Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những đứa trẻ “sống” cùng game online

Tiến Thành| 18/11/2015 06:16

(HNM) - Mê mẩn sống trong thế giới ảo, những con nghiện game, thường là giới trẻ tìm mọi cách để có tiền nuôi nhân vật và chơi game. Từ đó, xảy ra nhiều hệ lụy đau lòng gây lo lắng cho toàn xã hội.


Hệ lụy từ thế giới "ảo"

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 12 triệu người chơi game online, trong đó 70 - 80% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 15. Số người chơi, nghiện game ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt. Với trẻ em nhỏ độ tuổi nêu trên, chơi game thường xuyên tác động không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, tâm sinh lý, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Đang từ học sinh giỏi, sau vài năm chơi game, Khánh (15 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) chỉ còn đạt học lực trung bình. Sau giờ chiều đi học về, Khánh ăn cơm, tắm rửa rồi dành khoảng thời gian từ 19 đến 23h cho các quán game công cộng. Khi hỏi lấy tiền đâu để đi chơi game, Khánh lí nhí trả lời rằng đó là tiền còn dư lúc đi học. Được biết, tiền chơi game bèo nhất tại các quán game trong TP Hồ Chí Minh vào khoảng 7 nghìn đồng/giờ, như vậy trong thời gian 2 năm, từ năm lớp 7 đến nay cậu bé này đã nướng vào game không ít tiền học… Lý giải việc dễ dàng đi chơi vào thời gian những bạn khác ở nhà ôn bài, cho biết em ở với mẹ và dì nên có thể dễ dàng "qua mặt" vì những lý do khác nhau. Chiếc máy tính trở thành thân thiết với em hơn những người ruột thịt. Khánh cũng chia sẻ về ước mơ, nhưng ước mơ đó cũng gắn liền với chiếc máy vi tính, cậu bé muốn trở thành một chuyên gia về IT.

Game online mang đến nỗi buồn cho nhiều phụ huynh.



Phi Hùng (17 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) có dáng người dỏng cao, gầy gò, kinh nghiệm chơi game đã được 4 năm và gia đình có điều kiện hơn những học sinh khác. Cậu có một dàn máy tính xịn ở nhà và bất kể lúc nào cũng có thể hòa nhập vào thế giới ảo, có những thời điểm cậu ngồi lì gần nửa ngày bên máy tính. Thỉnh thoảng, Hùng cũng cùng bạn bè đến những tụ điểm game để chơi những tựa game hot nhất hiện nay như Liên minh huyền thoại hay FiFa Online 3. Để nhân vật có được đồ khủng, sử dụng những kỹ năng đẹp mắt có sát thương cao, mỗi tháng cậu tiêu tốn khoảng 4-5 trăm nghìn đồng nạp thẻ mua đồ. Khoản tiền đó, cậu bịa ra những lý do như đi chơi với bạn, mua đồ hoặc thậm chí cả tiền đi học. Với khoảng thời gian trung bình 10 tiếng mỗi ngày để chơi game, Hùng trở thành một con nghiện thực thụ. Em cho biết bố mẹ có biết việc chơi game của mình, nhưng không bao giờ đánh mắng vì họ bận đi làm cả ngày. Là quý tử của gia đình, Hùng được mọi người chiều chuộng: "Bố mẹ biết việc em chơi game, nhưng càng cấm càng không được, em tìm mọi cách để có thể được chơi. Khi đó em có thể làm mọi việc để được chơi game" - Hùng cho biết.

Từ niềm đam mê, những game thủ nhỏ tuổi bị ảnh hưởng tâm lý từ những game bạo lực, sẵn sàng làm mọi việc để có tiền chơi game, thậm chí không ngại ngần "đồ sát" đối thủ ngoài đời thực. Một điển hình là vụ án game thủ nhí Nguyễn Lâm Thắng Lợi (sinh năm 1999, ngụ tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bị TAND TP Hồ Chí Minh kết án 9 năm tù về tội giết người trong quán game. Nguyên nhân là do bị đối thủ chọc phá, làm phiền khi đang đắm chìm vào thế giới ảo. Hay như đối tượng Lê Trọng Nghĩa (sinh năm 1998, ngụ tại ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, Long An) lên cơn nghiện game, Nghĩa đi trộm tiền, ngày 20-6-2015, trong lúc trộm đồ bị gia chủ phát hiện, Nghĩa dùng dao đâm rồi thản nhiên bỏ mặc nạn nhân.

