Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Vai trò của chính quyền địa phương ở đâu?

Triệu Dương| 15/02/2011 06:58

(HNM) - Để vượt lên hàng nghìn bậc đá chót vót lên với non thiêng Yên Tử, du khách không còn phải lặn lội chen chúc cả ngày trời như trước. Hệ thống cáp treo hai chiều, xây từ dưới chân chùa Giải Oan lên tới chùa Yên Hoa và vượt qua những vách đá dựng đứng đến gần chùa Đồng đã nâng bước chân hành hương về đất Phật, giảm đi nhiều mệt nhọc cho du khách. Cái được rõ nhất là thế, nhưng…

Làm đẹp đỉnh Phù Vân

Thời tiết thuận lợi là một trong những lý do để du khách chọn đến với Yên Tử. Tuy nhiên, không phải đợi đến ngày khai hội du khách mới nô nức hành hương về nơi đất Phật. Theo thống kê của Ban tổ chức, từ ngày mồng 1 Tết Nguyên đán đến áp ngày khai hội đã có hơn 30 vạn lượt người đến với Yên Tử.

Đường lên Yên Tử mùa lễ hội năm nay sạch sẽ, thông quang hơn vì được hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường túc trực nhặt rác dọc đường. Hệ thống cáp treo cơ bản đã phục vụ tốt hơn, tuy nhiên việc du khách chen chân làm tắc nghẽn đường xếp hàng vào chỗ mua vé và nhà ga là không tránh khỏi. Nói về hiệu quả nhìn thấy được từ việc xã hội hóa hoạt động lễ hội, bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch huyện Uông Bí khẳng định: Cái được nhất của mô hình xã hội hóa chúng tôi đang thực hiện trong việc tổ chức lễ hội Yên Tử chính là sự tham gia của nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, qua đó phát huy vai trò của từng cá nhân, tập thể, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi người dân với công đức của các bậc tiền nhân. Cũng theo bà Hà, nguồn kinh phí để tổ chức một lễ hội như Yên Tử là rất lớn nên nguồn thu từ xã hội hóa của các đơn vị và nhân dân đã góp phần rất lớn cho thành công của lễ hội.

Cáp treo Yên Tử được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Để hiểu rõ hơn về kết quả thực hiện xã hội hóa trong tổ chức lễ hội đang tỏ ra rất hiệu quả tại nơi này, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm, đơn vị phụ trách tuyến cáp treo và bảo đảm vệ sinh, an ninh, trật tự tại khu danh thắng Yên Tử. Thật bất ngờ khi chúng tôi thấy một phụ nữ mặc veston công sở đi một quãng, lại cúi xuống nhặt rác gom vào thùng để ven đường. Bắt chuyện, mới biết chị là Nguyễn Thị Trực, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tùng Lâm - đơn vị chuyên trách việc bảo đảm vệ sinh theo mô hình xã hội hóa ở khu danh thắng Yên Tử. Chị cho biết, hằng ngày vẫn leo núi lên xuống như vậy để kiểm tra, không để rác thải lấn lối đi theo đúng cam kết với chính quyền địa phương. Cũng theo chị Nguyễn Thị Trực, khi nhận việc giữ gìn vệ sinh cảnh quan khu danh thắng Yên Tử, hàng trăm nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Tùng Lâm liên tục tham gia các lớp tập huấn (có đợt tập huấn thuê cả chuyên gia nước ngoài về giảng dạy) về phong cách ứng xử và các cách xử lý tình huống với công việc đặc thù này, trong đó có cả những biện pháp khéo léo tuyên truyền người dân không xả rác bừa bãi… nhưng việc tuyên truyền dường như không mấy hiệu quả bởi ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan chung của nhiều du khách chưa cao.

Chính quyền địa phương đâu rồi?

Theo báo cáo của Bộ Công an, vào 15h ngày 12-2, tại dốc Trây, tuyến đường Thiên Trù đi chùa Hương Tích, Công an huyện Mỹ Đức bắt quả tang Phạm Thành Quân (SN 1975, ở Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng); Trần Thị Lan (SN 1946, ở Vượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) và Nguyễn Thị Tuyết Lan (SN 1972, trú ở Vạn Mỹ, Ngô Quyền, Hải Phòng) lừa đảo với hình thức môi giới bán "thần dược" chữa đau lưng, thận, dạ dày và bách bệnh cho anh Hoàng Minh D. (SN 1960, trú ở thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương) là khách đi chùa Hương với giá 3 triệu đồng. Tang vật thu 6kg bạch chỉ…

Còn ở đất Phật - Yên Tử, khi mới tới nơi ai cũng mừng khi nghe trên hệ thống loa phóng thanh, Ban tổ chức khẳng định: năm nay cảnh tranh giành khách để bán thuốc Nam dọc đường lên đỉnh Bạch Vân Sơn sẽ không tái diễn. Nói thì thế, nhưng dường như Ban tổ chức mới chỉ chú tâm lo bảo đảm không xảy ra ùn tắc, giữ gìn ANTT… Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Yên Tử cũng khẳng định: "Tỉnh đã chỉ đạo bắt đầu từ quốc lộ 18 về Yên Tử, dọc đường đều phải có công an hướng dẫn giao thông. Các bãi đỗ xe cũng được chấn chỉnh lại và sắp xếp khoa học hơn; có hệ thống loa hướng dẫn trật tự về vệ sinh, cách hành lễ, ngăn chặn tình trạng ăn xin, níu kéo khách bán thuốc. Ngoài ra còn có 3 trạm trực y tế cấp cứu để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân".

