(HNM) - Mấy ngày qua, hội Trám (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) đã khép lại nhưng những trò, tích… vẫn rôm rả ở Tứ Xã và các vùng lân cận. Người già như trẻ lại, cánh thanh niên túm năm tụm ba khúc khích cười.
Chúng tôi rời hội mà ngẩn ngơ bởi cái mộc mạc, hồn nhiên ở hội Trám. Hội có vẻ đẹp riêng, có lẽ bởi do chính những người dân làng sắm sanh, chuẩn bị và hóa thân, không hề "có mùi" kịch bản cứng nhắc của mấy anh văn hóa huyện, tỉnh, không bị thương mại hóa. Nếu mọi lễ hội được trao cho những chủ nhân đích thực của nó, như hội Trám hay cách gọi khác là "linh tinh tình phộc", hẳn những eo xèo quanh "tháng ăn chơi" cũng vợi ít nhiều.
Người dân xã Tứ Xã diễn trò Trám. |
Đêm dần khuya, cái lạnh sà xuống theo sương giá thử thách đám đông trong sân miếu Trò. Tứ Xã là một vùng quê trù phú, đến là lắm nghề. Những người đàn bà vừa đi cấy khỏa tay cho hết bùn, khoác lên mình manh áo đẹp hơn mọi ngày. Đàn ông, cả ngày hùng hục với gỗ luồng thì xúng xính Âu phục. Những cụ ông cụ bà ngoại tám mươi trẻ lại với những trò chơi tấm bé. Diễn viên là những người bị lạnh nhất. Mà họ đâu có ít. Như trò trình tứ dân chi nghiệp cần tới hơn bốn chục vai. Người đến tiết mục phải trút áo, hở thịt hở da. Người “kín đáo” hơn cũng không thể ấm áp, những mớ ba mớ bảy thắt lưng hoa lý hay điều độn trong nhiều quá chả phải tí nào. Thế mà cụ bà Cam đã bảy mươi cầm chịch vẫn đĩnh đạc, giọng đối đáp còn dầy lắm. Trong khói hương mù mịt, cụ trưởng tế ông chấp sự như là quên cái căm căm ngoài kia.
Hội bắt đầu 11 Giêng, 12 thì hết. Dân phường Trám có câu:
Trò Trám vào đám mười hai
Chẳng xem trò Trám cũng hoài mất xuân.
Phường Trám là tên gọi cổ của đất này. Tại sao là phường? Ông Nguyễn Thành Ngữ, trông nom miếu Trò lắc đầu. Nhiều bậc cao niên cũng chịu. Còn cái tên Trám, nhiều người già đoán chừng trước đây vùng này nhiều cây trám: “Thấy bảo xưa đây là rừng trám, ông cụ có công đưa người về khai phá được tôn Thành hoàng. Thành hoàng Ngài có ba người con gái, đều được thờ ở ba miếu, trong đó có miếu Trò này, nhưng tôi ưa gọi là miếu Trò Trám hơn. Nói thế, chứ tôi nay ngoài tám mươi, khi lớn lên đã không thấy cây trám. Năm 45 vỡ đê, cả vùng ngập mấy năm, đàn ông đóng khố bìu đen xì, đâu được trắng trẻo như giờ”.
Hội Trám rổn rẻng với nhiều màn diễn hài, gọi nôm na là trò Trám: các đối tượng lao động chủ yếu thời xưa được đem ra làm trò: sĩ - dạy học, nông - trồng lúa, công - thủ công, thương - buôn bán. Linh thiêng nhất là lễ Mật, điển hình của tín ngưỡng phồn thực, diễn ra đêm 11, rạng 12, cầu sinh sôi nảy nở, người người mạnh khỏe… Sáng 12, phường Trám tổ chức rước lúa thần, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, đồng thời tạ ơn trời đất…
Bảy rưỡi tối, sân miếu Trò đã đông chật người. Người già, con trẻ hàng đầu, xếp bằng trên các vuông chiếu. Đám trẻ con ngoan lạ, khác hẳn ngày thường, tư thế rõ ngay ngắn. Cánh thanh niên, người khỏe đứng đằng sau. Sau bài phát biểu ngắn gọn của ông chủ tịch xã, trò Trám nay đã được “đương thời hóa”, tức là được gia giảm thêm nhiều bài hát về quê hương đất nước, bắt đầu. “Em xi” là anh cán bộ đoàn xã. Bữa nhạc xem ra rất xôm, có chèo, có quan họ, có tân nhạc... Ca sĩ, những anh Xuân Hương (khu 7), chị Hồng Đào (khu 9), anh Văn Chung (khu 5)… đều người trong xã nay xúng xính trong mớ bảy mớ ba, áo dài, áo the… bắt bà con vỗ tay rần rần.
