(HNM) - Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đó chính là bước ngoặt trong đổi mới tư duy kinh tế, trong thay đổi mô hình phát triển xã hội của Đảng ta thời kỳ đổi mới.
Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) với mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã có kết quả tăng trưởng rất ấn tượng. Giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó. Giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, dù chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) và khủng hoảng nợ công (năm 2010), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.
Sản xuất công nghiệp đã có những bước tiến đáng kể sau 30 năm đổi mới. Ảnh: Xuân Phú |
Bước tiến trong tư duy lý luận
Có thể thấy, trong quá trình đổi mới Đảng ta nhận thức ngày càng cụ thể, sát thực tế hơn tính tất yếu, mục tiêu, bản chất, đặc trưng, cấu trúc, thể chế và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Trong Cương lĩnh năm 1991 và Văn kiện Đại hội VII, Đảng ta xác định phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Những năm tiếp theo, Đảng ta đã nhận thức rõ kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường là phương thức, điều kiện tất yếu để xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ chỗ áp dụng cơ chế thị trường tiến đến phát triển kinh tế thị trường, đưa ra quan niệm và từng bước cụ thể hóa mô hình và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ Đại hội IX, Đảng ta khẳng định, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh và phân phối. Tiếp đó, Đại hội X của Đảng đã tiếp tục cụ thể hóa về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Với Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), các vấn đề về mô hình, bản chất, đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được làm sáng tỏ. Và tới Đại hội XI, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện với quan niệm: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong quá trình phát triển, Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn nội dung và các yếu tố bảo đảm định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường với mục tiêu xuyên suốt là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội… Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được xây dựng ngày càng đồng bộ hơn, bảo đảm quan hệ cung - cầu, cạnh tranh lành mạnh. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các công cụ chính sách vĩ mô theo nguyên tắc của thị trường. Hình thành và không ngừng phát triển, hoàn thiện thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản; thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường khoa học - công nghệ…
Đặc biệt, đến Đại hội XI, tư duy phát triển của Đảng đã có bước đổi mới, từ phát triển nhanh sang phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Hiệu quả thu được trong thực tiễn
Qua 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Cụ thể, Quốc hội đã ba lần sửa đổi và ban hành Hiến pháp, sửa đổi và ban hành trên 150 bộ luật và luật, trên 70 pháp lệnh. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và hàng loạt bộ luật để thể chế hóa Hiến pháp 2013, cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý hình thành và thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu như năm 2003 - sau 16 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng; chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng nếu ở giai đoạn 2001-2005 chỉ đạt 21,4% thì trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt 28,94%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Vào thời điểm hiện nay, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có cải thiện đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, giai đoạn 2011-2015 tăng đến 18%/năm. Xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp và giảm dần tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, giảm dần sản phẩm nguyên liệu thô. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước.
30 năm đổi mới cũng là chặng đường Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Hiện nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Chúng ta cũng đã tham gia ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương (gồm 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; 4 FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập); hoàn tất đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu và TPP; đang tích cực đàm phán 3 FTA khác (ASEAN - Hong Kong; EFTA; RCEP). Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, đặc biệt đến nay Việt Nam đã tham gia vào 3 chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may, da giày.
Những thành tựu đạt được nêu trên là nhờ có nhận thức đúng đắn, đổi mới tư duy lý luận của Đảng về tính tất yếu của phát triển kinh tế thị trường; quyết định chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN; xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyết sách về kinh tế và được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia thực hiện. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo môi trường lành mạnh, thu hút mọi nguồn lực xã hội cho phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.