(HNM) - Có ý kiến cho rằng: "Lễ hội (LH) là tấm gương soi văn hóa của xã hội. Mọi biểu hiện của nó dù rất nhỏ cũng đều phản ánh trình độ văn hóa của xã hội đó". Nếu theo quan điểm này thì những mặt trái trong LH hiện nay đã phần nào nói lên trình độ, sự hưởng thụ văn hóa của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam đang "có vấn đề". Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi cách thức tổ chức, quản lý LH.
>>Bài 1: Chất văn hóa giảm, lượng thương mại tăng
Chuyện "muôn năm" vẫn "nóng"
Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: Hiện đã có các văn bản về tổ chức và quản lý lễ hội như Chỉ thị 27/CT-TƯ ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Nghị định 11/2006/NĐ-CP ngày 18-1-2006 về Quy chế quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Bộ VH,TT&DL cũng có nhiều quyết định, thông tư, quy chế về tổ chức và quản lý LH. Các địa phương cũng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đối với việc tổ chức LH... Tóm lại, quy định, hướng dẫn đã có đủ, từ cách thức, quy mô tổ chức LH; cả những điều nên và điều cấm; trách nhiệm các bên và chế tài thưởng phạt. Như vậy, vẫn còn những chuyện "muôn năm cũ" trong các LH chỉ có thể giải thích là các chủ thể tổ chức LH chưa thực hiện nghiêm túc quy định; các địa phương, các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, công tác thanh tra xử lý vi phạm gần như "án binh bất động"; còn người dân thì biết sai vẫn... mặc kệ!
Lễ hội tại đền thờ Hai Bà Trưng xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thái Hiền |
Chị Hải, một người bán hàng ở hội Lim năm 2010 nói với phóng viên Báo Hànộimới: "Tôi biết có thông báo cấm bán hàng rong trong khu vực LH, nhưng thấy không có ai kiểm tra, ngăn chặn nên tranh thủ kiếm thêm chút tiền tiêu". Qua đó, có thể thấy rằng các cơ quan tổ chức LH quản lý chưa chặt chẽ, còn người dân vì lợi nhuận, biết trái vẫn cứ làm. Và nếu mỗi người biết tự điều chỉnh hành vi, chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện đánh nhau tới đổ máu để cướp ấn như ở LH Khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra đêm 14 tháng Giêng vừa qua...
Bài học về hành xử
Lễ hội đã có từ lâu đời, bản sắc, giá trị văn hóa của LH vẫn được bồi đắp qua thời gian. Tình trạng biến dạng của LH hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khẳng định là do một số nhà tổ chức, quản lý LH chưa thực sự hiểu biết bản chất, ý nghĩa; chưa quan tâm đến khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về LH.
GS Trần Lâm Biền, Cục Di sản văn hóa cho biết: Lễ trong hội bao gồm những ứng xử mang tính chân, thiện, mỹ của con người đối với thần linh, với vũ trụ, đối với họ hàng thân tộc và ứng xử với chính bản thân mình. Ví như tục đâm nõ nường ở lễ hội Trò Trám, Phú Thọ; tục cướp hoa tre ở LH Thánh Gióng... Những lộn xộn, thương mại hóa trong LH hiện nay thực chất do chủ thể LH - cộng đồng người, đã vô hình gạt bỏ những yếu tố văn hóa, tâm linh truyền thống ra khỏi LH cũng như đời sống tinh thần của chính mình.
Tại lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định), nhiều người dân chen lấn để được vào xin ấn, lực lượng an ninh phải làm việc rất vất vả. |
Do đó, để có được những LH đúng nghĩa "như ngày xưa", theo GS Trần Lâm Biền, trước hết người làm công tác tổ chức, quản lý LH phải nhận thức lại những yếu tố "gốc" của LH. Tức là, phải tìm hiểu cặn kẽ công trạng của các vị thần, thánh mà LH đó tôn vinh; các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống ở các vùng quê diễn ra LH. Sau đó, phổ biến, tuyên truyền cho công chúng nhận thức, nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo của LH.
Theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trước hết, người tổ chức LH phải hiểu rõ tổ chức LH vì ai, cho ai và vì cái gì. Chỉ khi biết rõ mục đích của LH mới tổ chức LH theo đúng hướng được.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Diện, Phó GĐ Thư viện Hán Nôm, đối với các LH lớn như hội Lim (Bắc Ninh), Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), Phủ Giầy, Khai ấn đền Trần (Nam Định)... nên có hồ sơ miêu thuật thật rõ ràng, khoa học, chính xác và tôn trọng tối đa tính nguyên bản của LH. Hồ sơ ấy bao gồm việc tuyên truyền các sự tích, truyền thuyết về các vị thần, về ý nghĩa nhân văn của LH; nội dung bài văn khấn cho khách hành hương; các lễ vật được phép và không được phép mang đến; khuyến khích những trò chơi dân gian; quy hoạch riêng khu vực cho các trò chơi hiện đại và tuyệt đối cấm các trò đen, đỏ...
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, các đền, chùa nên có người hướng dẫn cách dâng lễ, đặt tiền công đức cho trang trọng, còn mọi người dân nên biết hành xử đúng khi đi lễ, tham gia LH. Cúng lễ ở nơi thờ tự để cầu may, cầu phúc là tín ngưỡng, là nét đẹp văn hóa cần được thực hiện đúng truyền thống. Tùy tâm công đức thì nên nhưng không thể phô trương, "huyếnh" của vào đồ tế lễ, mê tín quàng xiên, gây phản cảm.
GS Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì khuyên rằng không thể đơn thuần biện pháp hành chính, mà phải là hiểu biết và tự giác, đó là "điểm dừng" cần có ở mỗi người, phải thông qua giáo dục mới có.
Trước thực trạng trên, Bộ VH,TT&DL vừa có Công điện số 633/BVHTTDL-CĐ yêu cầu sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong LH; có biện pháp cụ thể, quyết liệt xử lý việc cúng bái, dùng đồ lễ có tính chất mê tín tràn lan, lãng phí, gây phản cảm; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có biểu hiện lợi dụng LH để kinh doanh trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan... Hy vọng ngành văn hóa và cả cộng đồng sẽ có sự vào cuộc với thế trận mới tẩy trừ tệ nạn thương mại hóa LH. Có như vậy, LH mới tìm lại được nét đẹp vốn có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.