(HNM) - Sau bữa ăn trưa dưới bóng những cây bàng vuông, cây phong ba râm mát và “bữa tiệc” giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân giữa đội văn nghệ xung kích, sở VH-TT&DL Hà Nội với CBCS và nhân dân xã đảo, chúng tôi tạm xa đảo Song Tử Tây để đến với đảo Nam Yết anh hùng.
>>Bài 1: Ánh mắt Song Tử Tây
Là một trong những đảo trung tâm của Trường Sa, cũng giống như Song Tử Tây, Nam Yết có vị trí địa chính trị quan trọng, bao quát một ngư trường sôi động. Đây còn là nơi chính quyền Sài Gòn đặt sở chỉ huy thời kỳ trước giải phóng miền Nam. Cách đây đúng 35 năm, sau khi hoàn thành giải phóng đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, ngày 27-4-1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Trường Sa. Kể từ đó đến nay, lớp lớp CBCS của đảo luôn phát huy truyền thống Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Vào đảo Nam Yết. |
Đã nghe kể về Nam Yết trước khi đến đảo, song chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sức sống thần kỳ ở nơi đây. Mặc dù trên đảo chủ yếu là san hô, cát và mùn cây lâu năm (không có nước ngọt), nhưng Nam Yết lại có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có những cây mù u hàng trăm năm tuổi và cây bàng 8 nhánh như một kỳ quan, thu hút vô số những phó nháy nghiệp dư lần đầu tiên đến đảo. Tại đây còn trồng được cả đu đủ, dừa, xoài và một loài cây “đặc sản” là cây nhàu mà quả của nó làm nguyên liệu sản xuất ra thứ “thần dược” Noni nổi tiếng được các công ty bán hàng đa cấp trong đất liền lợi dụng quảng cáo bán ra với giá cắt cổ. Hiện Nam Yết cũng được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường trong quần đảo Trường Sa với sân bóng chuyền, bãi thể thao, công trình tường chắn sóng, trạm thu phát tín hiệu truyền từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và phương tiện phục vụ đời sống bộ đội... Giữa đại dương mênh mông, Nam Yết nổi lên như một ốc đảo xanh tươi, làm điểm tựa cho những con tàu của ngư dân đến trú chân sau hải trình đầy mỏi mệt. Năm nay, đã 6 tháng không mưa nên số nước ngọt dự trữ trên đảo được dùng rất dè sẻn. Mặc dù vậy, đảo vẫn dành những phần nước ngọt quý giá cung cấp cho ngư dân và như một phong tục, mỗi đoàn khách đến thăm, tại cầu đảo vẫn có những thau nước ngọt do CBCS chuẩn bị đón tiếp, làm chúng tôi vơi đi mệt nhọc.
Sau phút nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền, cây bàng 8 nhánh giữa trung tâm đảo, đoàn công tác của TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh dẫn đầu đã đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc của CBCS, trong đó có những người con ưu tú của Thủ đô. Vui nhất trong đoàn là chị Phạm Thị Mứt, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh bởi được gặp hai chiến sỹ trẻ là đồng hương. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, câu chuyện về quê hương Đông Anh giữa người hậu phương và người giữ đảo diễn ra không dứt.
Bá vai nhau cười thật tươi trước ống kính máy ảnh, chiến sỹ Nguyễn Hữu Quyền, SN 1989 và chiến sỹ Bùi Văn Hải, SN 1988, cùng ở Hải Bối, Đông Anh, cùng ra đảo tháng 1-2010, cho biết, ngày đầu còn bỡ ngỡ, song được chỉ huy và đồng đội giúp đỡ, đến nay, hai bạn đã làm quen với cuộc sống, môi trường ở đảo và đã bớt nhớ nhà. Ấn tượng nhất là cái Tết đầu tiên ở Trường Sa, có cả bánh chưng, thịt lợn và pháo hoa... “Vui hơn cả đón Tết ở quê nhà” - Hải và Quyền cho biết. Nhờ cô Mứt gửi ảnh và quà (là chùm hoa biển làm từ vỏ ốc, vỏ sò) về cho mẹ và bạn gái ở quê, hai em cùng nhắn nhủ: Mẹ và gia đình cứ yên tâm, chúng con đều xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nguyện xứng đáng là người Hà Nội.