Rôm rả nhất là diễn trò. Thời nay, thiên hạ bách nghệ nhưng màn trình vẫn chỉ có “tứ dân chi nghiệp”. Các cụ già kể rằng, “tiền thân” của tứ dân chi nghiệp đã có từ lâu để tưởng nhớ tổ Hùng và thần Tản Viên có công lao dạy cho dân Lạc các nghề nông và thủ công từ thuở dựng nước. Trò phản ánh bốn nghề nghiệp chính thời phong kiến. Hơn bốn mươi vai, thợ cày, thợ cấy, gieo mạ, thợ mộc, người dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, người đi buôn, đi câu, bắt cá… Tất cả nâu, xanh, đỏ, tím, vàng lọe xọe trên sân khấu với những động tác, ngôn ngữ gây cười. mỗi nghề lại có người xướng riêng: Hai bên làng xã giản (giãn) ra, giản cả ra/ Để cho phường Trám tôi ra làm trò… Rồi thì vai chính róng rả: Người ta câu giếc câu rô/ Tôi đây câu lấy cái cô không chồng… Nghe rất hài. Và nghe rất tục: Ai làm cho “v” em sưng/ Cho bụng em ỉnh cho lưng em gù… Nhiều đoạn nhiều chỗ giọng xướng vẫn còn ngọng nghịu, nẫn nộn giữa nờ thấp với lờ cao… Cả sân miếu Trò cứ thế cười rộ từng tràng.
Anh Tích, khu 9, đảm vai câu cá - câu gái đã mấy năm nay, diễn có duyên mà giọng thì rền. Từ trong Tết, anh và bạn diễn ngày thì làm, tối ra sân miếu tập, tập đi tập lại, kì nhuyễn mới thôi. Cụ bà Cam chắc nhịp trống, vừa điều tiết nhịp các màn vừa róng rả xướng nền. Len lỏi hỏi chuyện người Tứ Xã, chúng tôi thấy đám trẻ không quan tâm lắm đến phần tế dài và “lắm chữ khó”. Họ đến vì những trò trong hội đêm, vì tò mò, ham vui, nhưng khi xem xong cũng nhập tâm, thấy yêu quê hương mình, gắn bó với truyền thống hơn.
Phần lễ của hội Trám chỉ nặng lúc làm lễ Mật. Ngày trước, hai nhân vật chính - một nam, một nữ - được quy định chặt chẽ về độ tuổi. Nhưng nay, ông từ Nguyễn Thành Ngữ bảo lớp trẻ ngại sắm vai, vì thế thường là chọn người ngoài bốn mươi, đã có gia đình, con cái đuề huề. Nếu có người mới được chọn, hai người phải tập trước đó cả tháng giời. Lễ diễn ra lúc sang canh, thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau khi các bậc cao niên làm lễ tế miếu, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô Linh tinh tình phộc, hai nhân vật chính, một cầm nõ - tượng trưng cho sinh thực khí nam, một cầm nường - tượng trưng cho sinh thực khí nữ - làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Ba lần đâm trúng - mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần - được mùa; một lần là làm ăn kém… Chiêng trống nổi lên, dân làng đứng xung quanh miếu lại reo hò hoan hỉ.
Đã có một thời trò Trám đứt đoạn. Màn “linh tinh tình phộc” có vẻ tục tĩu quá nên bị cấm đoán. Năm 1990, miếu Trò được dựng lại, năm 2000 tu bổ lần nữa. Từ đó, hội Trám lại tưng bừng. Trong lất phất mưa xuân, các cụ già, cố nhiên, kể nhiều chuyện cũ và những liên hệ, so sánh cũng ngổn ngang hơn… “Nhiều người, ngay cả nhà báo, coi đây chỉ là hội của trò đực cái, tục nứng dâm. Thế là làm dung tục cả một cái truyền thống của chúng tôi đi. Diễn tích, hát câu phồn thực là có tình yêu trong đấy chứ, là kết quả của tình trai gái, vợ chồng, của lòng yêu đời nữa. Các anh xem màn “Tứ dân chi nghiệp” có chặt chẽ, đầy đủ không, có dậy người xem, nhất là khán giả trẻ ý thức về cộng đồng không? Được vậy là phải có tay Nho già soạn ra, đem những tích trò nơi khác pha phối vào cho giàu có, hấp dẫn. Đây là hội dân gian nhưng bình dân, nôm na quá nông dân cũng chả màng đâu, các cụ tôi tính thế là tinh lắm. Còn như đến phần “linh tinh tình phộc” cho nõ nường chập vào nhau, chúng tôi tự hào vì các cụ can đảm lắm, không bị giáo lý phong kiến nó che mất tính tự nhiên đi. Mà thế mới phải, không thế sao có chúng mình ngày nay…”.
Bữa chúng tôi về hội Trám, anh em ngồi ăn ở cái quán đầu làng. Tự dưng một ông sang chúc rượu, xưng là chủ tịch xã, chào “nhà báo, nhìn là biết ngay”. Chính hội, cũng chỉ thấy lác đác xe con biển 29, 30, 19 (tỉnh Phú Thọ) đậu ngoài. Hội Trám trước hết là hội dành cho bà con vốn ngày thường lam lũ ngoài đồng, cho cánh làm ăn xa, đám thanh niên học hành về làng ngày Tết và người dân xã kế bên. Mấy năm nay, thi thoảng có người nước ngoài tìm đến. Đầu làng cuối xã, tịnh không thấy một thứ dịch vụ nào. Chính những người dân xã sắm sanh, chuẩn bị, diễn tập để làm sống lại không khí thuở nào, để mang lại những tràng cười sảng khoái cho bà con. Ngày thường, họ là những nông dân, người buôn bán còn hôm nay, khi nhịp trống róng rả, họ thành thầy đồ, anh câu cá - câu gái, ông già thả lờ, chị dệt vải, thằng giả gái… Chúng tôi ra về, cứ ngẩn ngơ tiếc mãi cái mộc mạc, hồn nhiên mà nay hiếm lễ hội nào khác có được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.