(HNM) - Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 về đích nông thôn mới (NTM) tại 161 xã giai đoạn 1. Đến nay, chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc chặng đường nhưng nhìn lại, vẫn còn nhiều tiêu chí khó đạt.
Khó từ đồng vốn
Là xã điểm NTM của huyện Phú Xuyên và theo tự chấm điểm tiêu chí của địa phương, Đại Thắng đạt 97 điểm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát, chấm điểm NTM của BCĐ Chương trình 02, địa phương chỉ đạt 91 điểm. Điểm trừ lớn nhất (4 điểm) đó là hệ thống trường học các cấp ở Đại Thắng chưa đạt chuẩn. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng cho biết, hiện nay, Đại Thắng chưa tìm ra nguồn vốn đối ứng để triển khai một số hạng mục công trình trường học ba cấp nên chưa được công nhận trường chuẩn. Tương tự, tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, nhóm tiêu chí trường học hiện mới chỉ cơ bản đạt bởi dự án xây dựng phòng chức năng, nhà đa năng của trường tiểu học B trị giá trên 12 tỷ đồng phải dang dở do chưa có vốn…
Tiêu chí nhà văn hóa trung tâm hiện cũng đang "trắng" ở rất nhiều địa phương. Theo quy định tại tiêu chí số 6: Xã đạt chuẩn NTM phải có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn gồm có nhà đa năng, diện tích 1.000m2; hội trường 100 chỗ có đầy đủ các phòng chức năng, phòng thể thao và công trình phụ trợ, có sân thể thao gồm sân bóng đá, bóng chuyền, nhảy cao, nhảy xa… Đây là một đòi hỏi mà hầu như các xã khó đạt bởi thiếu vốn. Tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Oai cho biết, trung tâm thể thao xã theo dự toán đầu tư hết 53 tỷ đồng, địa phương vẫn chưa bố trí được vốn đối ứng.
Tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, một loạt các công trình xây dựng trên địa bàn như chợ, trường học dang dở do thiếu vốn, đang bị phơi nắng phơi mưa hàng năm nay chưa được hoàn thiện. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Long Giang cho biết: Theo đề án NTM được duyệt, xã có 80 tỷ đồng vốn lồng ghép nhưng đến nay thành phố và huyện chưa bố trí được. Đặc biệt, vốn của xã theo đề án là 51 tỷ đồng, chỉ trông vào nguồn thu từ đấu giá đất nhưng hiện nay, thị trường bất động sản khó khăn nên chưa huy động được".
Chưa có xã nào đạt tiêu chí môi trường
Trong đợt chấm điểm vừa qua, trong số các xã vừa được công nhận NTM, chưa địa phương nào đạt trọn vẹn 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường (MT) như: 50% dân số của xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về MT; không có hoạt động gây suy giảm MT và có các hoạt động phát triển MT xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Nguyễn Duy Tuấn, mặc dù đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng địa phương vẫn rất băn khoăn về vấn đề MT. "Người dân thôn Triều Khúc có truyền thông thu mua phế liệu về tái chế. Trước đây, 50% lao động của xã làm nghề này, nay chỉ còn 13 hộ thu mua lông gà, lông vịt xuất khẩu sang Trung Quốc. Lông gà, lông vịt phơi ngập cánh đồng, không tránh khỏi ô nhiễm MT. Chúng tôi xin tự trừ điểm tiêu chí này" - ông Tuấn thừa nhận.
Thực tế này cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các làng nghề và các làng có nghề. Ông Nguyễn Công Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên và MT huyện Phú Xuyên cho biết: Huyện có 124 làng có nghề với 22.100 hộ gia đình làm nghề nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu kinh phí đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiều hộ chưa có cam kết bảo vệ MT. "Ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân làng nghề rất kém, chưa chủ động khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm MT. Chúng tôi đang tập trung vận động nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng" - ông Hòa cho biết thêm. Ngoài ra, trong việc xây dựng nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch, huyện Phú Xuyên cũng đang rất lúng túng do thiếu kinh phí đầu tư và đất đai. Đại Thắng là xã điểm NTM của huyện nhưng các nghĩa trang nhân dân đều chưa đạt chuẩn theo quy định. Ngoại trừ thôn Tạ Xá, các thôn của xã đều có tới 2-3 điểm chôn cất/thôn, có điểm ngay sát khu dân cư và chưa có hệ thống xử lý nước thải... Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố.
Không chỉ có vậy, ở một số huyện, nhiều xã khó đạt tiêu chí về nước sạch. Đơn cử như huyện Ba Vì, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch chỉ 29,34%, Phúc Thọ khoảng 30%... Thống kê, toàn thành phố mới có 35,26% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và MT huyện Phúc Thọ thì việc đánh giá tiêu chí về MT vẫn nặng về cảm tính. Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng thừa nhận tiêu chí MT khó thực hiện. Hiện đã có một số xã triển khai xây dựng nghĩa trang nhưng ít xã hoàn thành theo quy hoạch NTM. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, xử lý nước thải và các công trình phụ trợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.