(HNM) - Đổi mới từ đâu và như thế nào, có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Có ý kiến cho rằng phải bắt đầu từ triết lý, tư duy làm giáo dục. Có người lại quan niệm, phải từ chương trình và sách giáo khoa, người khác khẳng định phải từ giáo viên, từ đổi mới thi cử.
Sự lựa chọn đúng sẽ mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng và phát triển. Ảnh: Linh Tâm |
Cứng nhắc, khép kín và kém linh hoạt
Gần đây, trên các diễn đàn, có một cuộc tranh luận về vấn đề giáo dục phổ thông (GDPT) nên là 10, 11 hay 12 năm. Mỗi quan điểm đều có những lý lẽ riêng hợp lý. Trước đó, khi Quốc hội bàn về dự thảo Luật Giáo dục đại học, người ta cũng nói nhiều về phân tầng đại học và hệ thống trình độ (bằng cấp) quốc gia. Đây cũng chỉ là một vấn đề của hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD), mặc dù phải bắt đầu từ đấy để đi những bước tiếp theo trên con đường đổi mới. Ví như, phải quyết định được GDPT gồm bao nhiêu năm thì mới xây dựng được chương trình và viết sách giáo khoa.
Nói về HTGDQD hiện nay, GS-TSKH Nguyễn Minh Đường nêu ra một số đặc điểm nổi bật. Một là, nó gồm 3 hệ thống con là GDPT, GD nghề nghiệp, GD đại học nhưng do nhiều đầu mối quản lý nên hoạt động riêng rẽ, thiếu sự phối hợp, dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu trình độ cũng như vùng miền. Hai là, hiện có hai loại trường CĐ, hai loại trường trung cấp nhưng mục tiêu đào tạo gần như nhau gây nên sự trùng lặp và làm mất tính chỉnh thể của hệ thống. Ba là, chưa quy định cấp học phổ cập bắt buộc, là trình độ dân trí tối thiểu của mỗi quốc gia. Bốn là, chưa có hệ thống trình độ quốc gia và bằng cấp của nước ta hiện không tương thích với hệ thống trình độ giáo dục quốc tế nên khó mà hội nhập. Năm là chưa phân luồng hợp lý sau THCS và THPT.
Hiện đang tồn tại song song hai cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ,TB&XH, khiến cho công tác quản lý vừa bị chia cắt, vừa phân tán, làm giảm hiệu lực quản lý và khó có thể thực hiện các chính sách quốc gia thống nhất. Đơn cử, trên cùng một địa phương có tới 2 quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng; có 2 bộ chương trình khung được tổ chức biên soạn với 2 phương pháp tiếp cận và cấu trúc khác nhau nên khó mà đào tạo liên thông; có 2 bộ tiêu chí kiểm định chất lượng nên các trường đào tạo đa hệ không biết kiểm định theo 10 tiêu chuẩn 53 tiêu chí của Bộ GD-ĐT hay 9 tiêu chí với 500 điểm của Bộ LĐ,TB&XH. Quản lý HTGDQD theo kiểu "một khung cờ tướng, một khung cờ vua" như hiện nay đã dẫn đến 6 không: không phân luồng được học sinh, không đào tạo được liên thông, không ban hành được danh mục ngành nghề đào tạo các trình độ một cách có hệ thống, không chuẩn hóa được hệ thống đào tạo, không có được mạng lưới cơ sở đào tạo hợp lý, không quản lý được chất lượng theo phương thức kiểm định chất lượng - GS-TSKH Nguyễn Minh Đường tổng kết.
Đưa ra nhiều số liệu, PGS-TS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và tư vấn KHCN cũng nhằm chứng minh HTGDQD là vấn đề căn bản của GD hiện nay. Theo ông, hệ thống này đang mất cân đối, thể hiện ở cơ cấu phân luồng học sinh sau THCS vào THPT rất cao gần 80%, tỷ lệ học sinh sau THCS và THPT vào TCCN rất thấp, năm sau số lượng học sinh theo học nghề và TCCN đều ít hơn năm trước, trong khi tỷ lệ học sinh sau THPT vào CĐ, ĐH rất cao, những năm gần đây lên tới xấp xỉ 50%. Sự mất cân đối còn thể hiện ở cơ cấu tuyển sinh, CĐ và ĐH tăng hơn 10 lần nhưng dạy nghề chỉ tăng khoảng 4 lần; cơ cấu đào tạo: CĐ, ĐH tăng 10 lần, DN chỉ tăng 3 lần; cơ cấu trường: số trường CĐ, ĐH tăng 4 lần trong khi trường nghề giảm. Cơ cấu đào tạo bất hợp lý ấy tất yếu dẫn đến cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối nghiêm trọng.
Giờ tin học của học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội). Ảnh: Huyền Linh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.