(HNM) - Tình trạng hoạt động phân tán các tổ chức cộng sản ảnh hưởng không nhỏ đến sự đi lên của cách mạng. Một yêu cầu thực tế đặt ra của lịch sử là phải sớm thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất của giai cấp vô sản. Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là tiền đề để Đảng bộ Hà Nội được thành lập, phát triển, đưa phong trào cách mạng tiến lên giành chính quyền thành công.
Tập trung củng cố tổ chức và thu hút quần chúng
Sau sự kiện quan trọng đó không lâu, ngày 17-3-1930, tại 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Việc thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, biểu hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng và đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội - thời kỳ có sự lãnh đạo trực tiếp của đội tiên phong của giai cấp công nhân.
Sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội và cao trào cách mạng 1930-1931 khắp cả nước đã tác động sâu sắc đến Hà Đông, Sơn Tây. Tại Sơn Tây, đồng chí Hoàng Văn Năng (đảng viên Đảng bộ Hà Nội) đã bắt mối vào số học sinh người Thượng Hiệp và các làng xung quanh đang học tại Ngọc Tảo để gây dựng phong trào. Ở Hà Đông, trong khi tổ Nông hội đỏ ở Kim Hoàng (nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) tích cực hoạt động thì đầu năm 1930, tổ chức Đảng ở Hà Nội đã cử cán bộ về đây xây dựng tiếp tổ chức quần chúng thứ hai, gọi là Xích tổ. Tháng 5-1930, theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Chi bộ Đảng Thanh Trì được thành lập gồm 6 đảng viên, do đồng chí Phạm Gia làm Bí thư.
Cùng với củng cố và phát triển tổ chức, giai đoạn 1930-1932, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân, nông dân đã nổ ra, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền, phát huy ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng được tổ chức với các hình thức phong phú. Trước tình hình trên, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố trắng ác liệt. Nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy đã bị bắt; phong trào ở Kim Hoàng tạm lắng.
Bất chấp sự đàn áp của kẻ thù, hòa với phong trào toàn quốc mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Đảng bộ Hà Nội đã ra sức tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng; tôi luyện đội ngũ đảng viên và lực lượng cách mạng. Đến những năm 1934-1935, cơ sở và hệ thống tổ chức Đảng từng bước được phục hồi.
Tháng 8-1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí khác đã họp tại một địa điểm ở huyện Gia Lâm để bàn kế hoạch phục hồi, phát triển Đảng. Hội nghị chủ trương thành lập cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội, lấy tên là Ủy ban Sáng kiến. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Sáng kiến, nhiều thanh niên yêu nước từ các huyện gần Hà Nội như Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ đến những vùng xa hơn ở Ứng Hòa, Mỹ Đức… hăng hái ra Hà Nội tìm đến các tờ báo công khai, tìm gặp các chiến sĩ cách mạng có uy tín mới ở nhà tù về. Nhiều học sinh, thợ thủ công học tập, làm việc ở Hà Nội cùng truyền tin tức, sách báo dân chủ về địa phương. Nhờ đó, phong trào cách mạng ở tỉnh Hà Đông đã phát triển ra nhiều vùng, nhiều làng, như: Trầm Lộng, Đục Khê, Yến Vĩ, Đốc Tín (Ứng Hòa, Mỹ Đức); Tranh Khúc, Đông Phù (Thanh Trì)...
Tháng 3-1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp làm Bí thư. Năm 1938, cơ quan lãnh đạo của Thành ủy được kiện toàn, đồng chí Trần Quý Kiên (tức Đinh Xuân Nhạ) làm Bí thư Thành ủy. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, phong trào đấu tranh của công nhân trong năm 1938 tiếp tục phát triển mạnh. Đáng chú ý, Ngày Quốc tế lao động 1-5-1938 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ở Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, vượt qua sự kiểm duyệt của thực dân Pháp, tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô), một cuộc mít tinh công khai với sự tham gia của 25.000 người đã được tổ chức trọng thể. Đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân đã công khai vạch trần chính sách bóp nghẹt tự do dân chủ, đàn áp bóc lột của chính quyền phản động thuộc địa và đòi thực hiện những yêu sách của nhân dân. Đây là đỉnh cao nhất trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương của Đảng ở Hà Nội và cả nước.
