Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Phải “lột xác” theo cơ chế thị trường

Chí Đạo - Thu Hằng| 14/12/2010 07:22

(HNM) - Trong khó khăn đã xuất hiện một số HTX năng động, sáng tạo, vươn lên điều hành sản xuất, tổ chức tốt các khâu dịch vụ, đạt kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.


Cùng điểm xuất phát như hàng trăm HTX nông nghiệp khác, nhưng với cách làm sáng tạo, mạnh dạn, nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả. HTX Dương Liễu (Hoài Đức) đã liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Viwaseen xây dựng nhà máy cấp nước sạch cho 3 xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Phi Đức cho biết, liên doanh, liên kết là hình thức xã hội hóa giữa HTX và doanh nghiệp để góp vốn đầu tư xây dựng và quản lý công trình phục vụ người dân. HTX Liệp Tuyết (Quốc Oai) làm dịch vụ sản xuất giống lúa nguyên chủng trên 50ha để bán cho Công ty Giống cây trồng trung ương. HTX Văn Đức (Gia Lâm) đã quy hoạch 50ha sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, hợp đồng với Công ty TNHH Hương Cảnh đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, gắn sản xuất với chế biến, tăng giá trị sản phẩm, thu nhập trên 1ha canh tác đạt 800 đến 900 triệu đồng/năm.

Ở một điều kiện khác, HTX Dịch vụ nông nghiệp Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) lại có hướng đi thích hợp dù ban đầu cũng gặp khó khăn về cán bộ, thiếu vốn, diện tích đất nông nghiệp giảm, xã viên "chán ruộng"… "Thôn Triều Khúc còn 100ha đất nông nghiệp, nếu chỉ trông vào dịch vụ nông nghiệp thì HTX chỉ có con đường "chết". Dựa vào lợi thế ven đô, chúng tôi làm 3 dịch vụ mang tính đặc thù gồm cấp nước sạch, trông giữ xe ô tô, xây dựng nhà trọ cho thuê và ngoài ra còn có dịch vụ điện. Doanh thu của HTX năm 2010 đã đạt 23,5 tỷ đồng và trong năm nay, HTX đã trích quỹ phát triển sản xuất miễn toàn bộ phí dịch vụ nông nghiệp cho nông dân" - Chủ nhiệm Triệu Đình Nhã chia sẻ. Nhờ hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả nên thu nhập bình quân của cán bộ, người lao động trong HTX (33 người) đạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Đáng mừng hơn là 24 nghìn người dân Triều Khúc được thụ hưởng các dịch vụ ổn định, chất lượng do HTX mang lại.

Ngoài những HTX kể trên, những cái tên như HTX Đại Đồng (Thạch Thất), HTX An Mỹ (Mỹ Đức), HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (Hoàng Mai), HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (TX Sơn Tây), HTX Chăn nuôi Mỹ Hà (Mỹ Đức)… cũng là những đơn vị biết vượt khó khăn, vươn tới thành công. Nguyên nhân thành công của những HTX này chính là nhờ đã biết "lột xác", tiếp cận cơ chế thị trường, chăm lo điều hành sản xuất, biết tổ chức các khâu dịch vụ cần thiết để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đổi mới cán bộ, hoạt động đa dạng, tổng hợp


Theo định hướng phát triển HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đến năm 2020, Hà Nội kiên quyết giải thể những HTX hoạt động hình thức, hiệu quả kém. Yêu cầu đặt ra là các HTX phải khẩn trương củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng đa ngành và tổng hợp, vừa làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển chế biến, sản xuất, tổ chức tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đời sống… Khuyến khích phát triển HTX chuyên ngành như rau sạch, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản… (hiện Hà Nội mới có 44 HTX chuyên ngành, nhiều nhất là rau an toàn với 24 HTX); mở rộng kinh doanh những ngành nghề xã hội có nhu cầu như nhà ở cho thuê, vệ sinh môi trường, dạy nghề… Hợp nhất HTX quy mô nhỏ thành HTX quy mô lớn (xã, liên xã và vùng) trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện để có năng lực triển khai hoạt động kinh tế, đa dạng hóa dịch vụ và sản xuất, kinh doanh. Hình thành các liên hiệp HTX quy mô huyện, tỉnh và khu vực nhằm liên kết, hỗ trợ HTX thành viên trong quy hoạch sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư chế biến, dự trữ, cung ứng vật tư, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm. Đề án của TP đặt mục tiêu mỗi năm sẽ có từ 10 đến 15 HTX thành lập mới (HTX chuyên ngành khuyến khích phát triển) và HTX liên hiệp theo vùng, lĩnh vực. UBND TP chỉ đạo những HTX đang có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, cơ sở dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa được giao đất làm thủ tục xin giao đất. Ngoài ra, từng bước hoàn thiện thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm chợ nông thôn, hệ thống đại lý dịch vụ bán lẻ nguyên vật liệu cho sản xuất, tiêu dùng; nâng cao trình độ dự báo nhu cầu thị trường để định hướng cho HTX đúng loại sản phẩm cần sản xuất cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ để huy động nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh như chính sách sử dụng đất đai, chính sách tín dụng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết, mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp là tập trung nâng cao khả năng thích nghi trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó chất lượng đội ngũ cán bộ sẽ được chú trọng. Trong đề án phát triển HTX, TP đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 70% cán bộ chủ chốt HTX được đào tạo, trong đó có 50% trình độ từ cao đẳng trở lên; 100% cán bộ được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Theo đó từ nay đến năm 2015, Sở NN&PTNT tổ chức 85 lớp đào tạo và 158 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho hàng nghìn cán bộ HTX. Ngoài ra, sẽ thí điểm đào tạo nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cho cán bộ HTX có nhu cầu. Về nguồn vốn, sẽ hỗ trợ các HTX mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh với kinh phí 10 triệu đồng/ngành nghề. Cũng theo ông Tâm, vai trò của HTX cũng từng bước được nâng cao trong giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, tăng cường tình làng nghĩa xóm và đoàn kết cộng đồng. Trước mắt, cần đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng vùng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung; đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; thường xuyên tổ chức hội chợ, quảng bá giới thiệu sản phẩm chủ lực của các HTX.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Phải “lột xác” theo cơ chế thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.