(HNM) - Trước thực trạng thiếu trường mầm non, ngay trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 18 của HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: "Phải ưu tiên đầu tư, dành quỹ đất thích đáng cho việc xây dựng trường học; quận, huyện nào thiếu trường học, chủ tịch quận, huyện phải lo, phải làm, phải tìm địa điểm bố trí để đầu tư...".
Câu nói ấy cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, nhất là đối với bậc học mầm non. Từ tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi xin nêu ra các giải pháp:
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Trong ảnh: Giờ học vẽ của các bé Trường Mầm non Dream House. Ảnh: Linh Tâm |
Siết chặt cơ chế giám sát
Trong bài 1 số báo ra ngày 25-7-2011, chúng tôi có viết: "Tính đến tháng 5-2011, số trẻ mầm non ra lớp chỉ đạt con số 64,6%". Chính xác phải nói đầy đủ là "Theo báo cáo thống kê của các phòng GD-ĐT, đến tháng 5-2011: Trẻ mầm non ra lớp: 374.082 trẻ - đạt 64,6% trẻ mầm non trong độ tuổi. Trong đó, nhà trẻ: 72.620 trẻ - đạt 29,1% trẻ trong độ tuổi; mẫu giáo: 301.462 trẻ - đạt 91,4% trẻ trong độ tuổi, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp: 104.407 trẻ - đạt 100% trẻ trong độ tuổi. Trẻ mầm non học trong các trường công lập: 319.890/374.082, tỷ lệ 85,5%".
Cứ một khu đô thị mới ra đời, ít nhất có khoảng từ 8.000 đến 10.000 người dân đến sinh sống. Theo quy chuẩn bắt buộc, khu đô thị này phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Lý thuyết là như thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu khu đô thị ở Hà Nội đáp ứng được tiêu chí này? Đơn cử, hơn mười năm nay, phường Láng Hạ xây dựng hàng chục tòa nhà cao tầng nhưng mới chỉ xây được duy nhất một trường mầm non. Câu hỏi đặt ra, con em cư dân sống trong các tòa nhà này sẽ học tập ở đâu? Không có trường có lớp tại khu dân cư, đương nhiên các bậc phụ huynh phải tìm chỗ học khác cho con và tạo ra phản ứng quá tải dây chuyền trong hệ thống các trường công lập. Xây nhà chung cư nhưng không xây trường học, dĩ nhiên chủ đầu tư có lợi. Gánh nặng và nỗi lo thiếu trường lớp bỗng dưng đè lên vai các bậc phụ huynh và ngành giáo dục, còn chủ đầu tư lại "phủi tay". Điều đó cho thấy sự bất cập trong quản lý đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị hiện nay. Rõ ràng, lâu nay chúng ta thiếu một cơ chế ràng buộc, xuê xoa khi thực hiện cơ chế giám sát, thiếu kiên quyết trong việc buộc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ xây dựng hạ tầng khu đô thị như dự án được phê duyệt ban đầu.
Ông Đặng Văn Trường, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai thẳng thắn góp ý: Lỗi này một phần do các nhà quản lý. Nếu siết chặt ngay từ ban đầu, tôi cam đoan không có chủ đầu tư nào dám "chạy làng" trong việc xây trường. Khi thành phố giao đất cho doanh nghiệp xây dựng khu chung cư, phải làm cam kết rõ ràng. Một là chủ đầu tư phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây xong trường học thì mới được xây nhà để bán. Hai là chủ đầu tư phải ký quỹ coi như tiền "đặt cọc" để xây trường. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, thành phố vẫn chủ động "nắm đằng chuôi" chứ như hiện nay thì chẳng khác gì "thả gà ra đuổi"...
Hà Nội hiện có khoảng 11 vạn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Nhiều đơn vị có số công nhân lên tới cả nghìn người nhưng khu tập thể, khu nhà công nhân cũng không có bất cứ một trường mầm non, trường tiểu học, trung học nào để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, học của con em cán bộ, nhân viên. Vậy là toàn bộ số công nhân đang thuê trọ để làm việc tại các nhà máy có con em đến độ tuổi đi học đều trông vào hệ thống trường công lập. Đời sống công nhân bấp bênh, lương thấp, các bậc phụ huynh không thể gửi con em mình vào trường tư thục với chi phí đắt đỏ lên tới 2 triệu đồng/em/tháng. Gánh nặng trường lớp lại bị đẩy cho xã hội, còn người sử dụng lao động không hề chịu một trách nhiệm nào. Đó cũng là điều bất cập, góp phần tạo nên tình trạng quá tải trong các trường mầm non. Nên chăng, các khu công nghiệp mới xây dựng cũng cần có thêm tiêu chí bắt buộc, đó là việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học đáp ứng nhu cầu thực tế và chính đáng cho người lao động.
