Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Vấn đề “nóng”: Thương mại hóa

Tống Ngọc Thanh| 14/02/2011 08:06

(HNM) - Mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan cũng là lúc lễ hội dân gian diễn ra khắp trên mọi miền đất nước. Hội xuân mang đậm dấu ấn tâm linh và cũng là ngày vui thật sự của mỗi người dân.

Rác tràn ngập chùa Trăm Gian... Ảnh: Hải Linh


Đi lễ, cầu gì?
Hòa cùng dòng người đi lễ hội đầu năm, chúng tôi tìm về chùa Bái Đính nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa mới này là nơi tập hợp nhiều kỷ lục và có một không gian kiến trúc rộng rãi với tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chuông đồng to nhất, có nhiều tượng la hán nhất, có giếng ngọc lớn nhất, có số cây bồ đề nhiều nhất. Và có lẽ với những "cái nhất" như vậy nên lượng du khách đến đây lễ Phật, cầu an lên tới cả vạn người. Tất cả mọi nẻo đường dẫn đến chùa Bái Đính đều kẹt cứng người và xe. Tiếng động cơ ô tô, âm thanh hỗn tạp phát ra từ hàng quán bán rong, đám xe ôm chèo kéo du khách... Tiếng loa phóng thanh của chùa liên tục thông báo tìm người bị lạc và khuyến cáo đề phòng kẻ gian trộm cắp tài sản như át cả tiếng kinh cầu. Chùa Bái Đính vẫn đang trong thời gian xây dựng nên bụi bay mù mịt, nhiều hạng mục công trình còn dở dang, du khách nhiều lúc bước thấp, bước cao. Quy mô chùa rộng tới 80ha, trong khi đó công tác tổ chức lễ hội tại đây chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài hướng dẫn viên du lịch theo "tua" và nhân viên thu gom tiền cúng bái, công đức, tại đây không có bất cứ ai giới thiệu cho Phật tử và khách thập phương về ngôi chùa. Cũng vì thế, người đi chùa cứ lễ, cứ cầu mà không biết để tâm vào đâu.

Ông Trần Văn Xuyến, một du khách ở Hải Phòng cho biết: "Trước kia, người dân đến chùa đầu tiên là cầu cho "quốc thái dân an" rồi sau đó mới cầu may cho gia đình. Nay, tiếng là đi chùa nhưng rất nhiều người không biết cách hành lễ, tiện chỗ nào cũng cắm hương, đứng đâu cũng chắp tay khấn vái, rồi hóa vàng vô tội vạ. Nhiều người dùng tiền Ngân hàng Nhà nước phát hành xoa lên đầu lên tay Phật để cầu may, thực tế hành động đó rất phản cảm".

Chị Trần Thị Thanh Huyền (Công ty TNHH Nhất Trí Thành, Hà Nội) trỏ tay vào chiếc túi xách bị rách nham nhở bởi những vết dao lam. Chỉ mấy phút đứng chắp tay hành lễ, chiếc túi xách chị Huyền đeo trên vai bị kẻ gian rạch nát, lấy đi một điện thoại di động, một chiếc ví trong đó có 3 triệu đồng tiền mặt và rất nhiều giấy tờ quan trọng... Nghe mọi người mách nước, chị tìm đến BQL khu di tích để thông báo trên loa, mong tìm lại giấy tờ nhưng cuối cùng vẫn vô vọng.
Dịch vụ "chém đẹp"

Một trong những lễ hội tổ chức đầu năm, thu hút khách thập phương gần xa là lễ hội chợ Viềng (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định). Chợ Viềng mỗi năm họp một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 tháng Giêng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân "mua may, bán rủi". Không chỉ du xuân, đến với chợ Viềng, du khách còn được hành hương về quần thể di tích Phủ Dầy với 23 ngôi điện. Ước tính, mỗi phiên chợ thu hút khoảng 250.000-300.000 du khách đến tham quan và đây chính là dịp để các dịch vụ "ăn theo" nở rộ. Mới 7h tối, tuyến đường 56 dẫn vào Phủ Dầy và chợ Viềng đã chật cứng người, xe. Con đường nhựa ngoằn ngoèo chạy giữa cánh đồng sáng rực bởi hàng nghìn ánh đèn pha loang loáng. Cách chợ khoảng 5km, những chiếc phản gỗ đầy ắp thịt bò la liệt hai bên đường. Không chịu nổi cảnh hàng chục chiếc ô tô kẹt cứng, nối thành hàng dài, nhiều đoàn khách đành chọn giải pháp gửi xe từ xa, bắt "xe ôm" tìm đường vào chợ. Tận dụng dịp này, các điểm trông xe tự phát hai bên đường thi nhau hét giá. Giá trông giữ một chiếc xe máy thấp nhất là 20.000 đồng, giá trông xe ô tô dao động từ 100.000-200.000 đồng tùy loại xe lớn, nhỏ. Cánh xe ôm cũng tranh thủ "chém đẹp" du khách tham quan với giá từ 40.000-50.000 đồng một cuốc xe từ đường 56 vào chợ, chỉ vỏn vẹn hơn cây số.

