(HNM) - Mới chỉ qua nửa chặng đường của giai đoạn 2021-2025, đã có tới 14 trong tổng số 27 chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) được hoàn thành, 9 chỉ tiêu đang triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ. Đó là minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm, khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt của toàn bộ hệ thống chính trị Thủ đô trong việc quan tâm, chăm lo phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Nhiều mô hình triển khai sát thực tiễn
Căn cứ 27 chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, từng nơi, trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, lại có cách làm riêng, lựa chọn những hướng đi riêng phù hợp với điều kiện thực tế.
Đơn cử như tại Ba Vì, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, bổ sung nguồn lực hỗ trợ từ vốn vay giải quyết việc làm, dự án chăn nuôi, phát triển làng nghề, triển khai một số mô hình phát triển kinh tế, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, các công trình giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch và môi trường được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận, thụ hưởng.
Tại Cầu Giấy, theo Phó Chủ tịch UBND quận Trịnh Thị Dung, căn cứ các chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, Quận ủy Cầu Giấy đã cụ thể hóa thành 22 chỉ tiêu phù hợp đặc điểm tình hình của quận. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với chỉ tiêu của thành phố đề ra, đơn cử như từ tháng 7-2022, quận Cầu Giấy không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn mới. Quận cũng thường xuyên rà soát quy hoạch, đầu tư, nâng cấp hệ thống an sinh xã hội, nhất là đầu tư nâng cấp cơ sở giáo dục - đào tạo, công trình thể thao, trung tâm văn hóa, cải tạo vườn hoa, sân chơi, nâng cấp chợ dân sinh…
Còn tại Đông Anh, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám, việc bố trí, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa, các điểm vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao được tập trung triển khai đồng bộ. Huyện ủy đã ban hành nghị quyết phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện trong năm 2022. Kết quả, hầu hết các thôn, làng, tổ dân phố đều coi trọng công tác lập quy hoạch, góp phần đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng những công trình phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân; có nhà văn hóa, cơ sở vật chất đạt chuẩn, có quy chế quản lý và hoạt động bảo đảm đạt hiệu quả; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên…
Gỡ khó cho các chỉ tiêu
Có 4 chỉ tiêu đang được tập trung tháo gỡ vướng mắc, gồm chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân; số bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường.
Với chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân, tổng số giường bệnh hiện nay của Hà Nội đạt 22.796 giường, tương ứng với tỷ lệ đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân. Để thực hiện mục tiêu 30 giường bệnh/vạn dân đến năm 2025, cần bổ sung tối thiểu 4.204 giường bệnh. Theo phân tích của các nhà quản lý và chuyên môn, đến năm 2025, dự kiến số giường bệnh trên địa bàn thành phố có thể tăng thêm từ 3 nguồn. Một là, đầu tư mở rộng, kết hợp xây dựng mới một số bệnh viện bằng nguồn vốn đầu tư công. Hai là, tiếp nhận một số bệnh viện của bộ, ngành chuyên quản. Ba là, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện bằng nguồn xã hội hóa.
Với chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân (mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sĩ/vạn dân, tương đương 13.250 bác sĩ), hiện nay, chỉ tiêu này mới đạt mức 14 bác sĩ/vạn dân. Để đạt mục tiêu, hiện còn thiếu 1.555 bác sĩ, chia bình quân 3 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 518 bác sĩ. Giải pháp cho việc này là phải thu hút bác sĩ qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Y tế, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Hiện tỷ lệ người dân được khám sức khỏe 1 lần/năm đạt khoảng 82,5%. Để đạt tỷ lệ 100% người dân được khám sức khỏe 1 lần/năm vào năm 2025, thành phố sẽ bố trí kinh phí triển khai phần mềm quản lý sức khỏe được kết nối đến 100% các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; đồng thời, giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn rà soát đối với đối tượng còn lại để quản lý sức khỏe cho người dân; thực hiện khám cho người dân chưa được khám tại các cơ sở y tế…
Riêng với chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường”, do Chương trình sữa học đường đã được điều chỉnh thành Chương trình sức khỏe học đường nên ngày 6-9-2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND thực hiện Chương trình sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sức khỏe học đường” cho phù hợp thực tiễn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.