. Dự án trước tiên sẽ được triển khai ở các đảo nổi Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn và bốn đảo chìm gồm Đá Nam, Đá Lát, Đá Lớn và Len Đao. Tổng chi phí dự kiến là 3 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2014. Trong đó có cả những công nghệ mới như làm nhà kính để chống chọi với sự khắc nghiệt của nắng, gió Trường Sa. Dự án này dự kiến sẽ tăng cường đáng kể nguồn thực phẩm tại chỗ cho quân, dân huyện đảo. Một số loài cây lâu năm như tre gai, tre lấy măng, mít, dừa và một số loài cây mang giá trị tinh thần như hoa cúc, sống đời, hoa giấy, các loại hoa xương rồng cảnh sẽ được trồng thử nghiệm trên đảo. Đó là một tin rất vui. Vui vì sự gắn bó giữa đất liền với đảo thật sâu sắc, bởi sự quan tâm của đất liền chu đáo tới những vấn đề rất đời thường, cụ thể như thế. Và vui nhất là sự gắn bó ấy như thể biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, như thể một ẩn dụ rằng Trường Sa luôn kiên trung, mạnh mẽ vì Trường Sa có hậu phương vững chắc nơi đất liền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.