... và cờ bạc công khai tại chùa Bái Đính. Ảnh:Ngọc Thanh

Chợ Viềng họp trên một nền đất rộng, ngày thường vốn là sân bóng của thanh niên xã Trung Thành. Thực tế, Nam Định có tới 4 chợ Viềng, đều họp cùng ngày trong năm, nhưng chợ Viềng ở xã Trung Thành - huyện Vụ Bản được nhiều người tìm đến hơn cả. Chợ được chia thành nhiều gian hàng nhỏ, dựng sơ sài, mỗi gian rộng chừng 2m2, chung quanh được phủ bạt qua quýt. Ngoài những mặt hàng truyền thống, gắn bó thân thuộc với người nông dân vùng chiêm trũng, như cái liềm, lưỡi cày, cuốc xẻng, đòn gánh, cây cảnh... người ta còn mang đến đây nhiều mặt hàng chẳng ăn nhập gì với truyền thống chợ đêm đậm dấu ấn tâm linh ở một vùng quê Bắc bộ. Rất nhiều gian hàng bày bán các loại đồ chơi Trung Quốc lập lòe xanh, đỏ, đồ chơi điện tử, sách cũ... Theo phong tục, chợ Viềng họp không phải để buôn lãi, kiếm lời, mà cốt để "bán rủi, mua may", nên không có cảnh người bán nói thách, người mua mặc cả. Phong tục là thế, còn thực tế lại khác. Chị Nguyễn Thị Thêu - một du khách từ Hà Nội về tham dự lễ hội chợ Viềng nói: "Tôi chọn mua một con dao, người bán nói giá 50.000 đồng. Nghe người nhà dặn, mua bán ở chợ Viềng không được mặc cả để lấy may, tôi rút tiền ra trả. Nhưng khi sang gian hàng cách đó chỉ vài bước chân, tôi thấy một con dao như thế giá chỉ 20.000 đồng". Chị Thêu còn loay hoay chọn lựa mua một cây hoa trà và một cây sung có dáng rất ưng ý, nhưng khi chen lấn ra đến điểm trông xe, mới phát hiện những bông hoa trà và quả sung đều là "hàng giả", được gắn keo một cách tinh vi... Ước tính chỉ trong một đêm diễn ra lễ hội, có khoảng trên 1.000 con bê, bò được "hóa kiếp" phục vụ quan niệm "mua thịt bò lấy may" của du khách thập phương, song giá bán thịt bò lại mỗi nơi một kiểu. "Tiếng là chợ quê mà giá thịt bò ở đây bán đắt ngang thịt bò ở những chợ lớn trên Hà Nội. Sợ nhất là có hàng trăm phản bày bán thịt bò nhưng tìm mỏi mắt chẳng thấy hàng nào có đóng dấu của chi cục thú y địa phương. Giả sử người bán hàng giết cả bò, bê chết hay mắc bệnh để bán cho du khách thì ai biết mà quản lý?" - một du khách đặt câu hỏi.

Trời càng về sáng, xung quanh khu vực chợ và con đường từ chợ vào Phủ Dầy xuất hiện ngày càng nhiều những tụ điểm cờ bạc, từ xóc đĩa, chắn cạ đến trò tôm - cua - cá, hay bắt chước trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu" để

phân định cửa thắng... khiến phiên chợ càng thêm nhộn nhạo. Từng nhóm nam thanh, nữ tú xúm xít xung quanh đám đỏ đen được bày ngay dưới đất hoặc trên những chiếc bàn nhỏ, tiếng cười nói, chửi thề ầm ĩ. 5h sáng, chợ Viềng đã vào cuối phiên. Du khách sau một đêm thức trắng chen chân tham dự lễ hội cầu may ở Phủ Dầy đều đã thấm mệt. Những gian hàng bắt đầu được dỡ xuống, những phản thịt bò được thu dọn dần... Đó cũng là lúc khoảng đất rộng nơi dựng chợ và những con đường dẫn vào chợ Viềng, Phủ Dầy đều đã phơi trong rác thải. Có lẽ, do quá bận rộn với việc tổ chức lễ hội, Ban tổ chức đã "quên" không đặt bất cứ một thùng đựng rác công cộng nào. Nhiều du khách than thở, đầu năm, những tưởng đi lễ cầu may, nếu không cũng được thưởng chút không khí hội hè náo nhiệt để lấy khí thế trước một năm sản xuất, kinh doanh hoặc chí ít cũng là thư thái ngắm cảnh xuân… nhưng đi lễ hội thế này chỉ thấy mua thêm… bực tức.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả nước ta hiện có gần 8.000 lễ hội được tổ chức trong năm, tập trung chủ yếu vào thời điểm đầu xuân. Ngay từ trước Tết Nguyên đán Tân Mão, Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc quản lý tổ chức lễ hội, tập trung quan tâm đến các yếu tố như: văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường và dịch vụ của lễ hội. Tuy nhiên, tại một số địa phương việc tổ chức lễ hội chạy theo tính chất thương mại, biểu hiện ở việc: bắt chẹt du khách, bao thầu lễ hội, các trò chơi không lành mạnh, mê tín dị đoan...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Vấn đề “nóng”: Thương mại hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.