Thế nhưng, lối lên chùa Hoa Yên, lên chùa Đồng trên độ cao hơn nghìn mét, du khách phải lách qua hàng chục sạp thuốc bày tràn ra đường. Du khách mới dừng lại thở lấy hơi để leo tiếp, ngay lập tức bị mấy người bán thuốc gạ gẫm: "Thuốc lấy tại rừng, bán giá gốc nên giá rẻ hơn chợ đồng bằng khoảng 10%. Đây bí kỳ nam 25.000 đồng/kg, kia ngải móng trâu 300.000 đồng/kg... bán thuốc rẻ mà tốt như ở đây là hiếm lắm!".

Đối tượng để đội quân bán thuốc khai thác chủ yếu là du khách trong nước, bởi theo lời một ông lang: "Khách Tây biết gì về thuốc Nam bí truyền đâu mà mua". Đã xảy ra chuyện ẩu đả giữa khách và người bán thuốc vì khách không tin vào công dụng chữa bách bệnh của những cành cây khô, củ khô được thổi phồng lên là "thần dược". Anh Hoàng Trọng Hiếu ở Cầu Đông, Hà Nội kể lại, khi đang loay hoay tìm cách thoát khỏi sự níu kéo của một chị "lang băm" gạ mua viên thuốc vê bằng củ lạc, quảng cáo lấy tận Am Thung, có công dụng hơn cả viagra thì xảy ra đám cãi lộn, đánh nhau ở cạnh đó. Cuộc ẩu đả giữa cò mua thuốc "dân tộc" trị bệnh và người mua thuốc đã làm huyên náo cả một góc rừng. Nhiều người hoảng loạn, xô đẩy nhau để chạy thoát thân. Chuyện là thế này, có hai cô gái đi ngang qua mẹt thuốc ghé vào xem. Người đàn ông bán thuốc trỏ vào giỏ nói: "Đây là hoa bách hợp, là thần dược, chỉ ở Yên Tử mới có, thuốc có thể chữa đủ các bệnh: phong thấp, phù nề, đau tim, đau lưng, kém ăn, sỏi thận… với giá 100.000 đồng/lạng". Như một kịch bản định sẵn, sau lời giới thiệu đó, bỗng đâu một nhóm đàn ông, đàn bà năm bảy người tranh nhau mua vài lạng đến vài cân, mồm xuýt xoa "rẻ hơn năm ngoái, mà thuốc tốt lắm"... Một chị trong đoàn phật tử đã rút tiền định mua, nhưng cô bạn đi cùng cứ dứt khoát ngăn cản. Thấy tuột mất "con mồi" béo bở sau 15 phút "diễn" toát mồ hôi, điên tiết, cả cò lẫn thầy bán thuốc lao ra, dùng gậy lùa cả đoàn du khách chạy te tua xuống núi…

Thấy cảnh trên, một thầy thuốc Đông y đi trẩy hội thì thầm nói cho chúng tôi biết, có vô số thuốc được bày bán bị làm giả, chất lượng rất kém. Anh Nguyễn Quang Long, lái xe tuyến đường Hà Nội - Yên Tử, người quá hiểu về chất lượng thuốc bán rong ở Yên Tử cho biết: "Các loại thuốc ở đây thật, giả khó biết lắm. Người bán nào còn có tâm thì cho một số vị thuốc lành tính, nhưng rẻ và dễ kiếm, như lá chào mào tía và vài thứ củ, cây cỏ linh, nếu có uống vào cũng chả chết ai, nhưng được bán với giá cắt cổ 10.000 đồng/xâu lá, 100.000-120.000 đồng/lạng củ… Còn vô vàn loại thuốc la liệt từ chân núi lên tới chùa Đồng kia thì chất lượng của chúng chỉ có người bán mới biết".

Trong ký ức nhiều du khách cách đây chưa lâu, núi rừng Yên Tử khác nay rất nhiều. Không có cáp treo và đương nhiên là không có cả vô số những thầy lang "dân tộc" hung hãn. Đường dốc cao như chồng ghế, cứ ngửa mặt bấu víu vào cây cối, dây dợ hai bên đường mà đu, mà leo. Nhìn lên chỉ thấy hun hút trời xanh nhòa trong mây khói. Leo có mệt, nhưng nhiều người, nhất là người già, cảm thấy thư thái như được đến chốn tiên cảnh bồng lai. Còn bây giờ, rừng Yên Tử thâm nghiêm u tịch đang bị khuấy động bởi một số hoạt động kinh doanh không được quản lý. Sự tôn nghiêm đang bị phá hoại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Vai trò của chính quyền địa phương ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.