Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Lời giải cho bài toán “chôn” và “lấp”

Chí Đạo - Thu Hằng| 20/04/2011 07:28

(HNM) -


Bãi chứa rác thải ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).


Tổng dân số cuối năm 2010 của Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 6,6 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2009, đó là chưa kể tới hàng triệu người từ các địa phương về Hà Nội để học tập, làm việc… Vậy nhưng đến nay quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác đã hết. Sở TN&MT Hà Nội cho biết, cách đây 5 năm, tổng lượng chất thải rắn phát sinh của Hà Nội mới chỉ khoảng 1.500 - 1.600 tấn/ngày-đêm và chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 24.000 - 25.000 tấn/năm. Hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đã tăng gấp ba lần, lên đến 5.000 tấn/ngày-đêm, trong đó 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị. Lo ngại nhất hiện nay là mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng 200 tấn chất thải khó phân hủy. Điển hình là túi nilon, đã chôn lấp được 20 năm nhưng khi đào lên vẫn không tiêu hủy được. Đây chính là khó khăn trong công tác xử lý chất thải sinh hoạt hiện nay.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Khánh cho biết, việc xử lý chất thải rắn ở Hà Nội vẫn chủ yếu bằng hình thức chôn lấp tại các bãi Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), còn việc tái chế chất thải rắn ở Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn và Nhà máy Seraphin (thị xã Sơn Tây) chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng chất thải hằng ngày, chính điều này khiến tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn ở Hà Nội quá lớn.

Nhằm giảm tải cho các bãi

rác thành phố, năm 2010, Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai xây dựng điểm 4 mô hình xử lý rác thải nông thôn tại 4 xã của 4 huyện Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Các mô hình này đều được áp dụng công nghệ mới, xây ô, lót vải... trước khi tiếp nhận chất thải. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận, chất thải được xử lý thông qua việc phun thường xuyên các chế phẩm sinh học, kiểm soát chặt chẽ việc đổ chất thải của nhân dân. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa, lượng rác thải tăng theo cấp số nhân như hiện nay thì mô hình xử lý rác thải này cũng chỉ 3-4 năm là đầy.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo một số chuyên gia môi trường, để đối phó với nguy cơ không còn chỗ chôn lấp rác trong khi quỹ đất dành cho việc này ở Hà Nội đã cạn kiệt, giải pháp hiệu quả nhất trong vòng 10-20 năm tới là thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường cho người dân. Giám đốc Xí nghiệp Quản lý chất thải Nam Sơn Hoàng Văn Đắc cho rằng, nếu tất cả chất thải sinh hoạt ở Hà Nội được phân loại từ nguồn, các bãi rác hiện hành của Hà Nội sẽ kéo dài tuổi thọ thêm ít nhất 30 năm.

Những năm qua, Hà Nội đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ kinh phí để thực hiện phân loại rác tại nguồn (3R), thí điểm tại một số phường nội thành Hà Nội. Việc áp dụng 3R đã góp phần quan trọng làm giảm khối lượng, chi phí vận chuyển, tiết kiệm đất chôn lấp. Đặc biệt, nếu phân loại tốt, phần lớn rác thải hữu cơ sẽ được sử dụng để sản xuất phân bón vi sinh, một lượng lớn chất thải vô cơ như hộp nhựa, bìa các tông... sẽ được tái chế nên lượng phải chôn lấp sẽ còn rất ít. Theo tính toán của JICA, nếu Hà Nội đổi mới phương pháp thu gom, xử lý rác thải theo sáng kiến 3R thì trung bình mỗi tháng tiết kiệm được 4 tỷ đồng từ xử lý rác thải. Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, mô hình 3R cũng được triển khai thí điểm ở một số địa phương và đem lại hiệu quả tích cực. Anh Kiều Xuân Huy, cán bộ chuyên trách môi trường UBND xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cho biết, cái được lớn nhất khi thực hiện 3R tại xã là 100% số hộ dân, cơ quan, đơn vị đã nhận thức và thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn thành 2 loại: Rác phân hủy và rác không phân hủy. 3R đã đạt được mục tiêu giảm trên 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp.

Bên cạnh việc áp dụng giải pháp 3R ở cả nội và ngoại thành, hiện nay ở khu vực nông thôn, giải pháp vẫn được coi là hiệu quả nhất là mỗi xã xây dựng 1-2 bãi xử lý rác tạm thời, có kiểm soát, hợp vệ sinh. TP Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục để mở rộng Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây). Theo đó, UBND TP Hà Nội đã cho phép triển khai dự án với diện tích 13ha đất thuộc xã Tản Lĩnh (Ba Vì) để mở rộng khu xử lý. Dự án đã triển khai đo đạc, phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành điều chỉnh theo cơ chế, chính sách mới với tổng kinh phí 44 tỷ đồng. Mặt khác, TP cũng đã chủ trương triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) với tổng diện tích 140ha tại 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, trên đây vẫn chỉ là các giải pháp tình thế. Theo ông Hoàng Văn Đắc, đầu tư xây dựng một ô chôn lấp rộng 5ha phải mất khoảng 5 tỷ đồng, thời gian thi công 6 tháng. Nếu không đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng khu xử lý rác giai đoạn 2, Hà Nội sẽ ngập trong rác khi các bãi rác hiện tại không còn chỗ chứa. Một vấn đề khác hiện đang được dư luận quan tâm là những dự án này sẽ áp dụng công nghệ xử lý rác như thế nào để tránh "vết xe đổ" từ những dự án trước là chôn lấp không hợp vệ sinh, vẫn gây ô nhiễm môi trường và tốn nhiều đất? "Về lâu dài TP vẫn phải ưu tiên giải pháp áp dụng công nghệ tiên tiến vào khâu xử lý chất thải sinh hoạt, không thể xử lý theo hình thức chôn lấp. Song khó khăn nhất khi thực hiện đó là phương thức và khả năng đầu tư. Trên thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này bởi vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn lại rất chậm, thậm chí khó thu hồi"- Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Lời giải cho bài toán “chôn” và “lấp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.