(HNM) - 13 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962 đã dũng cảm, sáng tạo, chịu nhiều gian khổ, hy sinh trong việc bảo vệ bến để tiếp nhận vũ khí từ những chuyến tàu "không số" từ Bắc đưa vào. Có người trở thành anh hùng, có người về đời thường với thương tật vĩnh viễn, có người nỗ lực vươn lên làm giàu, có người bạc đầu rồi vẫn chật vật với cơm áo...
Nói về sự đóng góp để làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, sẽ là không phải nếu không viết về những con người bình dị, bấy lâu ít được nhắc đến - họ như những ngọn nguồn thầm lặng tạo thành biển lớn.
Rừng chồi
Khác với khu Năm, miền Tây Nam bộ thuộc khu Tám, khu Chín trước đây có hẳn một đơn vị bến bãi đón tàu "không số", vận chuyển hàng vào kho rồi phân đi nơi khác. Đó là Đoàn 962, ban đầu thuộc cơ quan Đảng, sau quân đội quản lý, tùy vào chiến sự mà "di biến động" rất linh hoạt. Cái sự linh hoạt đó để lại nhiều hệ quả, cựu chiến binh, đa phần đều đã bảy chục, "phát biểu" với nhà báo có phần ngậm ngùi…
CCB Nguyễn Văn Ngọc kể về những ngày chiến đấu tại Đoàn 962. Ảnh: Dương Phúc |
"Mấy đồng chí lãnh đạo đoàn khuất núi cả, anh em còn lại nhiều thiệt thòi, dù đơn vị thừa kế rất cố gắng chạy chế độ. Bến - kho ở Thạnh Phú, Bình Đại (tỉnh Bến Tre) tồn tại không liên tục, người chuyển đi chuyển về, lắm anh hết chiến tranh phục viên "chay" kém cả du kích với nông hội, mới đây mới được nhà tình nghĩa, tiền "hai chín mươi", tội lắm".
"Chúng mình lúc là "rờ", lúc là địa phương, lúc lại chủ lực, nhưng giải tán với tái nhập rồi lại giải tán thành ra không có gốc. Lâu lâu gặp nhau không có "đơn vị ca" như anh khác, thành thử cứ "Tiểu đoàn Ba lẻ bảy" mà "dện", nhưng răng lợi sơ tán nên phều phào cả. Không phải giữ bí mật nữa, giờ có ông nhạc sĩ nào làm cho cái "Bài ca Chín sáu hai" thì đỡ quá, đỡ phải giải thích mình là cái anh gì…". Cái mong ước có chút "di sản phi vật thể" đó nghe ra khó quá.
Thực tế hơn đồng đội, ông Huỳnh Văn Thanh ở ấp Thới Lợi 2 xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre "phát" ngay với phóng viên "sự thể" hôm nay: "Tôi muốn làm ăn, nhưng xa mặt trời quá rất thiệt. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát bảo nông dân có thể vay tới 50 triệu đồng, nhưng 1.200m2 đất xoài dừa của tôi, có nhà trước nhà sau mà thế chấp ngân hàng có 20 triệu, chả đủ gây sò giống hay vuông tôm". Thời gian mới mở cửa làm ăn, ông Thanh đứng đầu một cơ sở kinh tế lớn của xã, phất đùng đùng rồi mất hết, giờ thành anh cò con.
Già yếu hơn, ông Nguyễn Văn Triệu (Ba Thi), thuyền trưởng ở bến Thạnh Phú năm xưa, chiều chiều bưng lạc, ngô đi bán dạo các quán nhậu trong ấp. "Tôi đẻ chín bận, tối đến uống ly rượu một mình đắng lắm, nhưng không uống không ngủ được".
Ông Lê Văn Kìm tức Tư Cương, sinh năm 1937, chính trị viên đại đội xe hồi đó, có lối trò chuyện mạch lạc hơn nhiều đồng đội. Gọi "xe" chứ đơn vị của ông ở Thạnh Phú gồm dăm bảy chiếc tàu để đón "không số" từ biển vào, tấp dưới giồng dỡ vũ khí lên kho, ngụy trang chờ mang đi nơi khác. Thời Mậu Thân (1968), ta tổn thất lớn, địch càn rát, A101 lộ bến, giải tán tới năm 1970 mới lập lại, Tư Cương thành ra hai lần là người của Đoàn 962.
