Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: “Quả ngọt” cho ai?

Trà My| 26/10/2010 07:37

(HNM) - Theo số liệu của Viện Tư vấn phát triển (CODE, thuộc Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam), dù được đầu tư cao hàng thứ năm nhưng hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng đóng góp vào tăng trưởng GDP (tỷ số giữa GDP do ngành khai khoáng đóng góp/tổng đầu tư cho ngành khai khoáng) thấp hơn nhiều ngành kinh tế khác.

Cụ thể: năm 2000, tỷ số này là 4,44 lần; năm 2008 là 2,59 lần; đứng thứ 6 (năm 2000) và thứ 8 (năm 2008) so với hiệu quả đầu tư của các ngành kinh tế và lĩnh vực khác.

Suy ngẫm từ quặng titan

Theo GS-TSKH Đặng Trung Thuận (Hội Địa hóa Việt Nam), việc khai thác titan đang diễn ra sôi động trên cồn cát ven biển từ tỉnh Hà Tĩnh đến Bình Thuận. Thông báo gần đây của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, tại Bình Thuận, trữ lượng titan có thể đạt từ 600 triệu tấn trở lên. Số liệu này mới nghe thì mừng nhưng ngẫm lại sẽ rất lo vì nhiều lẽ: Hiện chưa có đủ tài liệu địa chất để khẳng định điều đó là hiện thực và thực tế khai thác tại Bình Định cho thấy, hàm lượng quặng titan trong cồn cát biến động lớn. Do đó, con số 600 triệu tấn titan trong cát đỏ Bình Thuận là thực hay ảo còn chưa rõ ràng… Trong đó, việc khai thác titan gây tác động nhiều mặt đến tài nguyên, môi trường và sinh thái, đe dọa tính bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển.

Khai thác titan là một trong những nguyên nhân gây sa mạc hóa.

Tại Bình Định hiện nay có 33 doanh nghiệp tham gia khai thác titan, đạt công suất gần 740.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định cho biết, khai thác titan kiểu "dễ làm, khó bỏ", công nghệ lạc hậu ở tỉnh này tiếp tục diễn biến phức tạp, gây mất trật tự trị an ở nhiều địa phương. Nguyên nhân có nhiều, song mấu chốt chính là việc một số doanh nghiệp chạy theo sản lượng và lợi nhuận, không thực hiện nghiêm các quy trình bảo vệ môi trường như đã cam kết.

GS-TSKH Đặng Trung Thuận cho biết thêm, hệ số thu hồi tài nguyên khi khai thác titan tại miền Trung rất khác nhau. Một số doanh nghiệp chẳng những không thể thu hồi titan ở mức hàm lượng thấp (<1,5%) mà còn bỏ sót một số thân quặng, không đủ điều kiện chế biến sâu để thu hồi được các khoáng vật đi kèm, dẫn đến lãng phí tài nguyên khi phải bán quặng ở dạng nguyên liệu thô. Tuy nhiên, các công ty khai thác khoáng sản (KTKS) vẫn ưu tiên xuất khẩu quặng thô với lý do lãi thực sẽ nhiều hơn, còn chế biến sâu sẽ tốn kém mà thuế suất vẫn giữ nguyên như khi xuất quặng. Bài toán lợi ích có thể tính ngay được khi lợi nhuận sẽ thuộc về phía doanh nghiệp chứ không phải cộng đồng.

Vì cái lợi nhãn tiền, trong khi công nghệ chế biến khoáng sản không phát triển kịp tốc độ khai thác khiến nhiều vùng ven biển bị sa mạc hóa. Điều này đang xảy ra tại tuyến đường quốc phòng trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Trước đây nơi này là cồn cát bạt ngàn thảm cây tràm gió, lưu giữ nước ngầm cho cư dân nông nghiệp phía nội đồng và dân làng chài phía biển, thì nay đã thành vùng đất hoang mạc với cát trắng và gió khô nóng. Nếu những cuộc tàn sát tài nguyên bằng cách nào đó vẫn diễn ra không ngơi tay thì viễn cảnh sinh thái giống như hai địa phương nêu trên sẽ trở thành thực tế không xa đối với nhiều vùng khai thác khoáng sản khác.