Trường lớp phải gắn với khu dân cư
Theo quy mô phát triển dân số, đến năm 2020 dân số Hà Nội sẽ tăng lên 7,4 triệu người và đến năm 2030 sẽ là 9,5 triệu người. Với sự gia tăng dân số này, Hà Nội cần xây thêm 1.014 trường mầm non, trong khi quỹ đất đang dần bị thu hẹp. Đây là bài toán khó không chỉ đối với các nhà quản lý mà ngay cả với những người có tâm huyết mỗi khi nghĩ đến việc mở trường. Có ý kiến cho rằng, đồng thời và sau khi thành phố hoàn tất việc di dời các trường đại học, nhà máy, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô, toàn bộ diện tích đất thu hồi sẽ sử dụng để xây dựng trường mầm non và tiểu học. Thoạt nghe, ai cũng tưởng có lý nhưng suy nghĩ sâu xa đó không phải là biện pháp khả thi.
Một cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc phân tích với chúng tôi: Hệ thống các trường ĐH và bệnh viện của chúng ta hiện nay phân bố không đều, tập trung ở một số quận như Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Nếu diện tích đất thu hồi được mà đem xây hết trường mầm non, tôi e rằng không ổn. Đã là trường mầm non phải gần khu dân cư, tiện cho việc đưa đón con em. Một gia đình ở quận Hai Bà Trưng thì không thể vượt hàng chục kilômét để đưa trẻ mẫu giáo xuống học ở quận Cầu Giấy, nếu bố mẹ trẻ không công tác ở đó. Không ai phủ nhận việc ưu tiên dành quỹ đất xây trường mầm non là cần thiết, nhưng khi triển khai phải cân nhắc tính toán. Nếu không thận trọng rất dễ xảy ra tình trạng có trường nhưng không có học sinh. Thực tế này cũng đã xảy ra ở nhiều nơi. Phương án tối ưu theo tôi là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trước, sau khi cân đối đủ số lượng trường, lớp thì tiến hành xây dựng nhà ở. Tất nhiên, quy trình khảo sát nhu cầu giữa nhà ở và trường học phải thực hiện song song.
Xã hội hóa giáo dục: Cơ chế lợi ích?
Trong những năm qua, Hà Nội thực hiện khá tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, minh chứng rõ nhất là việc chuyển đổi một số trường bán công sang công lập. Tuy vậy, để phát huy hiệu quả chủ trương này, Hà Nội cần có cơ chế mở để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây trường, mở lớp. Có một thực tế phổ biến, có vẻ như ngược đời; người có tiền thì không am hiểu tường tận và không dám đầu tư vào ngành giáo dục; người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục lại không có tiền.
Hai lực lượng này chưa tìm được "tiếng nói chung" và rất cần một " trọng tài". Người có thể đứng ra đàm phán, kết nối, không ai khác, đó là sự vào cuộc của các ngành chức năng, đó là chính quyền thành phố và quận, huyện, thị xã.
Muốn sớm có thêm trường học, Hà Nội cũng cần có cơ chế động viên, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân có ý định xây dựng trường học. Cụ thể là tạo điều kiện cho tư nhân vay vốn xây trường, mở lớp, giảm bớt các thủ tục phiền hà trong quá trình thẩm định, cấp phép xây dựng trường nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Hiện nay, để hoàn tất việc xây dựng một ngôi trường mầm non từ khi manh nha có dự án đến khi kết thúc phải mất từ 3-4 năm. Như vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục phải gồng mình, đối mặt với thực trạng thiếu trường mầm non trong một thời gian dài.
Những người thực sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục Thủ đô đều cho rằng, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng đắn, bởi từ đó sẽ huy động được nguồn vốn, sự quan tâm đóng góp của toàn xã hội với sự nghiệp giáo dục nói chung. Nhưng để giải bài toán thiếu trường, thiếu lớp ở bậc học mầm non, nếu chỉ trông vào chủ trương xã hội hóa là không ổn. Vì vậy, song song với việc xã hội hóa giáo dục, thành phố nên bỏ vốn đầu tư xây mới một số trường học, sau đó bàn giao cho các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục quản lý, khai thác. Làm như vậy sẽ đạt được sự cân đối và hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước - người quản lý - người dân. Nên chăng cần phải quan tâm lợi ích nhà đầu tư?
Kết thúc loạt bài viết này, chúng tôi xin mượn lời của một nhà quản lý trong ngành giáo dục: Đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư thông minh nhất, "có lãi" nhất cho tương lai của mỗi dân tộc, mỗi gia đình và cá nhân. Muốn hoạch định chính sách đầu tư sâu rộng, có hiệu quả cho ngành giáo dục phải có tầm nhìn xa trông rộng. Sự nghiệp giáo dục cũng giống như việc xây dựng một ngôi nhà, nếu không vững chắc ngay từ nền móng thì ngôi nhà ấy không thể lên cao. Vì vậy, xin đừng đợi giàu có rồi chúng ta mới đầu tư cho giáo dục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.