(HNM) - Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, CPH DNNN là quy trình chuyển đổi một DN từ sở hữu của Nhà nước sang sở hữu khác, chủ yếu là sở hữu của tư nhân trong nước và sở hữu nước ngoài. Vì vậy, CPH luôn là vấn đề nhạy cảm và cần thận trọng khi triển khai.
Để đạt mục tiêu CPH khối DNNN, mạnh tay xử lý những vấn đề tồn đọng tại DN, đồng thời tăng tính minh bạch để mời gọi các nhà đầu tư được coi là những giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ các "nút thắt" hiện nay.
Cổ phần hóa DNNN năm 2015 khó đạt mục tiêu đề ra. |
Phải có giải pháp mang tính đột phá
Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), từ năm 1999 đến hết quý II-2015, đã có 4.269 DN thực hiện CPH. Những đơn vị chưa kịp chuyển đổi sở hữu cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc rút vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính. Kết quả này có được từ những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành hàng loạt biện pháp, chính sách cụ thể để xử lý những vấn đề tồn đọng.
Trong đó, có Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2013, bắt buộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết cũng như kế hoạch mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện là CPH 289 DNNN trong năm 2015. Với tiến độ CPH khối DNNN đã đạt được và quyết tâm của Chính phủ, dự kiến cuối năm 2016, số lượng DN mà nhà nước giữ 100% vốn sẽ chỉ còn 511, thay vì 806 DN vào đầu năm 2015.
Theo giới chuyên gia, việc CPH những DN ở giai đoạn cuối sẽ phức tạp hơn trước đó, bởi phải xử lý nhiều vấn đề trước khi đa dạng hóa sở hữu như: nợ phải trả, nợ khó đòi không rõ ràng…Tình hình tài chính và quản trị DN thiếu minh bạch cũng khiến việc tìm nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược tham gia CPH trở nên khó khăn hơn. Để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu khối DNNN, một trong 3 trục chính của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các DNNN cần phải hoàn thành bước 1 là nhanh chóng chuyển đổi DN từ sở hữu Nhà nước sang thành phần kinh tế khác.
Để thực hiện được việc này, cần có sự tham gia của các định chế tài chính nhà nước mà ở đây là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty TNHH Mua bán nợ (DATC). Các cơ quan chức năng phải có chế tài với những DN mới CPH một phần và DN chưa bán đấu giá cổ phần ra công chúng, nhưng vẫn chuyển thành công ty cổ phần về cho SCIC quản lý. SCIC sẽ giúp các DN này tái cơ cấu, thay đổi cung cách quản trị, điều hành, tổ chức bộ máy, từ đó mới có thể thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sau khi đã hoàn thành tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ giai đoạn đầu, với tư cách là cổ đông của DN, DATC và SCIC phải mạnh tay sửa đổi điều lệ DN theo hướng mở để thu hút cổ đông khác, đặc biệt là cổ đông chiến lược tham gia mua lại phần vốn nhà nước tại DN.
Làm rõ trách nhiệm cá nhân
Tại hội nghị giao ban công tác tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm 2015 , Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận xét: Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, song tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm, số lượng DN hoàn thành tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước trong những tháng cuối năm còn nhiều. Nếu các bộ, ngành, địa phương và DN không tập trung, quyết liệt thực hiện sẽ không hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN năm 2015 cũng như kế hoạch giai đoạn 2011-2015.
Để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đến hết năm 2015, Phó Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương, DNNN cần nghiêm túc, thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trong đó, phân tích, làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém trong công tác tái cơ cấu DNNN ở đơn vị mình, từ đó rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã đề ra, đặc biệt là CPH, thoái vốn nhà nước. Trong quý IV-2015, hoàn thành phê duyệt phương án CPH của 127 DN nêu trên.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2015, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới DNNN theo kế hoạch, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong CPH, tái cơ cấu DNNN, phân loại đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trung tuần tháng 9-2015, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản số 6470/UBND-KT về việc đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN. Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan và DNNN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện , bảo đảm hoàn thành tiến độ kế hoạch CPH mà UBND thành phố đã giao. Trường hợp DN không hoàn thành tiến độ kế hoạch CPH, phải xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể và đề xuất biện pháp xử lý.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chắc chắn những DN đang CPH dở dang nhiều năm qua sẽ phải hoàn tất quá trình CPH, giải quyết những bức xúc của các nhà đầu tư, người lao động. Qua đó, việc CPH các DNNN sẽ sớm "cán đích", góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ cũng như các nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.