(HNM) - Trong dịp nhìn lại 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH ngoài công lập ở Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người có nhiều tâm huyết với giáo dục ĐH, đã nhận xét: Mặc dù Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa đã nêu rõ Nhà nước khuyến khích các trường tư theo mô hình
"Mô hình kiểu Việt Nam"
Khái niệm "phi lợi nhuận" đã được nhắc tới nhiều từ khi những trường dân lập đầu tiên xuất hiện, song phải đến khi có Luật Giáo dục đại học (GDĐH) thì những tiêu chí rõ ràng hơn mới được nêu ra. Trong đó giải thích, cơ sở giáo dục ĐH hoạt động không lợi nhuận được nhận biết bởi 2 đặc trưng cơ bản: Thứ nhất là các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ. Thứ hai, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển trường.
Như vậy, theo quy định, cổ đông là chủ sở hữu và hội đồng quản trị do cổ đông bầu lên, có toàn quyền điều hành nhà trường qua trung gian là ban giám hiệu và hiệu trưởng. Còn các trường vẫn có thể tự nhận mình là phi lợi nhuận dù hoạt động không khác gì một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Từ hiệu trưởng trở xuống đều như nhân viên của một doanh nghiệp thông thường.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Dược, Trường ĐH dân lập Hồng Bàng.Ảnh: Sơn Hà |
Những nhà soạn thảo không phải không nhìn ra những bất cập này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trần tình: Việt Nam có bối cảnh khác với những nước khác. Khi soạn thảo điều khoản về ĐH không vì lợi nhuận, những người soạn thảo đã tìm hiểu rất kỹ và tham khảo ý kiến của chuyên gia rất nhiều nước để đi đến định nghĩa như thế nào là mô hình không vì lợi nhuận ở Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay gần như không thể tìm được một "mạnh thường quân" có thể hiến một tài sản lớn để xây dựng trường ĐH, sau đó giao cho cộng đồng để làm chủ chính nó. Nếu có thì trong tương lai thôi. Vì vậy rất khó yêu cầu một nhà đầu tư bỏ tiền vào mà không cho họ được hưởng lãi suất. Luật GDĐH đã định nghĩa có thể xem là trường ĐH phi lợi nhuận khi chia lãi suất không vượt quá trần lãi suất trái phiếu của Chính phủ. Như vậy, mặc dù có chia nhưng vì lãi suất đó nằm trong trần lãi suất của trái phiếu và sau đó tái đầu tư để phát triển nhân lực, thì tạm thời gọi đó là không vì lợi nhuận. "Giờ mà để cho "mạnh thường quân" đầu tư xây trường rồi không chia lãi suất gì cả thì rất tốt. Nhưng chúng ta chưa kịp có nên phải định nghĩa một mô hình phi lợi nhuận như vậy với Việt Nam", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói thêm.
Băn khoăn tìm hướng
Ghi nhận những bước tiến trong các quy định về mô hình ĐH không vì lợi nhuận trong Luật GDĐH ban hành ở trên, song vấn đề mà các trường ngoài công lập băn khoăn nhất là: Những định nghĩa về "phi lợi nhuận" không đi kèm với một hệ thống chính sách và các quy định đồng bộ để bảo đảm việc vận hành các trường tư theo đúng tiêu chí, đồng thời không giải quyết được những mâu thuẫn liên quan đến quyền sở hữu, quản lý và lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Những bất cập về chính sách cũng thể hiện trong Quy chế ĐH tư thục ban hành năm 2009, hay còn gọi là Quy chế 61. Quy chế này quy định: "Tài sản là vốn góp được công nhận sở hữu tư nhân. Tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của trường". Tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của nhà trường và do Hội đồng quản trị quản lý. Hội đồng lại bao gồm cả những cá nhân không góp vốn ban đầu. Các chuyên gia đã phân tích: Chính sách này thể hiện hai mâu thuẫn. Một là các nhà đầu tư đầu tư vào các hoạt động sinh lời nhưng lại không được hưởng lợi nhuận, như vậy là mâu thuẫn trực tiếp với động lực đầu tư. Hai là những người không đóng góp gì lại có quyền quản lý điều hành phần tài sản chung của trường.
Còn với quy chế được ban hành 2 năm sau đó, gọi tắt là Quy chế 63, bà Hoàng Thị Xuân Sính (Trường ĐH Thăng Long), chỉ ra: Quy chế quy định rằng khi cổ đông biểu quyết thì số phiếu tương ứng với số cổ phần đang sở hữu, mà "đại diện phần vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia do tập thể người góp vốn và thành viên cơ hữu của trường ĐH dân lập bầu ra, có đầy đủ quyền như các cổ đông góp vốn là cá nhân khác". Như vậy, đại diện cho tài sản chung này mà biểu quyết thì số phiếu sẽ rất lớn vì đại diện cho 95% tài sản của trường dân lập chuyển sang, nên một mình đại diện này sẽ quyết định mọi vấn đề của nhà trường!
Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình hoạt động không rõ ràng đã khiến nhiều trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết. Ở một số trường, các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, các nhà khoa học trở thành người làm thuê. Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Trần Hồng Quân phát biểu: Lâu nay chúng ta ít khi bàn rốt ráo về giải pháp, nhất là cơ chế. Có đi sâu vào giải pháp mới thấy hết những khó khăn để đạt được mục tiêu, có khi phải có những giải pháp phi truyền thống mới giải quyết được vấn đề. Và trong trường hợp đó đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, không có cách nào khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.