Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: “Đơn hàng” mới, nỗi lo cũ

Kim Thoa| 24/03/2010 07:25

(HNM) - Đầu năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đã khẳng định, từ năm tới, giáo dục kỹ năng sống (KNS) sẽ được đưa vào chương trình chính khóa. Trong tình trạng

Học sinh cần được rèn luyện, tu dưỡng cả về đức và trí. Ảnh: Nguyệt Ánh


Giáo dục kỹ năng sống: Trăm hoa đua nở
Kinh tế thị trường có quy luật kỳ diệu là hễ có "cầu" là có "cung". Nhận thấy nhu cầu thực tế của đời sống xã hội, của cha mẹ học sinh và của bản thân các nhà trường, các cơ sở giáo dục KNS đã phát triển khá mạnh như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường Đội Lê Duẩn, Trung tâm ABS Training, Eveil, Skids Club, Tâm Việt... Điều đáng nói là mỗi nơi dạy KNS theo cách của giáo viên được mời dạy, có thể là chuyên gia tâm lý, giảng viên đại học… Cách tổ chức lớp học KNS tại hầu hết những trung tâm này vẫn nặng về thuyết giảng kết hợp hỏi - đáp, giống như sinh hoạt chuyên đề tập thể hơn là thực hành để rèn luyện và sở hữu kỹ năng. Gần đây, một số công ty dạy KNS ra đời, nhưng nội dung vẫn chỉ loanh quanh ở các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, MC, thậm chí còn bao gồm cả tiếng Anh cho trẻ em... Ngay bản thân nhiều bậc phụ huynh cũng chưa hiểu hết về cái gọi là KNS nên nhiều người cho con đến lớp học này như một chỗ gửi gắm con trong dịp hè hoặc cho đi học với suy nghĩ rằng, thừa còn hơn thiếu. Nhưng tại những lớp học KNS cũng có cả những bậc phụ huynh bởi họ cũng không biết làm thế nào để chia sẻ cùng con, giúp con vượt qua khó khăn hay đơn giản là chế ngự cơn giận dữ khi con bị điểm kém.

Trên thị trường sách báo, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các tài liệu dạy KNS. Có nhiều cuốn thực sự có giá trị như "Tôi tài giỏi", "Súp của tâm hồn"… và cũng xuất hiện không ít những sản phẩm "ăn theo" bởi vì đây là một mảng sách được bạn đọc quan tâm. Các chương trình mang tính giáo dục cho thanh, thiếu niên, trong đó có giáo dục KNS cũng xuất hiện ngày một nhiều mà tiêu biểu là VTV6. Sự phát triển của xã hội hóa hoạt động giáo dục KNS cho thấy nhu cầu học KNS đã trở nên bức thiết. Đây là một thuận lợi cơ bản cho việc đưa nội dung giáo dục này vào chương trình chính khóa.

Khó, nhưng không phải là không thể
PGS-TS Nguyễn Công Khanh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), người giàu tâm huyết với đào tạo KNS bày tỏ những ý kiến lạc quan về hiệu quả nội dung giáo dục mới này ở nước ta. Theo ông, việc đưa giáo dục KNS vào nhà trường phổ thông không khó, vì đội ngũ chuyên gia trong nước hoàn toàn đủ khả năng để viết giáo trình căn bản. Điều khó hơn cả là làm sao để đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp chuyển tải nội dung KNS có niềm tin rằng, nội dung giáo dục này là rất cần thiết, từ đó để họ làm tốt công việc của mình.
Cần có giải pháp đầu tư cho đội ngũ làm công tác này, trong tình hình hiện nay và nhiều năm tới chủ yếu sẽ là giáo viên chủ nhiệm (GVCN), là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ông cho rằng, GVCN phải được coi là một nghề, một chức danh trong trường phổ thông, có chế độ đãi ngộ ít nhất bằng 30% tiền lương họ đang hưởng, chứ chỉ được trừ 4 tiết/tuần như hiện nay là không thỏa đáng.

Đồng thời, cần trang bị cho họ đủ tri thức và những kỹ năng để "hành nghề". Quan tâm tới đội ngũ GVCN, nhưng từ kết quả nghiên cứu của mình tại 7 địa phương, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, giáo viên dạy các bộ môn cũng có thể tham gia giáo dục đạo đức, KNS cho HS thông qua nội dung môn học cũng như trong chính quá trình tổ chức dạy học. Tuy nhiên, trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ có hơn 20% giáo viên bộ môn được hỏi công nhận mục tiêu khai thác tiềm năng giáo dục của bài học là quan trọng, 90% giáo viên quan niệm mục tiêu kiến thức mới là chính. Điều này đã hạn chế khả năng "dạy người" thông qua "dạy chữ" trong nhà trường.

Cùng với đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho giáo viên, việc xây dựng chương trình giáo dục KNS cũng cần phải thiết thực và khả thi. Có một cái khó là với chương trình hiện nay, HS đã học quá tải, giáo viên dạy quá tải, nay lại thêm tải là KNS thì phải "dũng cảm" giảm bớt những nội dung khác. Không quá cực đoan như một nhà giáo có uy tín phát biểu trên báo chí là nên bỏ môn giáo dục công dân và công nghệ nhưng theo ý kiến của nhiều giáo viên dạy bộ môn này, hầu hết bài học đạo đức là về triết học, kinh tế, chính sách… với những khái niệm trừu tượng khô cứng, khó hấp dẫn, lôi cuốn HS và không mang đến những bài học thiết thực về kỹ năng giải quyết các tình huống trong cuộc sống, nên cần lược bớt. Quỹ thời gian ấy dành cho HS "học vỡ òa, học yêu thương" như chủ đề một buổi hội thảo về giáo dục KNS mới được tổ chức gần đây.

Rèn luyện KNS cho HS là một trong năm nội dung chính của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" mà Bộ GD-ĐT phát động trong các trường phổ thông từ năm 2008. Tại một hội thảo mới đây do dự án giáo dục THCS II tổ chức, TS Nguyễn Công Khanh cho rằng, tổ chức các câu lạc bộ (CLB) HS là một biện pháp quan trọng để thực hiện nội dung GD rèn luyện KNS cho HS trong quá trình triển khai phong trào. Hoạt động CLB được xem là hình thức phù hợp nhất để tạo sân chơi bổ ích cho HS, bởi HS luôn có nhu cầu muốn khẳng định, muốn được thể hiện, luôn mong muốn khám phá các năng lực của bản thân và muốn phát huy những năng lực, sở trường của mình về một số lĩnh vực nào đó. Các nhu cầu này được hình thành không chỉ trong các hoạt động học tập chính khóa mà chủ yếu lại qua các hoạt động, các sinh hoạt ngoại khóa. Song tổ chức CLB cũng sẽ gặp những khó khăn không mới là đội ngũcán bộ triển khai, kinh phí hoạt động, thời gian của HS, cơ sở vật chất của nhà trường.

Dẫu biết là nhiều khó khăn nhưng sẽ không thể thay đổi thực trạng đạo đức xuống cấp, KNS thiếu hụt trong HS nếu chỉ bàn luận mà không cùng nhau bắt đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: “Đơn hàng” mới, nỗi lo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.