Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Saami - ngôi làng cổ tích

Tuấn Lương| 24/04/2018 06:10

(HNM) - Hình ảnh ông già Noel tốt bụng trong bộ trang phục đỏ, đeo trên vai chiếc túi chứa đầy quà tặng cưỡi tuần lộc xuyên màn mưa tuyết đi khắp nhân gian tưởng chỉ là câu chuyện trong cổ tích vào mỗi dịp Giáng sinh.


Vùng đất bị lãng quên

Để đến được làng Saami, cả đoàn chúng tôi phải di chuyển khoảng 120km tính từ trung tâm Murmansk, băng qua những "sa mạc" tuyết trải dài tít tắp và rộng đến mức không nhìn thấy đường chân trời. Trên cung đường có Teriberka, vùng tuyết trắng một thời tưởng như đã bị lãng quên cho đến khi nó được “đánh thức” bởi đạo diễn nổi tiếng Andrey Zvyagintsev khi ông chọn nơi này làm bối cảnh quay bộ phim “The Leviathan” - tác phẩm đoạt giải thưởng cho kịch bản xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes 2014. Từ hiệu ứng đặc biệt đó, chính quyền Murmansk đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đầu tư để Teriberka nói riêng và Murmansk nói chung trở thành một điểm đến hấp dẫn mới. Cho đến nay nó đã trở thành một trong 20 điểm đến được yêu thích nhất của nước Nga.

Du khách hứng khởi trải nghiệm trượt tuyết trên xe tuần lộc kéo ở làng Saami. Ảnh: Tuấn Khải


Dọc những con đường phủ đầy tuyết trắng, chỉ có hai loại cây tồn tại được trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như vậy là bạch dương và thông. Nếu như thông còn được chút lá tô điểm thì những hàng bạch dương nối nhau hàng trăm cây số chỉ còn trơ trụi những thân, những cành khẳng khiu. Phải đến khi thời tiết bắt đầu ấm lên, bạch dương mới ra lá... Điểm trên nền tuyết trắng là những ngôi nhà cao 5-6 tầng, những nhà máy, nhà thờ... mang vóc hình của thời Xô viết được xây dựng vào những năm 1970 - 1980... Thỉnh thoảng, trên đường lại bắt gặp những chiếc ô tô U oát huyền thoại từng xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam trước đây.

Đất nước Nga rộng lớn có tới 97 dân tộc sinh sống nhưng chỉ có khoảng 1.650 người thiểu số Saami sống trên bán đảo Kola ở miền Bắc nước Nga, một khu vực của biển Barents gần biên giới với Phần Lan và Na Uy. Những nhóm người Saami khác quần cư ở các vùng phía Bắc Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Người Saami từ lâu đã có mô hình định cư và cuộc sống khá khác biệt so với những chủng tộc khác. Dù chỉ có khoảng 1.650 người nhưng cộng đồng thiểu số này lại có ngôn ngữ và chữ viết riêng biệt. Họ mặc những bộ quần áo truyền thống rực rỡ sắc màu.

Ông Vitaly Krut, đại diện quản lý làng Saami cho biết, trên mỗi chiếc mũ của người phụ nữ Saami có rất nhiều thông tin, giống như một tờ lý lịch trích ngang, từ gia thế cho đến sinh sống ở đâu, đã có chồng hay còn độc thân. Trước đây, người Saami chỉ được lấy lẫn nhau, có thể là Saami ở Nga, Na Uy, Phần Lan... nhưng sau này cho phép kết hôn với người thuộc các dân tộc khác. “Người Saami theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ?” - Tôi hỏi. Vitaly cười tươi: “Bình đẳng, đàn ông hay đàn bà đều có trách nhiệm như nhau”.

