Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nơi xử lý - Bài toán nan giải

Nhóm PV NN-NT| 11/05/2010 07:11

(HNM) - Theo thống kê của Sở NN&PTNT, khu vực ngoại thành Hà Nội mới có khoảng 80% số xã, thị trấn thành lập được tổ thu gom rác. Tuy nhiên, trong số 361/435 xã, thị trấn có tổ thu gom rác mới có 148 xã, thị trấn rác được chuyển đến khu xử lý còn lại chủ yếu chôn lấp đơn thuần hoặc đổ ra các bãi đất trống, rìa làng.

Rác thải lấp kín lòng mương ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. ảnh: Đức Nghiêm


Thừa rác, thiếu bãi đổ
Hà Nội có 4 khu xử lý rác thải tập trung lớn là Xuân Sơn (Sơn Tây), Nam Sơn (Sóc Sơn), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Núi Thoong (Chương Mỹ), tuy nhiên đến nay có tới 3 bãi rác sắp đầy. Cụ thể, bãi rác Nam Sơn sẽ được lấp đầy vào năm 2011, bãi rác Xuân Sơn hiện cũng đã lấp đầy 10/11 ô chôn lấp... Thiếu nơi tập kết rác, các khu xử lý thì quá tải đã dẫn đến tình trạng chất thải rắn tồn đọng tại nơi tập kết, nơi trung chuyển cũng như ở các điểm tự phát gây ô nhiễm môi trường, kéo theo vô vàn bức xúc trong nhân dân. Thạch Thất là huyện có tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN) nhanh và có nhiều làng nghề. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện, mỗi năm, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 25.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay mới giải quyết được lượng rác thải phát sinh hằng ngày, còn hàng chục nghìn tấn rác thải tồn đọng từ nhiều năm trước chưa được xử lý. Tại các xã Hữu Bằng, Bình Phú, thị trấn Kim Quan… rác không được thu gom tràn ngập trong các đường làng, ngõ xóm... Các vùng nông thôn thiếu quy hoạch điểm tập kết nên người dân không biết đổ rác ở đâu.

Theo ông Vương Duy Hướng, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, tổng lượng chất thải rắn hằng năm trên địa bàn huyện khoảng 154 nghìn tấn, trong đó có hơn 122 nghìn tấn chất thải từ các cơ sở sản xuất CN, TTCN và 32 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Đối với chất thải sinh hoạt, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các điểm chôn lấp rác tạm thời và điểm trung chuyển rác theo các thôn, cụm dân cư đến năm 2010 là 22,03ha. Nhưng đến nay, diện tích bãi chôn lấp rác mới đạt 7,69ha, hiệu quả của các công trình lại chưa cao; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác gặp nhiều khó khăn do khối lượng chất thải làng nghề lớn, chưa được thu gom, vận chuyển và vẫn còn 5 xã An Thượng, An Khánh, Di Trạch, Vân Canh, La Phù chưa có bãi chôn lấp rác.

Theo Sở TN-MT Hà Nội, ở khu vực Hà Tây (cũ) mới chỉ có một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ... ký được hợp đồng với các đơn vị thu gom rác, những đơn vị còn lại không những chưa có bãi tập kết rác mà còn không được thu gom, vận chuyển về khu xử lý.

Rác ứ đọng ở gần bãi rác Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.


Không để tình trạng "cha chung ai khóc"
Sau trận lũ lụt lịch sử vào cuối năm 2008, rác ở các vùng ngập úng thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội "chất cao như núi", Sở TN-MT đã đề nghị thành phố hỗ trợ việc thu gom, xử lý rác tại các địa phương úng lụt đi qua. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cấp 8 tỷ đồng cho công tác này, tuy nhiên khi Sở TN-MT thỏa thuận với Sở Xây dựng về việc đổ rác vào các khu xử lý tập trung của thành phố thì không được sở này chấp thuận. Cuối cùng, công việc đành phải bỏ dở. Nói về sự cố trên, ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) lý giải: Nguyên nhân do việc quản lý trong lĩnh vực môi trường đang có sự chồng chéo giữa nhiều sở, ngành. Vì vậy, nhiều khi rác thải nông thôn rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc". Ông Nguyễn Văn Lưỡng kiến nghị: Thành phố nên giao việc quản lý về lĩnh vực môi trường nông thôn cho một ngành đảm nhận, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ môi trường.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, hiện công tác quản lý vệ sinh môi trường liên quan đến nhiều sở, ngành. Hiện tại, việc quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường nông thôn, TP đang giao cho Sở NN&PTNT nhưng xây dựng các điểm tập kết rác tập trung lại do Sở Xây dựng; Sở TN-MT chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường khu vực nông thôn... Do việc phân cấp chồng chéo đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên.

Ngoài những khó khăn do chồng chéo trong quản lý vấn đề xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở nông thôn cũng khá nan giải. Nguyên nhân là do chính quyền cơ sở chưa nghiêm, còn nể nang người trong làng, trong xã nên không xử phạt và hầu hết các xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường. Theo Sở TN-MT, tháng 10-2009, UBND TP Hà Nội đã có quyết định quy định mỗi xã có một cán bộ chuyên trách về môi trường và mỗi quận, huyện có 3 cán bộ môi trường. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chưa được thực hiện triệt để, hầu hết các quận, huyện, thị xã mới chỉ có một cán bộ theo dõi về môi trường; còn ở cấp xã thì cán bộ địa chính - xây dựng kiêm nhiệm luôn công tác BVMT nên việc triển khai các hoạt động BVMT gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nơi xử lý - Bài toán nan giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.