(HNM) - Scandal, chiêu trò dung tục, cung cách ứng xử xa lạ với truyền thống văn hóa của người Việt... ngày càng dễ thấy trong một số chương trình truyền hình thực tế. Vì lợi nhuận mà chương trình mang lại, có lúc chiêu trò phản cảm được hợp thức hóa...
Có xứng với "giờ vàng"?
Năm 2013, chương trình truyền hình thực tế có bản quyền của Mỹ - "Big Brother" được đưa vào Việt Nam, tạo sự hoài nghi trong giới truyền thông và khán giả. Người ta hoài nghi là bởi "Big Brother" ngay khi thực hiện tại một đất nước có nền văn hóa cởi mở, phóng khoáng như Mỹ cũng không tránh khỏi tai tiếng với vô số tình huống gợi liên tưởng tới quan hệ đồng giới, sex… Vì sự nhạy cảm khó lường ấy mà "Big Brother" là một trong những chương trình được cảnh báo có thể gây thiệt hại cho nhà sản xuất. Biết trước là tình huống xấu có thể xảy ra nhưng "Big Brother" vẫn được một đơn vị tư nhân mua bản quyền và được phía truyền hình đưa lên sóng chương trình chủ yếu dành cho giới trẻ với tên gọi "Người giấu mặt". Chương trình được quảng bá rầm rộ và lên khung "giờ vàng" với khẳng định chắc nịch của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng rằng sẽ tôn trọng diễn biến tâm lý của người chơi nhưng vẫn kiểm soát nhằm bảo đảm cho mọi hành động nằm trong khuôn khổ. Kết quả, "Người giấu mặt" khiến cho không ít khán giả "sốc", tức giận khi một số hình ảnh cho thấy rành rành là nam - nữ thí sinh thản nhiên cởi áo, nude toàn phần thân trên trước ống kính để thực hiện nhiệm vụ giảm cân. Dù sau này cả phía nhà đài và đối tác ra sức xin lỗi nhưng những hành động phản cảm vẫn không thể khiến người xem truyền hình thôi phẫn nộ. Điều đáng nói là những hình ảnh gây sốc này đã được chính đơn vị đảm nhiệm công tác truyền thông về chương trình cung cấp cho báo chí. Mục đích của sự "chủ động" ấy là gì nếu không phải nhằm tạo sức hút cho chương trình?
Ban giám khảo chương trình Giọng hát Việt. |
Sau "Người giấu mặt", người xem truyền hình cũng cảm thấy băn khoăn khi chương trình "Đố ai hát được" được ưu ái sóng "giờ vàng" (20h thứ bảy) dù có nhiều hình ảnh thái quá. "Đố ai hát được" là phiên bản của "Sing if you can" - chương trình giải trí có bản quyền của nước ngoài, không đòi hỏi người chơi dù là ca sĩ phải hát hay, mà chủ yếu là "sống sót" qua những thử thách "xấu xí" do BTC đưa ra như thả người chơi vào chiếc thùng chứa rắn, chuột, ếch, bị giội trứng sống, hắt nước bẩn vào người… Qua hơn 10 số lên sóng, những gì khán giả chứng kiến là cảnh người chơi la lối, thậm chí gào lên vì khiếp sợ. Chưa kể, trong nhiều tình huống, cả người chơi và người của BTC phải ở trần để vượt qua thử thách, khiến người xem ngỡ ngàng. Dù không có những cảnh quay "tệ hại" như ở "Người giấu mặt", song vấn đề là "Đố ai hát được" có xứng với "giờ vàng" hay không?
"Câu" khách bằng mọi giá?
