(HNM) - Đánh giá về Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD), Bộ Xây dựng cho rằng, một trong những mục tiêu đã đạt được sau 2 năm thí điểm là việc hình thành tổ chức kinh tế quy mô lớn. Song, thực tế thì tập đoàn có lớn hơn, nhưng lại không đủ mạnh để trở thành "quả đấm thép" như mục tiêu đặt ra.
Vốn tăng nhưng lợi nhuận giảm
Đúng là vốn chủ sở hữu của công ty mẹ hai tập đoàn tăng lên nhiều lần so với trước khi thành lập do được cộng vốn của các tổng công ty tham gia tập đoàn. Theo đó, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà năm 2009 là 2.787 tỷ đồng, thì năm 2011 là 6.636 tỷ đồng; Tập đoàn HUD có vốn chủ sở hữu năm 2009 là 2.112 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên 5.524 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hai tập đoàn này đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ Nhà nước giao, chẳng hạn Tập đoàn HUD trong vai trò thực hiện định hướng chiến lược phát triển nhà bước đầu đã xúc tiến nhiều dự án nhà ở xã hội phục vụ chương trình an sinh. Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng ở nhiều dự án trọng điểm kinh tế - xã hội của đất nước, như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nậm Chiến, Hủa Na, hay Xêkaman trên nước bạn Lào.
Tuy nhiên, để thực sự là tập đoàn kinh tế mạnh, là "quả đấm thép" của ngành xây dựng thì quy mô, năng lực vốn của cả hai tập đoàn đều nhỏ và hạn chế, rất dễ gặp rủi ro trong môi trường kinh doanh nhiều biến động. Mặt khác, khi công ty "mẹ", công ty "con", công ty "cháu" đều đầu tư dàn trải theo hướng đa ngành, đa nghề, thì vốn chủ sở hữu nhỏ cũng buộc các công ty "con", công ty "cháu" phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng, vì vậy hầu như doanh nghiệp nào cũng có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (thực ra tình trạng này có từ trước khi tham gia tập đoàn). Thậm chí, có đơn vị có tỷ lệ nợ trên vốn vượt quy định nhiều lần. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31-12-2011, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà xấp xỉ 10,5 lần, của Tập đoàn HUD là 6,68 lần, Tổng Công ty Lilama (tham gia Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam): 35 lần, Tổng Công ty Licogi (cũng là thành viên Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam): 5,19 lần, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (thành viên Tập đoàn HUD): 5,55 lần, Tổng Công ty Viglacera (thành viên Tập đoàn HUD): 6,99 lần… Trong đó, nhiều công ty con của những đơn vị thành viên và là công ty cháu của Tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính trầm trọng.
Từ khi trở thành nòng cốt của Tập đoàn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty "mẹ" lại đạt thấp và giảm nhiều so với khi còn hoạt động độc lập do phải gánh thêm những tồn tại, yếu kém về tài chính của công ty "con", cộng với đó là những tác động tiêu cực từ sự bất ổn của nền kinh tế. Nếu như thời điểm năm 2009, Tập đoàn Sông Đà có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 9,7% thì đến năm 2010, sau 1 năm trở thành nòng cốt của Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ còn 1,43%, năm 2011 giảm còn 0,75%. Tương tự, Tập đoàn HUD năm 2009 có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 16% thì năm 2010 còn 12,48% và năm 2011 còn 5%. Trong bối cảnh đó, đương nhiên hiệu quả đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của công ty "mẹ" - Tập đoàn và các công ty "con" cũng rất thấp. Tập đoàn Sông Đà chỉ có 3,1%, Tập đoàn HUD 2%, Tổng Công ty Lilama 0,8%, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma) 0,5%, Tổng Công ty Viglacera 0,32%... Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nhận xét, nhiều đơn vị trong tập đoàn vô cùng khó khăn, mất cân đối tài chính, có số lỗ lũy kế lớn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chung của tập đoàn. Thời gian tới, khi có nhiều dự án đầu tư hoàn thành, đi vào hoạt động, chắc chắn số lỗ sẽ còn tăng hơn nhiều. Nếu tiếp tục duy trì mô hình tập đoàn tổ chức như hiện nay chắc chắn áp lực về tài chính cũng như rủi ro lên công ty "mẹ" cũng sẽ tăng hơn rất nhiều.
Dừng là tất yếu
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng thí điểm Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam là kết quả tất yếu, xét ở góc độ hiệu quả của hai tập đoàn này. Và hẳn cũng không phải là điều quá ngạc nhiên khi nhiều kỳ họp Quốc hội, từ khóa trước đến khóa này, hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn là chủ đề thảo luận "nóng" khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn. Vấn đề đặt ra hiện nay là công ty "mẹ" - tập đoàn và các công ty "con" - Tổng công ty sẽ ra sao sau khi mô hình thí điểm tập đoàn kết thúc? Theo đề án tái cơ cấu hai tập đoàn kinh tế nhà nước ngành xây dựng mà Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ, cổ phần hóa (CPH) sẽ là phương án mà các tổng công ty hướng tới. Trong đó, các tổng công ty "con" - tổng công ty sẽ tiếp tục quá trình CPH đã được phê duyệt (dự kiến hoàn thành vào năm 2015). Còn hai công ty "mẹ" - Tập đoàn, sau khi trở lại mô hình tổng công ty và trực thuộc Bộ Xây dựng sẽ lên phương án, kế hoạch CPH cụ thể. Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc quản lý các tổng công ty sau khi kết thúc thí điểm không giống như mô hình Bộ chủ quản trước đây, tức là Bộ không can thiệp vào quản lý, điều hành kinh doanh, mà quản với tư cách chủ sở hữu, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, phê duyệt kế hoạch kinh doanh 5 năm, thực hiện giám sát, kiểm tra hội đồng thành viên… Bộ sẽ thoái vốn tại doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính để giảm số đầu mối. Còn công việc trước mắt sẽ là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, từng bước cân đối tài chính, duy trì sản xuất kinh doanh và khắc phục các tồn tại trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.