Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Kosovo - Nơi khởi đầu cuộc chiến phi nghĩa

Giang Minh Linh| 04/04/2011 06:38

(HNM) - Năm 1999, NATO đã áp đặt một vùng cấm bay trên không phận Kosovo, nhằm khởi động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Nam Tư. "Vùng cấm bay" Kosovo được áp đặt mà không có sự ủy quyền của Liên hợp quốc đã tạo đà cho một cuộc chiến tranh nổ ra, kéo dài gần 80 ngày và để lại hậu quả khôn lường.

Bất ngờ "cuộc chiến… được báo trước

19 giờ, giờ GMT, ngày 24-3-1999, NATO mở cuộc tấn công quy mô lớn kéo dài suốt 10 giờ vào khoảng 40 mục tiêu trên lãnh thổ Nam Tư. Đây là cuộc tấn công đầu tiên chống lại một quốc gia có chủ quyền trong lịch sử 50 năm tồn tại của tổ chức liên minh quân sự này.

Ngày 24-3-1999, NATO mở đợt tấn công ồ ạt vào Kosovo.

Dù đã tiên lượng trước, nhưng dư luận thế giới vẫn không khỏi bàng hoàng khi NATO mở cuộc không kích quy mô lớn. Không có một lý lẽ nào có thể bào chữa, che đậy được tính chất phi nghĩa và bất hợp pháp của cuộc tấn công này. Như lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga khi đó là ông I.Ivanov, hành động của NATO với tất cả "những hậu quả có thể của nó" đã vi phạm Hiến chương LHQ và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đối với khu vực Balkan. Còn Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã tỏ ý lấy làm tiếc về hành động quân sự của NATO và khẳng định, mọi quyết định về sử dụng vũ lực phải được Hội đồng Bảo an LHQ chuẩn y.

Thực ra, NATO, đứng đầu là Mỹ, đã không hề giấu giếm ý định tấn công Nam Tư. NATO luôn tìm cách can dự vào nội bộ của Nam Tư với cái cớ là giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo vốn đã tiềm ẩn từ lâu ở quốc gia này.

Nam Tư từng là một nhà nước liên bang gồm sáu nước cộng hòa: Serbia, Slovenia, Croatia, Bosnia, Montenegro, Macedonia và hai khu tự trị là Kosovo và Vovoidin. Vào những năm 1980, kinh tế Nam Tư đi xuống, căng thẳng trong xã hội tăng lên, trong đó đặc biệt có vấn đề mâu thuẫn dân tộc. Tình hình này đã dẫn đến việc xóa bỏ quyền tự trị của hai tỉnh Vovoidin và Kosovo vào năm 1989 dưới chính quyền của ông Milosevic, đồng thời cũng dẫn đến việc bốn trong số sáu nước cộng hòa của liên bang tách ra độc lập: Slovenia, Croatia (năm 1991), Bosnia, Macedonia (năm 1992)…

Tình hình căng thẳng ở Kosovo và Nam Tư những năm cuối của thế kỷ XX đã hội tụ đủ các yếu tố để có cớ cho Mỹ và NATO có thể can thiệp vào nội bộ nước này. Nếu như trong chiến dịch "Bão táp sa mạc" ở Iraq, vai trò của LHQ còn được tính đến, thì trong cuộc chiến ở Nam Tư, Mỹ và NATO tự đứng ra đảm nhiệm chức năng vừa là quan tòa, vừa là giám khảo và vừa là người trừng phạt. Ngang nhiên mở một cuộc tấn công vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền như Nam Tư, Mỹ và NATO đã chính thức phát đi một thông điệp rằng, họ có quyền áp đặt những quan điểm của mình, không phải thông qua các sáng kiến chính trị mà là bằng sức mạnh quân sự, kể cả khi không được phép của HĐBA LHQ. Trên thực tế, Mỹ đã tự cho mình đóng vai trò "lực lượng giữ gìn hòa bình" thông qua sức mạnh quân sự và NATO là công cụ chính.

Uy lực của kẻ mạnh

Ngọn lửa chiến tranh ở Nam Tư càng soi tỏ ván cờ của Mỹ và NATO ở khu vực này. Đối thoại, theo họ chỉ là để áp đặt "tối hậu thư", chỉ là để lấy cớ tiến hành chiến tranh. Cùng với sự áp đặt về chính trị, mưu toan biến Kosovo thành một nhà nước trong một nhà nước, NATO lại còn khăng khăng đòi Nam Tư phải chấp nhận một sự áp đặt về quân sự, tức là mở cửa cho NATO đưa quân vào Kosovo. Khi kịch bản đối thoại này bị chối bỏ, thì họ đổ lỗi hoàn toàn cho Tổng thống Milosevic "phá hoại hòa bình" mặc dù họ đã "tìm mọi cách để cứu vớt đến phút cuối cùng". Và tiếp nối theo kịch bản đối thoại này là một kịch bản chiến tranh.