Scandal ở một số chương trình truyền hình thực tế nhiều đến mức gây cảm giác về một thứ công thức thiếu quy chuẩn đang tồn tại mà mục tiêu lớn nhất là làm tăng lượng người xem ở mức có thể, qua đó làm tăng sức nặng trong lời mời gọi quảng cáo. Trước khi lên sóng, phía thực hiện chương trình "Vietnam's next top model 2013" dường như đã có chiến lược PR nhằm vào sự hiếu kỳ của công chúng khi đưa ra nhiều thông tin và hình ảnh thí sinh chuyển giới, đỉnh điểm là hình ảnh "Adam õng ẹo" đi giày cao gót trên sàn catwalk và hôn má chuyên gia trang điểm. Trước đó, chương trình này cũng gây ồn ào khi xuất hiện những cuộc "cãi vã" giữa êkíp giám khảo cũ và mới. Không những vậy, giám khảo nhiều khi đưa ra nhận xét gây sốc, hàm nghĩa xúc phạm thí sinh, kiểu như "làm trang điểm nhục lắm hay sao mà phải thi người mẫu".
Một số chương trình truyền hình thực tế đang được nhớ đến với những vụ tai tiếng đằng sau nó thay vì ý nghĩa giáo dục hay vẻ đẹp nghệ thuật đích thực. Công chúng giờ đây không còn lạ với những vụ lùm xùm phía sau hậu trường của những chương trình truyền hình thực tế. Những vụ thí sinh, thậm chí là những nghệ sĩ đã có tiếng trong giới showbiz nhiếc mắng, cạnh khóe nhau trên facebook chỉ vì hơn kém nhau về điểm số. Diễn viên Hòa Hiệp mắng đạo diễn Lê Hoàng là "ngớ ngẩn" khi tham gia chương trình "Bước nhảy hoàn vũ 2013", nhạc sĩ Lưu Thiên Hương và ca sĩ Mỹ Lệ "va" nhau khi tham dự "Cặp đôi hoàn hảo 2013". Đã có sự lùm xùm quanh kết quả thi, "nổi tiếng" nhất là "nghi án dàn xếp" ở chương trình "Giọng hát Việt 2012" khiến giám đốc âm nhạc Phương Uyên phải thôi việc. Đã có sự băn khoăn trước "lời ra tiếng vào" quanh những người bị loại và những người được vào vòng trong ở "Vietnam Idol", "Giọng hát Việt", "Vietnam's next top model", "Thử thách cùng bước nhảy", lúc này hay lúc khác, đến mức mà khán giả không khỏi nghi ngờ rằng, liệu ban tổ chức có cố tình can thiệp vào kết quả nhằm tạo sự kịch tính hấp dẫn cho chương trình hay không?
Với một chương trình truyền hình thực tế, lượng rating (số người xem) giữ vai trò quyết định để nhà sản xuất thu hút quảng cáo, lôi kéo nhà đầu tư. Mục đích lôi kéo người xem dường như đã trở thành ưu tiên hàng đầu và bởi vậy, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn, người xem dễ dàng cảm nhận được "mánh" riêng ở nhiều chương trình nhằm đạt được mục tiêu nói trên. Có chương trình mà "đặc sản" nổi bật là những giám khảo "luôn tỏ ra nguy hiểm", dù muốn hay không thì những người giữ vai trò "cầm cân nảy mực" cũng phải chịu khó "lên gân", đưa ra những lời nhận xét chát chúa dành cho thí sinh. Có chương trình gây chú ý với khán giả bằng những màn tung hứng khen - chê, người vào vai tốt, kẻ đóng vai ác để kích ứng khán giả. Lại có những chương trình mà ở đó thí sinh phải đảm nhận vai hài để "mua vui" cho người xem… Trong cuộc chơi đầy toan tính mà lợi nhuận giữ vai trò quan trọng, những người trong cuộc như giám khảo và thí sinh buộc phải chấp nhận "nhẩy" theo cách của đạo diễn cho dù trong thâm tâm không phải lúc nào họ cũng thấy thoải mái. Nói vậy là bởi đã có nghệ sĩ bước ra từ chương trình, "lên phây" bóng gió rằng mình chỉ dại một lần mà thôi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.