(HNM) - Ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, lão ngư Nguyễn Thân không phải là
Nhìn con tàu có công suất 800 mã lực sắp đến ngày hạ thủy, nghĩ lại hành trình đôn đáo lo chuyện tiền nong, ông Thân nghĩ: "Sao đời ngư dân lại long đong thế"? Với ông, người có ít nhiều tiềm lực về kinh tế mà còn như vậy, không hiểu những ngư dân nghèo mấy đời dám mơ đủ tiền hiện đại hóa tàu cá để vươn khơi bám biển...
Hành trình lận đận đóng tàu
Nhóm phóng viên Hànộimới đến xưởng đóng tàu của Công ty cổ phần Kỹ thuật biển Stech Đà Nẵng vào quá giờ trưa. Công nhân đã nghỉ, duy chỉ còn một mình ông Thân vẫn cặm cụi bên con tàu gỗ mới đóng. Ông say sưa, kiểm tra kỹ càng từng con vít gắn trên thân tàu. Chỉ đến khi Giám đốc Công ty Hồ Văn Tý đánh tiếng gọi, ông mới ngừng tay tiếp chuyện. Ông nói, "Anh chị thông cảm nghe, với ngư dân bọn tôi thì "con tàu là nhà, biển cả là quê hương".
Gia đình ông Thân đã có ba đời bám biển. Cũng vì mang nặng cái "kiếp tầm ngư" nên ông cùng các con, các cháu quanh năm, suốt tháng chấp nhận cuộc sống lênh đênh trên sóng. Đang là chủ sở hữu đôi tàu có công suất 400 mã lực (ĐNA 90269 TS và 90263 TS), ông Thân vẫn muốn đóng tàu to hơn. Dù ủng hộ nhưng vợ con ông lo lắng vì không biết xoay đâu ra gần 4 tỷ đồng để đóng mới con tàu có công suất 800 mã lực. Ngay khi UBND thành phố Đà Nẵng áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền 800 triệu đồng cho ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn, ông Thân lập tức làm hồ sơ đi vay vốn. Mang sổ đỏ đất ở đến rất nhiều ngân hàng xin thế chấp nhưng người ta đều áp mức vay rất thấp (chưa bằng 1/3 giá trị lô đất). Một sổ không đủ, ông mượn nốt sổ đỏ của gia đình bên nội, bên ngoại đem đi thế chấp ngân hàng. Chạy đi, chạy lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng ông cũng vay được 1,5 tỷ đồng của ngân hàng với lãi suất 15% năm. Dồn tất trong nhà vẫn chưa đủ số tiền hơn 3 tỷ đồng, ông Thân lại mang giấy tờ của 2 chiếc tàu cá đang hoạt động đi làm thủ tục vay. Đến ngân hàng nào người ta cũng lắc đầu nguây nguẩy. Ông Thân thắc mắc, tàu cá thì có khác gì cái ô tô, giá trị của nó cũng tỷ bạc, tại sao ngân hàng cầm cố ô tô mà không cầm cố tàu cá? Không ai trả lời được câu hỏi của ông. Tìm hiểu qua các kênh thông tin, sau này ông Thân mới hay, vì hoạt động đánh bắt xa bờ có quá nhiều rủi ro nên không ngân hàng nào dám cho vay thế chấp bằng tàu cá?!
Nghe người mách nước, đối tượng ngư dân như ông được vay vốn tín chấp tại Ngân hàng chính sách theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, mỗi suất vay tối đa được 50 triệu đồng. Dù chẳng bõ bèn gì nhưng đang lúc bí bách, ông Thân lại lọ mọ đạp xe ra ngân hàng. Hỏi đi hỏi lại, đọc hết toàn bộ nghị định, ông mới ngớ người vì mình không nằm trong diện được vay tín chấp ưu đãi chỉ vì mang hộ khẩu phường. Ông Thân vừa hậm hực vừa thấy lạ về quy định này, tại sao đều là ngư dân, vậy mà người có hộ khẩu ở xã thì được còn ở phường lại không? Tỉnh Quảng Bình có thành phố Đồng Hới, Khánh Hòa có thành phố Nha Trang, Bình Định có thành phố Quy Nhơn, ngư dân đi biển tập trung ở thành phố rất nhiều, quy định như vậy có bất cập?
Biết không thể huy động bằng nguồn vốn chính thống, ông Thân bắt đầu tiếp cận với… tín dụng đen. Người ông tìm đến là các chủ đầu nậu thu mua hải sản. Vì có uy tín, một vài chủ ứng trước cho ông vay mỗi người 50 triệu đồng, với điều kiện khi nào cá cập cảng phải bán cho họ với mức giá ưu đãi. Tiền vay được chuyển cho xưởng đóng tàu chẳng khác nào như muối bỏ biển, ông tiếp tục vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, có chỗ chịu lãi mỗi ngày lên đến 5.000 đồng cho mỗi 1 triệu vay. Ngót nửa năm từ ngày bắt đầu làm thủ tục vay vốn, giờ đây con tàu công suất 800 mã lực đã hòm hòm. Nhưng còn cần hơn 1 tỷ nữa mà ông chưa biết lấy đâu ra. Thắc mắc sao nhiều thế, ông cười phân bua: "vậy là còn hạn chế đấy. Tiền sắm lưới và ngư cụ mất gần 1 tỷ đồng, tiền mua máy dò ngang hết 280 triệu đồng, 4 máy icom, 1 máy định vị vệ tinh... Đó là chưa kể tiền mua nhiên liệu, lương thực dự trữ cho chuyến đi biển đầu tiên cũng mất đứt 200 triệu đồng. Vui vì con tàu sắp hạ thủy, song ông Thân canh cánh nỗi lo. Tính lãi suất ngân hàng và các khoản vay "nóng lạnh" bên ngoài, mỗi tháng ông phải trả lên tới 4 - 5 chục triệu đồng. Tàu còn nằm bờ ngày nào, ông mất ăn mất ngủ ngày đó và chỉ biết cầu mong chuyến ra khơi đầu tiên sẽ thuận buồm xuôi gió.