Trải nghiệm làm dân Saami

“Saami chào đón các bạn, tuy nhiên, các con vật ở đây không phải lúc nào cũng thân thiện. Làng có nhiều chó sói, chó Husky (một loại chó chuyên sống ở vùng Bắc Cực - phóng viên) và tuần lộc. Lưu ý là chó Husky rất thích chơi với người nhưng lại hay ăn trộm găng tay, mũ... rồi bỏ chạy; không được thò tay vào miệng chó sói vì sẽ rất nguy hiểm; tuần lộc hiền lành, không cắn người bởi chúng không có răng. Tuy nhiên, khi cho tuần lộc ăn, mọi người lưu ý để đồ ăn thấp vì nếu để tay quá cao, hai chân trước của chúng sẽ nhảy lên đạp thẳng vào ngực, vào mặt người cho ăn tìm điểm tựa để lấy thức ăn. Và nhớ cất điện thoại, ví tiền vào túi có khóa khi đi xe tuần lộc kéo bởi cỗ xe chạy rất nhanh và lắc, đồ đạc có thể bị rơi ra ngoài. Cứ mỗi mùa tuyết tan, người dân địa phương lại nhặt được khá nhiều điện thoại của khách du lịch bị thất lạc” - một người dân Saami hóm hỉnh phổ biến ngay khi chúng tôi vào làng.

Mỗi gia đình người Saami sống trong 4 túp lều khác nhau dành cho 4 mùa... Nhưng riêng túp lều mùa đông là đặc biệt nhất do được phủ kín bằng 80 bộ lông tuần lộc để chống lạnh. Đây cũng là túp lều được sử dụng nhiều nhất do phần lớn thời gian ở Murmansk nói chung và bán đảo Kola nói riêng là mùa đông. Giữa không gian âm vài độ C, bước chân vào túp lều mùa đông thấy ấm sực, hầu như không còn cảm giác lạnh giá bên ngoài. Ông Vitaly Krut bảo, con tuần lộc là tất cả đối với người Saami. Tuần lộc có thể chạy trên tuyết lạnh, bơi trên làn nước lạnh giá, giúp con người vận chuyển hàng hóa; làm thực phẩm; lấy da may quần áo, ủng, găng tay giữ ấm...

Những chú tuần lộc đang nhởn nhơ trên tuyết trắng như hiểu được tiếng người vội vã trở về sau tiếng hô của Vitaly. Chỉ bằng vài mẩu bánh mỳ cho ăn và vài động tác âu yếm là ai cũng có thể vô tư leo lên lưng chúng để nô đùa và biến chúng trở thành "mẫu ảnh". Nhưng nếu chỉ như vậy thì cũng không có gì đặc biệt. Chúng tôi đã không có thời gian để cảm thấy nhàm chán, bởi lúc nào cũng có thứ gì đó khiến mọi người kinh ngạc, từ những triền đất tuyết phủ trắng xóa, đến những trò giải trí độc đáo mà các thành viên trong đoàn chưa từng trải nghiệm, chẳng hạn như chơi cầu trượt bằng băng, đá bóng và kéo co trên tuyết. Trò kéo co và đá bóng về cơ bản giống với cách chúng ta vẫn chơi nhưng khó là ở chỗ là di chuyển và bám trụ trên những mảnh sân được phủ đầy tuyết trơn trượt. Sau mỗi đợt căng mình kéo co, mỗi pha tranh bóng quyết liệt, cả đám người ngã nhào trên tuyết cũng khá là thú vị. Có những lúc, chỉ là bước thôi cũng đã ngã chứ đừng nói là tranh bóng hay kéo co...

Đặc biệt nhất đối với các du khách vẫn là ngồi xe kéo tuần lộc. Những chú tuần lộc kéo xe đi qua những ngôi nhà nhỏ phủ tuyết trắng, với khung cửa đèn vàng lung linh như khung cảnh trong câu chuyện cổ tích có cỗ xe thần kỳ của ông già Noel. Nhưng hãy nhớ là phải bám chặt vào thành xe kẻo bị ngã nhào khi tuần lộc vào cua. Mà có ngã nhào trên tuyết cũng chả sao bởi nền tuyết tuy lạnh nhưng khá êm ái, luôn nhắc nhở bạn về những khoảnh khắc đáng nhớ ở Saami, ngôi làng cổ tích...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Saami - ngôi làng cổ tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.