Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Lý giải nguyên nhân úng ngập tại Hà Nội

Dạ Khánh| 24/08/2022 06:25

(HNM) - Úng ngập xảy ra do mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến đường. Đâu là nguyên nhân khiến công tác thoát nước, chống úng ngập trên địa bàn thành phố còn hạn chế, thậm chí ngay cả ở khu vực đô thị đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước?

Hà Nội tăng cường áp dụng công nghệ nhằm chủ động giám sát, điều hành công tác thoát nước trên địa bàn.

Lượng mưa lớn vượt thiết kế

Lý giải nguyên nhân còn xảy ra tình trạng úng ngập tại khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ (lưu vực Tô Lịch, phạm vi khoảng 77,5km2, gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo thiết kế, hệ thống thoát nước bảo đảm đáp ứng các trận mưa có cường độ 70mm/giờ đối với hệ thống cống và 310mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phức tạp, mưa theo vùng dồn dập trong thời gian ngắn, lượng mưa thực tế vượt tính toán. “Điển hình như một số trận mưa gần đây, lượng mưa phổ biến hơn 100mm trên diện rộng, thậm chí lên đến hơn 180mm..., dẫn đến thời gian tập trung nước vào hệ thống nhanh, vượt công suất thiết kế, gây úng ngập”, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương thông tin. 

Ngoài ra, trong các ngõ, ngách nội đô, khu vực phố cổ, phố cũ, hệ thống thoát nước xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, lún sụt. Một số vị trí còn tồn tại công trình ngầm cắt ngang làm hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát nước.

Qua duy trì hệ thống thoát nước khu vực nội đô, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay, nhiều dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công (hệ thống truyền dẫn nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá trên các sông Tô Lịch, Lừ, phân lũ Lừ - Sét); các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3... đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của các trục thoát nước chính. Trong khi đó, tình trạng vi phạm các quy định về thoát nước ở một số khu vực vẫn tiếp tục xảy ra, điển hình như việc người dân tự ý đặt các tấm chắn, vật cản bịt các ga thu nước; xây dựng bục bệ, cầu dẫn lên vỉa hè gây cản trở dòng chảy; vứt rác thải, phế thải xuống hệ thống kênh, mương, cống thoát nước...

Hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh

Với lưu vực sông Nhuệ, các quận Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, tình trạng úng ngập cục bộ xảy ra khi mưa lớn là do tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Một số tuyến tỉnh lộ, quốc lộ chưa có hệ thống thoát nước đô thị, đa phần thoát nước theo hệ thống tiêu thoát nước nông nghiệp và phụ thuộc nhiều vào mực nước các sông: Nhuệ, Cầu Bây.

Hơn nữa, một số trạm bơm tiêu chính theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như: Trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây); trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây) và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa... chưa được đầu tư xây dựng. Trạm bơm Yên Nghĩa (công suất 120m3/giây) đã hoàn thành từ năm 2021 song kênh dẫn nước về trạm bơm (kênh La Khê) hiện vẫn thi công dang dở và đang đình trệ do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng. Sông Nhuệ - sông tiêu thoát nước chính, chưa được cải tạo, nạo vét và kè bờ... Đây là những nguyên nhân chính khiến việc thoát nước tại các khu vực này chưa bảo đảm được.

Điển hình như tại Đại lộ Thăng Long, quá trình đô thị hóa đã biến các khu vực trũng thấp, trước đây là vùng chứa nước điều hòa, trở thành các khu đô thị với mật độ bê tông hóa cao. Hạ tầng kỹ thuật thoát nước chưa được đầu tư tương xứng, cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan đã biến các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6 và Km9+656 Đại lộ Thăng Long - nơi có cao độ nền đường thấp hơn 0,5-0,7m so với nền đường xung quanh, thành nơi chứa nước. Khi mực nước sông Nhuệ và sông Cầu Ngà dâng cao, thậm chí nước còn chảy ngược trở lại các khu vực này. Tại một số khu đô thị mới như EcoHome (quận Bắc Từ Liêm), Sở Xây dựng cho hay, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hệ thống thoát nước cho thành phố quản lý thống nhất toàn hệ thống.

Về khó khăn trong đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương cho biết, trên thực tế, các dự án thoát nước cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, giải phóng mặt bằng rất khó khăn, cơ chế đầu tư xã hội hóa chưa hoàn chỉnh nên thiếu hấp dẫn nhà đầu tư tham gia. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông đã chiếm khoảng 60-70%, nên nguồn lực dành cho hạ tầng kỹ thuật khác còn rất thiếu.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Lý giải nguyên nhân úng ngập tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.