Khi gia đình bất lực

Đưa quý tử lên TP Hồ Chí Minh "cai nghiện" game mới được 3 ngày, chị Nguyễn Thị Kim Dung (43 tuổi) lại lặn lội hơn 100km từ Gò Công (Tiền Giang) lên trường thăm con. Chị cho biết từ khi xuống học trường điểm ở thị xã Gò Công cũng là lúc gia đình mất kiểm soát đối với cháu. Từng là một học sinh giỏi và ngoan ngoãn những năm cấp 2, nhưng đến năm lớp 10 cháu bị bạn bè rủ rê chơi game nên thành tích học tập sút giảm. Chị và chồng tin tưởng con là học sinh giỏi nên thời gian đầu không để ý đến việc cháu đi chơi game. Đến năm lớp 11, khi con xin đi học thêm, chị Dung đồng ý. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền mà mẹ cho đi học, cháu đã nướng hết vào game. Bằng linh cảm của người mẹ, chị Dung phát hiện con có những biểu hiện kỳ lạ trong sinh hoạt như nói những câu khó hiểu hay ăn ngủ thất thường. Đến các cơ sở mà con chị nói là xin đi học, thì mới tá hỏa khi biết được quý tử không hề đăng ký học. Bắt đầu năm học mới, bà mẹ lại "được" cô giáo chủ nhiệm thông báo mới 1 tháng đầu năm con chị đã nghỉ học đến cả chục buổi. Điều tra thêm, chị Dung phát hiện trong ví tiền của cháu có rất nhiều thẻ game. Tuy đau lòng nhưng vợ chồng chị xin cho cháu nghỉ học đi làm, bởi có học nữa thì cháu càng lún sâu vào thế giới ảo.

Nhận ra việc đi làm vất vả khó khăn, quý tử nhà chị Dung đã tha thiết xin bố mẹ được đi học trở lại sau 1 năm bỏ dở. Thế nhưng ngựa quen đường cũ, cháu lại sa vào game, nghỉ học liên tiếp. Bất lực với con, vợ chồng chị phải liên lạc khắp nơi, thậm chí ra cả ngoài Bắc tìm cơ sở đưa đứa con 18 tuổi đi cai nghiện game. Khi tìm được cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, lập tức đưa cháu lên ngay. Chia sẻ với chúng tôi, chị Dung cho biết gia cảnh cũng không khá giả, nhưng cháu là con trai duy nhất trong gia đình nên cố gắng hết sức để cháu có cuộc sống tốt nhất. Bản thân làm công việc nội trợ nên không thể hiểu những chuyện liên quan đến máy tính hay công nghệ, chồng chị là tài xế quanh năm suốt tháng rong ruổi trên đường, mỗi khi về nhà thương con lại cho con tiền, vậy nên cháu mới có nhiều tiền để chơi game.

Lâm vào hoàn cảnh có con nghiện game, ông bố Nguyễn Văn Nguyên (50 tuổi, ngụ tại Gò Vấp) lo bạc tóc. Khi đứa con trai lớn nhất của ông bước vào cổng Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông vui và hãnh diện bao nhiêu thì bây giờ thất vọng bấy nhiêu. Năm nay đã 20 tuổi, nhưng theo ông Nguyên, cháu đã hoàn toàn mất kỹ năng sống, ý thức về bản thân, về gia đình và một phần nhân cách của cháu bị hủy hoại. Cháu ham mê game Liên minh huyền thoại đến mức bỏ đi đến gần cả tháng, thậm chí không đi tìm thì cháu cũng chưa chắc đã trở về. Gia đình cũng có sơ hở khi quản lý tiền bạc, khi cháu quá ham mê game đã mở khóa tủ lấy trộm tiền. Khi phát hiện ra con nghiện game, ông cũng đe nẹt, nhưng không biết gì về việc con chơi game như thế nào nên khó có thể nắm bắt được tâm lý của cháu. Ông Nguyên cho rằng, khi các cháu học phổ thông, mối liên kết giữa gia đình và nhà trường còn chặt chẽ để có thể quản lý, khi bước sang môi trường đại học thì khác, cháu cũng đã lớn, gia đình không thể quản lý được nữa. Ông Nguyên đi làm xa, cả tháng mới về được một lần, ông cũng đã cố gắng làm bạn với con, nhưng con ông ngày càng lún sâu vào game. Mẹ cháu tuy ở nhà với con nhưng cũng không biết cháu làm gì, chơi gì, để đến khi biết được cháu lún sâu vào game thì đã quá muộn. Ông Nguyên cho biết khi cháu sang năm thứ hai đại học đã nợ đến gần chục môn, không còn khả năng trả nợ nên phải nghỉ. Đưa con đi cai nghiện game, ông Nguyên chỉ mong muốn cháu thoát khỏi cơn mộng mị để quay về với gia đình.

Bất lực khi con cái chơi game, ngoài những trường hợp đưa con đi cai nghiện, nhiều ông bố bà mẹ đã chọn phương pháp "mạnh" để răn đe tại gia. Bởi vậy, nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra, như vụ việc mẹ dùng xăng đốt con vì trốn học đi chơi game tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) vào cuối tháng 9 vừa qua. Để vấn nạn game không ăn mòn, phá hoại thế hệ tương lai của đất nước, không chỉ mong đợi những biện pháp từ gia đình và một vài cơ sở cai nghiện. Cần phải có sự chung tay của toàn xã hội để hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy gây ra từ thế giới "ảo".
* Tên nhân vật đã được thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những đứa trẻ “sống” cùng game online

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.