|
Đại tá Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô thăm hỏi chiến sĩ trẻ Hà Nội trên đảo Nam Yết. |
Một tình cờ thú vị nữa là tại đảo Nam Yết có đến 5 anh em CBCS là người Hà Nội. Vui mừng và cảm động khi được đón đoàn cán bộ Thủ đô ra thăm, động viên CBCS, Đại úy Trịnh Công Lý, người Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Cụm trưởng cụm chiến đấu
số 3 cho biết, năm qua, các anh đã đoàn kết một lòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được chỉ huy đảo biểu dương, khen ngợi. Vạch áo khoe vết mổ ruột thừa vừa mới liền sẹo do Thiếu tá, bác sỹ Lê Thanh Sơn - người đồng hương Sơn Tây mổ cấp cứu, Trịnh Công Lý hồ hởi: “Mổ ruột thừa bây giờ ở đảo không còn là việc quá phức tạp, nhưng nếu hôm đó không có Sơn chẩn đoán kịp thời thì sức khỏe của tôi không sớm hồi phục như thế này”. Vừa tốt nghiệp tiến sỹ y khoa, công tác tại Viện Quân y 103, mới chân ướt chân ráo ra đảo Nam Yết, Thiếu tá Lê Thanh Sơn đã được “thử tay nghề” bằng những “ca” khó. Gần đây nhất là cứu chữa thành công cho anh Nguyễn Ngọc Hồng, 35 tuổi, thuyền viên tàu đánh cá mang số hiệu QNg-91739 đi câu mực bị dập nặng ngón chân cái do bị kẹp thuyền. Sơn tâm sự, dễ nhất trong tình huống này là cắt bỏ ngón chân vì phần xương đã vỡ vụn. Nhưng với người lao động, tứ chi rất quan trọng nên anh đã cùng các y, bác sỹ tại bệnh xá cố gắng xử lý để giữ lại. Đến nay, sức khỏe anh Hồng đã hồi phục và đi biển trở lại. Anh cũng vừa gọi điện ra đảo báo tin và cảm ơn các y, bác sỹ trong bệnh xá. “Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi” - Thiếu tá Sơn cho biết. Anh nói, muốn ngư dân yên tâm làm ăn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bên cạnh việc cung cấp nước ngọt, dầu diezen, công tác cứu hộ, cứu nạn và chăm sóc sức khỏe đồng bào, chiến sỹ cũng phải hiệu quả, kịp thời. Công việc đó không có ai ngoài bộ đội Hải quân đảm nhận. Rất mừng là những năm gần đây, nhờ được trang bị các phương tiện hiện đại, bệnh xá của đảo đã làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, giải quyết cấp cứu nhiều ca tương đối phức tạp mà trước kia phải chuyển về đất liền. Trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm 2010, đảo Nam Yết đã cứu sống 6 ngư dân lặn biển bị “giảm áp”, hôn mê sâu cùng hơn 140 lượt ngư dân bị nạn trên biển, trở thành điểm tựa vững chắc cho những con tàu đánh bắt xa bờ.
Thượng tá Bùi Hải Phước, Đảo trưởng đảo Nam Yết cho biết, với vai trò là lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Trường Sa anh hùng, CBCS đảo Nam Yết tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển; tập trung xây dựng đảo Nam Yết vững mạnh về mọi mặt; xác định đúng đối tượng, đối tác, nhất là đối tượng tác chiến trên vùng biển được đảm nhiệm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Những năm qua, toàn đảo luôn làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc quyền, chủ quyền trên biển, đảo, được Quân chủng Hải quân và Vùng D đánh giá cao. Năm 2004, đảo Nam Yết vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. Khâm phục trước ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần vượt khó của CBCS và nhân dân trên đảo, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, Hà Nội luôn thể hiện trách nhiệm của mình với CBCS ở Trường Sa nói chung và người Hà Nội nói riêng, sẵn sàng ở bên cạnh Trường Sa, vì Trường Sa thân yêu.
Không chỉ có cây xanh, trái ngọt và những tình cảm thân thiết nhất từ đất liền, trong môi trường sóng gió khắc nghiệt, nhiều khi phải một mình vật lộn với bão tố, đã có những CBCS anh dũng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, cứu xuồng, cứu đồng đội... Cùng chúng tôi ra viếng mộ liệt sỹ Hoàng Đặng Hùng, SN 1984, quê ở Thanh Hà, Hải Dương đã dũng cảm hy sinh khi cứu xuồng bị trôi trong trận bão tháng 7-2004, được đồng đội an táng ngay cạnh mép đảo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Hội Nhà văn Hà Nội đã xúc động làm thơ về người lính trẻ Trường Sa với những “đường chân trời” đầy khắc khoải: Đường chân trời của tôi là Song Tử Tây/Chỉ gần ngay bên nhưng Song Tử Đông cách biệt/Là nấm mộ nhỏ nhoi trên Nam Yết/Người lính trẻ quên mình cứu xuồng đảo trôi...
Vâng. Không phải chỉ chiến tranh mà cả trong thời bình vẫn có “Những tuổi đôi mươi thành sóng nước”. Họ đã mãi mãi ra đi, cống hiến tuổi đôi mươi của mình cho Tổ quốc được bình yên.