"Rừng ngập mặn vùng này gọi là "rừng chồi", có dừa nước, mắm, bần, vẹt, cao nhất chỉ chừng bốn năm thước, dấu khói khó, rạng sáng nấu cơm ăn cả ngày", Tư Cương kể. "Xã Thạnh Phong có cồn bãi nhưng là vùng giải phóng, tàu bè biết luồng hay được dắt thì ra vô thuận lợi lắm. Nước nôi tiện, đào xuống hai mét cát là có, tha hồ tắm và tưới những rau dền, bù ngót, dưa hấu, cải. Khi không có tàu, lính tráng đặt đăng chăng lưới, tôm cua cá ngát, cá đối, thòi lòi ăn không hết đem bán, đổi lấy trà, thuốc Ruby Queen. Rượu thì cấm. Thuốc bệnh, pin, gạo dân kiếm cho không đến nỗi thiếu. Và được gần dân, trông thấy bóng đàn bà con nít, có anh tìm hiểu được vợ. Tóm lại là cuộc sống không đến nỗi cực quá, căng thẳng về tâm lý cũng không đến nỗi nào. Dân rất tốt, vùng giáp ranh mà giữ bí mật tuyệt đối. Địch nó đâu có lạ bến mình, ngoài tàu bò pháo hạm trong chi khu bắn tối ngày, trên đầu máy bay vãi đạn mà họ không bỏ mình, nói "bến cảng lòng dân" là ở chỗ ấy".
"Nhưng lại có những bức xúc ngậm trong lòng không "trần tình" nổi. Hồi thuộc "Rờ", tức "lính trung ương" hẳn hoi, quân trang toàn mua vải trắng về bỏ pin đèn vỏ cây luộc lại, trông rất lem nhem. Không đánh nhau, hỏi nhiệm vụ gì không nói, đâm đám lính chiến kháo "bọn này bị kỷ luật". Có hôm mất người, nghĩ chiêu hồi rồi, phải nhổ đồn kẻo vỡ hết tuyến như vụ Vũng Rô ngoài Phú Yên thôi, rồi tìm ra hắn say rượu ngáy pho pho dưới hầm tàu. Cuộc sống gần dân thư giãn thật đấy nhưng thân rồi mà miệng cứ phải kín như bưng, khổ tâm lắm chứ".
Đàn bà làm lính
Câu chuyện của những cựu chiến binh bến bãi về "thời xưa" không phải chỉ toàn gian khổ. Còn trẻ, ham sống nhưng chưa biết sợ chết, họ "kiếm" được những niềm vui đơn giản: đi trên xuồng cầm cây chà (cành dong) quét xuống nước, cá nhảy ào ào lên xuồng. Cơm thường độn bí đỏ, khoai lang, nhưng khi sẵn gạo cũng nấu được rượu, tất nhiên cấm "xỉn". Gà, chó cấm tiệt vì phải bí mật, chất tươi là chồn sóc, rùa săn được, và dưa leo, bí rợ, đậu bắp tăng gia. Dân sống tách biệt nhưng không xa quá nên có lúc được nghe trẻ hờn, mẹ gọi con chiều hôm. Các bà mẹ chiến sĩ thương, gả con gái cho, nên trong cứ thỉnh thoảng có đám cưới, sinh nở, như cặp xê trưởng kho Nguyễn Văn Tỉnh với chiến sĩ quân trang Trần Thị Phận, bố mẹ Tổng Biên tập Báo Cà Mau Nguyễn Văn Bé hiện nay.
Nhưng chiến tranh thì làm sao không khổ, và đàn bà làm lính lại có cái khổ riêng, có khi đeo đến hôm nay. Bà Đoàn Thanh Phương, sinh năm 1947, cựu chuẩn úy, kể: "Ngọc Hiển hồi đó rậm rạp. Lán dựng trên nước mặn, đi sang nhau có cầu. Xung quanh tứ bề là nước nhưng phải chưng cất lên mới có nước ngọt. Đám nam giới lặn moi đất sét lên cho chúng tôi chát vào đầu tóc, tha hồ gội "như xà phòng", tắm mặn rồi lĩnh hai lon nước ngọt lau lại cho đỡ rít. Những hôm hành kinh thật cơ cực, không biết mình có còn là đàn bà. Quần áo ẩm xì, bị nấm, lác (hắc lào) rất nhiều. Còn muỗi thì thôi rồi, đốt khói nước mắt ràn rụa mới ăn cơm được, không thì vác bát vô mùng".
"Tôi năm chục ký, ở tiểu đội bốc vác, vào loại có sức chứ. Nhưng chuyển thùng đạn 52 ký từ hầm tàu lên mặt boong là chuyện khác. Anh chị em gặp nhau, ai còn đều mắc bệnh cột sống, khớp".
Bà Phương đang kể chợt ngưng lời, cái nhìn trôi đi đâu. Chồng bà, ông Dương Thoại Đoàn, hồi đó tiểu đoàn phó, nối lời: "Vợ tôi có bầu hơi lớn thì không vác nữa, mà sang coi kho. Chúng tôi sinh hai con, gửi người chị ở Rạch Giá nuôi, B52 dội bom không còn gì. Các cháu không có mộ, hằng năm cúng không, vậy thôi".