Không ngừng lớn mạnh, tiến tới giành chính quyền
Tháng 10-1940, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định tách Chi bộ Đa Phúc ra khỏi Thành ủy Hà Nội để thành lập Đảng bộ tỉnh Sơn Tây, do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng ở Sơn Tây có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tại Hà Nội, dù cho giặc Pháp khủng bố, đàn áp dã man nhưng trong năm 1940, phong trào cách mạng vẫn sôi nổi, tổ chức cơ sở Đảng được mở rộng.
Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trung tuần tháng 5-1945, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc; quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh hội (Mặt trận Việt Minh), nhằm đoàn kết và động viên mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do của toàn thể dân tộc.
Hà Đông là nơi cán bộ Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ thường xuyên qua lại nên Đảng bộ sớm tiếp nhận được tinh thần mới của Đảng, trong đó làng lụa Vạn Phúc là cơ sở thành lập Mặt trận Việt Minh sớm nhất (tháng 11-1941).
Ở Hà Nội, mặc dù kẻ thù điên cuồng khủng bố, bắt bớ cán bộ chủ chốt, nhưng Ban Cán sự đảng Hà Nội thường xuyên được Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ trực tiếp chỉ đạo, tái lập. Tháng 4-1943, đồng chí Lê Quang Đạo được Xứ ủy điều về làm Bí thư Đảng bộ Hà Nội.
Sang năm 1944, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến thuận lợi cho cách mạng trong nước. Từ tháng 10-1944, Xứ ủy quyết định mở rộng vùng An toàn khu ở Hà Đông - Sơn Tây để làm hậu thuẫn vững chắc, chuẩn bị lực lượng chính trị sâu rộng cho cuộc tổng khởi nghĩa ở Bắc Bộ mà Hà Nội là tâm điểm.
Tối 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12-3-1945, tại làng Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp mở rộng đã thay khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bằng “đánh đuổi phát xít Nhật”. Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngay sau đó, Xứ ủy đã bổ sung nhiều cán bộ cho Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Ở Hà Đông, từ trung tuần tháng 3-1945 trở đi, toàn tỉnh đã dấy lên một phong trào cách mạng sôi động. Ở Hà Nội, song song với việc đẩy mạnh hoạt động của Mặt trận Việt Minh, Thành ủy chú trọng xây dựng lực lượng bán vũ trang ở cả nội, ngoại thành, chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Đầu tháng 8-1945, phát xít Nhật đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn và đến ngày 15-8-1945 thì đầu hàng đồng minh. Trước đó, do chủ động nắm tình hình, đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Tối 14 và ngày 15-8-1945, Xứ ủy Bắc kỳ họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi 10 tỉnh ở Đồng bằng Bắc Bộ thuộc quyền chỉ đạo của Xứ ủy. Đồng thời, tiến hành khởi nghĩa trước ở làng Vạn Phúc và huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Đông), phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Riêng với Hà Nội, việc khởi nghĩa phải được cân nhắc kỹ vì ở đây có hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng.
Sáng 16-8-1945, tại nhà số 101 phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), đồng chí Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy triệu tập cuộc họp với Thành ủy để phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy về thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban Khởi nghĩa) do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch. Ngay sau đó, Ủy ban Quân sự cách mạng họp và nhất trí phải xúc tiến khởi nghĩa ở Hà Nội.
Ngày 17-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội, quần chúng đã biến diễn đàn của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và từ kinh nghiệm cuộc biểu tình ngày 17-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 19-8-1945, cả Hà Nội vùng dậy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch. Tối cùng ngày, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh làm chủ thành phố. Sau đó không lâu, cuộc khởi nghĩa ở Hà Đông, Sơn Tây cũng giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây đã tác động trực tiếp và góp phần quan trọng nhất vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vào ngày 2-9-1945.
(TheoCác kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội)
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.