Trước khi đưa ra "tối hậu thư" với Nam Tư, Hội đồng NATO đã lựa chọn một trong ba phương án có thể áp dụng khi "vùng cấm bay" ở Nam Tư được thiết lập. Một là, không kích "tượng trưng" để "cảnh cáo". Hai là, "không kích đáng kể" nhằm tiêu diệt một vài trận địa phòng không, kho, sân bay quân sự và lực lượng cảnh sát đặc biệt. Ba là, "không kích lâu dài" như "một cuộc chiến tranh nhỏ" kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng, nhằm tiêu diệt lực lượng quân sự của Nam Tư.

Đêm 23-3, rạng sáng ngày 24-3-1999, Tổng Thư ký NATO Solana đã ra lệnh cho Tướng Mỹ W.Clark, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, bắt đầu cuộc không kích chống Nam Tư. Ngày 24-3, máy bay của liên quân bắt đầu vần vũ. Những ngày tiếp theo, NATO triển khai bộ binh sục sạo khắp nơi với mục đích "tiêu diệt nhanh gọn" lực lượng ủng hộ ông Milosevic.

Trong cuộc chiến này, NATO đã sử dụng tất cả các loại máy bay, lấy không kích làm chủ đạo để "giải phóng" Nam Tư sớm nhất. Theo báo chí nước ngoài khi đó, căn cứ vào tính năng, nhiệm vụ của từng máy bay, các cuộc không kích được chia làm ba tầng: cao, trung, thấp. Phía Nam Tư cũng có các loại vũ khí phòng không tương ứng đối phó với máy bay chiến đấu các loại của NATO.

Số liệu của NATO cho biết, trong 72 ngày, lực lượng quân sự NATO đã thực hiện hơn 31.500 phi vụ không kích, phá hủy của Nam Tư hơn 100 máy bay, 314 khẩu pháo, 203 xe bọc thép chở quân, 120 xe tăng, 268 xe quân sự, 14 sở chỉ huy, 57% lượng xăng dầu dự trữ, 29% số kho đạn dược, 34 cầu đường bộ, 11 đường cầu sắt; khoảng 10.000 binh lính Serbia đã chết hoặc bị thương.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ và NATO dựng lên đã gây ra "thảm họa nhân đạo" ở quốc gia vùng Balkan. Theo số liệu của Chính phủ Nam Tư, có khoảng 1.500 thường dân bị giết hại và hơn 6.000 người bị thương. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ước tính có hơn 855.000 người, đa số là người gốc Albania đã phải rời Kosovo đi tị nạn kể từ khi chiến dịch không kích của NATO bắt đầu. Bom đạn của NATO cũng phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, trường học, nhà máy, đẩy hàng triệu người dân Nam Tư vào cảnh "màn trời chiếu đất". Tình trạng mất điện, thiếu nước sinh hoạt đã gây khó khăn nghiêm trọng cho cuộc sống của người dân nơi đây. Học sinh phải nghỉ học vì trường học đã bị phá hủy hoàn toàn. Thậm chí, việc NATO sử dụng vũ khí hóa học, bom bi (loại vũ khí bị cấm sử dụng) cùng nhiều loại vũ khí mới, đã gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.

Cuộc chiến tranh ở Nam Tư do NATO tiến hành đi ngược lại và làm phương hại nghiêm trọng đến xu thế phát triển hòa bình trên thế giới. Thứ nhất, với cuộc chiến tranh này, Mỹ và NATO đã thách thức các nước lớn khác bằng việc vượt qua những thỏa thuận về cân bằng lực lượng đã hình thành từ chiến tranh thế giới thứ hai. Thứ hai, Mỹ và NATO đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là dùng tổ chức quân sự này tùy ý can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Thứ ba, cuộc chiến tranh ở Nam Tư và việc thử nghiệm vũ khí và các phương tiện, phương thức chiến tranh hiện đại, cùng với các kế hoạch quân sự mới của Mỹ có khả năng khiến nhiều nước khác nghĩ đến việc tăng cường sức mạnh quân sự của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Kosovo - Nơi khởi đầu cuộc chiến phi nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.