"Hồi đó tôi phát điên", bà Phương nói rất khẽ.
Dưới tán rừng đước
Cho đến giờ, Ngọc Hiển - Cà Mau - là huyện duy nhất của đất nước không có ô tô. Ấp khóm không tập trung như làng mạc ngoài Bắc, mà thưa thoáng mỗi nhà vài nghìn mét, người sống ở chung luôn với mộ ông bà ông vải. Thị trấn huyện lỵ Rạch Gốc có con lộ rải nhựa, bức tường bao bệnh viện làm vài năm đã xuống cấp. Đường Hồ Chí Minh đang "trổ" qua đây bằng hai cây cầu dang dở. Ngoài Đất Mũi quá nổi tiếng, huyện dường như chả mấy chỗ nơi khác biết, dù tàu bè trăm nơi vẫn tới bán cá, ăn dầu, đá cây, sinh ra vô số dịch vụ. Cái địa thế ấy có là do hai con sông Cửa Lớn và Bồ Đề - thực chất là dòng biển chạy từ Ông Trang đến Tam Giang Tây chia cắt.
Bình thời thì cô lập thật, nhưng trong chiến tranh, Ngọc Hiển là "thủ đô" của bến bãi. "Mắm đi trước đước theo sau", rừng đước cao ba chục mét, bên dưới là dừa nước, tràm… che chở cho căn cứ. Tàu "không số" chở vũ khí cho khu Chín sau khi đã thoát phòng tuyến hải quân Sài Gòn vào đến đây, đa phần đã là vùng giải phóng rồi. Kín đáo, an toàn, mặc sức cho pháo bày ngoài khơi, chi khu Năm Căn nã vào, máy bay trên trời rắc bom xuống. Nên chi thời chiến có khi làm người ta ngỡ như thời bình, lính tráng tha hồ "xúc" cá ngát, cá dứa từ biển nước dưới lán trại lên ăn, ca tài tử xuống xề như gì, lại có thể trúng mảnh tiêu luôn.
Nguyễn Văn Ngọc tức Út Vinh, là một "nhân vật" vừa bình thường vừa rất đỗi đặc biệt của cứ Ngọc Hiển. Bình thường, vì sinh năm 1936, đi du kích từ năm 1961 rồi làm lính 962, ròng rã đến hết chiến tranh về "ba linh thôn" (phục viên) mới "đóng" có trung úy. Nhưng ai cũng biết ông chèo thuyền cho thủ trưởng đoàn, ngần ấy năm qua một chặng đường gấp ba lần chiều dài bờ biển đất nước. Lực lưỡng cỡ Trịnh Công Sơn hay Văn Cao mà "đại thanh", râu ria tua tủa, hồn nhiên đến thảo mộc, Út Vinh gợi cảm giác "rất Hai lúa".
Đối thoại đại loại:
- Đi bảo vệ cho thủ trưởng đoàn mà nhỏ thó, chắc ông phải giỏi võ lắm?
- Biết gì đâu. Bắn súng chưa rành mà. Không biết sao ông Dĩa (anh hùng Bông Văn Dĩa) chọn. Chắc tôi rành kênh rạch.
- Cái "xe con" chở thủ trưởng của ông thế nào?
- Bằng gỗ dơn dơn, hai mái chèo dài gần ba mét chằng vào xuồng. Bảy tám tháng lấy dầu chai xảm lại cho nước khỏi vô. Cũng có khi đi xuồng ba lá, chở vài người.
- Ông có thường gặp địch không?
- Ít lắm. Mà chỉ thấy khỉ, kỳ đà tùm lum. Cá sấu chỉ nghe nói chứ chưa gặp.
- Thế lúc không có tàu lính tráng làm gì?
- Tiếu lâm tía lia. Hát "Ba lẻ bảy lấy con má Bảy".
- Chuyện ông chèo xuồng bằng ba lần bờ biển Việt Nam có thực không?
- Thì người ta tính chứ tôi đâu có tính.
- Ông có thương tật gì không?
- Không biết làm sao nó cứ tránh tôi.
Nhà báo moi móc mãi, Út Vinh cứ "nhát một" trả lời rất to, không hề kêu ca chế độ đãi ngộ, kể đóng góp. Chỉ qua người khác mới biết ông có mẹ, chị là liệt sĩ, bà vợ đẻ sáu bận đang ốm nặng, căn nhà đoàn cho năm 2000 bị ngập mà không sửa được. Lúc chia tay, nhìn ông đứng trên bờ, cái câu "Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" cứ vương vất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.