Đi tìm giá trị thật

Điểm cốt lõi trong bài toán KTKS hiện nay là giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người dân địa phương. Người dân được hưởng lợi gì từ những công trình phúc lợi công cộng do các doanh nghiệp KTKS đầu tư cho họ, cũng như từ kinh doanh dịch vụ "ăn theo"… thì chưa có thống kê cụ thể. Nhưng đóng góp từ hoạt động KTKS qua các khoản thuế, phí cho Nhà nước sẽ góp phần trả lời câu hỏi: "Quả ngọt" đang giành cho ai?

TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết, nguồn thu thuế tài nguyên trong giai đoạn 2004-2008 có xu hướng giảm dần. Cụ thể: tổng thu thuế tài nguyên năm 2004 là 31.830,4 tỷ đồng nhưng đến năm 2008 chỉ còn 17.346 tỷ đồng. Đáng lưu ý là, 97,5% nguồn thu này thuộc về đóng góp của ngành dầu khí… Rõ ràng, có sự bất hợp lý đằng sau những con số này khi số doanh nghiệp KTKS tăng lên, điểm mỏ nhiều hơn nhưng nguồn thu "teo" lại. "Việc thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong KTKS còn bất cập. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa triển khai thu phí bảo vệ môi trường" - Thạc sỹ Phan Thị Tường Vi (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện CODE cho biết, năm 2008, tổng lao động trong ngành khai khoáng khoảng 431.000 người, chiếm 0,96% tổng số lao động đang làm việc của cả nước. Tuy tạo nhiều việc làm nhưng thực chất chỉ có dưới 50% lao động có việc làm ổn định… Thực tế, các doanh nghiệp có quan tâm ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương nhưng số lượng không nhiều với lý do trình độ kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, lợi ích cộng đồng từ KTKS hiện vẫn gắn liền với lợi ích Nhà nước thông qua việc trích lại từ nguồn thu hoạt động khoáng sản.

Trong khi đó, tài liệu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature, thuộc Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) cho thấy, doanh nghiệp KTKS đóng thuế rất hạn chế đối với ngân sách địa phương. Tỉnh Điện Biên là một ví dụ: Năm 2008, hơn 30 doanh nghiệp chỉ đóng góp 14,562 tỷ đồng các loại phí, thuế, chiếm 0,4% GDP của tỉnh này. Con số thống kê công bố của Kon Tum và Đắc Nông cũng cho thấy tình trạng trên: năm 2008, đóng góp của ngành khai thác mỏ vào GDP rất ít, chỉ là 0,36% đối với Kon Tum và 0,24% với Đắc Nông.

Xét trong toàn bộ bức tranh KTKS, dân bản địa là người trực tiếp giữ rừng và nguồn TNKS trong lòng đất nhưng ít được hưởng lợi từ "rừng vàng" nhất. Khảo sát của PanNature tại khu vực mỏ sắt xã Tân Pheo (Đà Bắc, Hòa Bình) cho thấy, phần lớn dân nơi đây không được cung cấp thông tin chính xác về dự án này. Họ không được tham vấn ý kiến khi doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất và lắp đặt các dây chuyền mới. Sự thiếu minh bạch khi tiến hành KTKS đang diễn ra ở nhiều điểm mỏ quy mô vừa và nhỏ đã tước đi cơ hội để người dân góp ý và giám sát các dự án khai khoáng.

Thu nhập của công nghiệp khai khoáng chiếm khoảng 8,93%-10,59% trong giai đoạn 2000-2008 và giữ vị trí thứ 4 so với đóng góp của các ngành kinh tế và lĩnh vực khác (xếp sau công nghiệp chế biến, nông, lâm nghiệp, thương nghiệp). Tốc độ tăng trưởng ngành khai khoáng trung bình là khoảng 15,2%/năm, trong giai đoạn 2000-2008.

Nguồn: Viện Tư vấn phát triển
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: “Quả ngọt” cho ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.