Bán tàu trả nợ vì thiếu vốn
Khi làm việc với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, chúng tôi hỏi ông Lê Minh Phú, Phó Chi cục trưởng: "Trong tỉnh có ngư dân nào phải bán tàu để trả nợ không"? Ông Phú cười buồn: "Tỉnh nào chả có. Ra khơi có người may mắn làm giàu nhưng cũng không ít người khuynh gia bại sản. Đi biển là thế mà".
Theo chỉ dẫn của ông Phú, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Hồ Văn Trường ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Cách đây chừng dăm năm, ông Trường là ngư dân dày dạn kinh nghiệm đi biển, biết tính toán làm ăn. Thế mà giờ đây, mỗi lần đứng trước biển ông trầm lặng, buồn và có phần u uất. Ông buồn vì phải bán con tàu đi trả nợ, u uất vì nhớ biển nhưng không còn tàu để tiếp tục ra khơi. Cách đây vài năm, ông Trường từng là chủ sở hữu một tàu cá mới loại to của tỉnh Quảng Bình. Chuyến đầu tiên ra khơi, ông phấn chấn biết chừng nào dù khoản nợ ngân hàng vẫn treo lơ lửng. Ra tới ngư trường, ông chỉ đạo chuẩn bị thả lưới. Đúng lúc ấy, một ngư dân dưới hầm tàu hét toáng lên: "Thợ máy bị điện giật chết rồi". Tai ông ù đi. Ông vội bổ nhào xuống hầm thì mọi việc đã muộn. Đi xa tới 4-5 trăm hải lý, chưa bắt được mẻ cá nào, tàu của ông phải quay lại bờ để tổ chức đám tang cho người thợ máy xấu số. Tiền lo hậu sự cho bạn tàu, tiền đã đầu tư cho chuyến đi biển nhưng quay về tay trắng khiến ông rơi vào cảnh cháy túi. Đến tháng, ngân hàng đòi nợ lãi. Không có, ông lại đi vay nóng bên ngoài để đập vào. Lãi mẹ đẻ lãi con, không có tiền, tàu cũng không thể ra khơi, ông rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Dù tiếc đứt ruột, ông đành bán rẻ con tàu để trả nợ, xóa tan giấc mộng làm giàu từ nghề đánh bắt xa bờ.
Gần nửa đời người đi tàu bám biển, có lẽ chưa bao giờ ông Trần Thành Mình (xã Phước Tình, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngờ rằng có ngày ông phải mang bán cả ba con tàu để lấy tiền trả nợ. So với ông Trường ở Quảng Bình thì ông Mình được xếp vào hàng "đại gia". Lúc phát đạt, ông Mình đứng tên chủ sở hữu của 4 con tàu có công suất lớn. Thế rồi trong chuyến đi biển dài ngày, một trong 4 con tàu của ông gặp bão bị sóng đánh chìm. Để gỡ gạc, ông chấp nhận vay nặng lãi để ba con tàu tiếp tục ra khơi. Oái oăm thay, xăng dầu tăng giá, chi phí đầu vào quá cao trong khi ngư trường đang ngày càng cạn kiệt.
Mỗi chuyến tàu ra khơi chi phí hết cả trăm triệu đồng mà lượng hải sản đánh bắt có khi chỉ được 1-2 tấn. Lỗ hết chuyến này đến chuyến khác, ông Mình ôm nợ quá nhiều. Bán 1 con tàu không đủ trả nợ, ông bán đến cái thứ 2, rồi đến cái thứ 3. Thực ra ông không nợ nhiều đến thế nhưng vì lãi mẹ đẻ lãi con. Hơn thế nữa, các con tàu của ông lúc đóng mới có giá hơn 2 tỷ đồng nhưng khi bán chỉ còn một nửa. Ngậm ngùi, cay đắng, ông Mình nhiều lúc chỉ còn biết than thân trách phận. Ông bảo "Giá như ngày đó có vốn, hoặc người ta cho mình vay với lãi suất ưu đãi thì chỉ 3 chuyến đi biển gặp may là có thể xóa nợ... giờ thì mất hết rồi".
Nỗi niềm và ao ước của ông Mình hình như không chỉ của mình ông. Khát vọng có vốn, được vay vốn ưu đãi để vươn khơi bám biển làm giàu là mơ ước cháy bỏng của hàng vạn ngư dân sống dọc 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam. Mơ ước ấy có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của chính các ngư dân.
(còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.