(HNM) - Kể từ khi ban hành năm 2012 đến nay, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội được cả hệ thống chính trị của thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Theo đó, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước không chỉ khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nâng cao chất lượng của tổ chức Đảng
Việc thực hiện Kết luận số 67-KL/TU ngày 10-7-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020-2025 luôn được các Đảng ủy Khối doanh nghiệp lãnh đạo thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Trong đó, các đơn vị tiếp tục tập trung củng cố, kiện toàn, đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; lãnh đạo tổ chức Đảng, đảng viên và các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đặt trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ doanh nghiệp, người lao động và thực hiện tốt chính sách xã hội.
Quận Đống Đa là địa phương tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” và Kết luận số 67-KL/TU ngày 10-7-2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020-2025. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa đã thành lập được 68 tổ chức Đảng, kết nạp 120 đảng viên, giải thể 24 tổ chức Đảng. Đánh giá kết quả này, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Anh Cường khẳng định, nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã phát huy được vị trí, vai trò, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của quận và Thủ đô.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, đồng chí Nguyễn Anh Cường cho rằng, việc giao chỉ tiêu thành lập các tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước nên theo nhiệm kỳ để thực hiện từng bước hiệu quả. Từ bước khảo sát sau đó cấp ủy cơ sở phân công đảng viên giúp đỡ, gây dựng phát triển đảng viên rồi thành lập theo đúng quy trình và duy trì hoạt động nền nếp. Cùng với đó, cần quan tâm duy trì hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cấp ủy, người đứng đầu doanh nghiệp để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các đơn vị, qua đó ghi nhận những khó khăn, trao đổi về những vấn đề các doanh nghiệp đang quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Đảng bộ Công ty cổ phần Traphaco trực thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội có tổng số 134 đảng viên. Là tổ chức cơ sở Đảng trong công ty cổ phần, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ đều là kiêm nhiệm, song Đảng bộ Công ty luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xứng đáng với danh hiệu tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội.
Đánh giá kết quả này, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Trần Túc Mã cho biết, để đạt được thành tích trên, Đảng bộ Traphaco đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt là đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đảng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy Đảng. Hằng năm, kiểm tra rà soát, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn hiệu quả công tác chỉ đạo và các tiêu chí để đánh giá tổ chức, cán bộ.
“Việc xây dựng và củng cố tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, trước hết là với đảng viên được giao các vị trí quan trọng, chủ chốt tại doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng chi bộ. Khuyến khích tính sáng tạo đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng chi bộ. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ các chi bộ Đảng và đảng viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh”, đồng chí Trần Túc Mã chia sẻ.
Xây dựng tổ chức Đảng để bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển
Để tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phát huy hiệu quả thì việc gắn công tác phát triển Đảng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị rất quan trọng. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Sơn Đông Á (huyện Gia Lâm) cho rằng, xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp. “Việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên là một sự đầu tư có chiều sâu bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Doanh nghiệp muốn phát triển tốt thì cần có nhiều đảng viên giỏi, tâm huyết với công việc. Một điều thuận lợi đối với chi bộ là các đồng chí trong cấp ủy đều giữ vị trí chủ chốt trong Công ty nên việc phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với mục tiêu thực hiện nghị quyết của Đảng bộ luôn đem lại kết quả cao”, đồng chí Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Thời gian qua, Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Nam Từ Liêm luôn làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Nam Từ Liêm Phạm Quang Tuấn cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, Đảng ủy triển khai văn bản đến các chi bộ thông qua thư điện tử, phần mềm Zoom hoặc Zalo. Về phía quận cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, chủ động phối hợp với doanh nghiệp triển khai các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh và “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Cùng với đó, một số đơn vị đã thường xuyên tổ chức hoạt động tập huấn, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm; tham mưu tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp như đối thoại giữa người đứng đầu UBND quận, huyện, thị xã cùng các đoàn thể chính trị - xã hội với các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn. Tại các buổi đối thoại đã từng bước giải đáp những kiến nghị của doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm và trực tiếp của lãnh đạo địa phương đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Qua đó, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tạo hành lang pháp lý, giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU thời gian qua là hướng đi đúng đắn của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đi trước một bước trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế nước ta và phù hợp với quan điểm lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp. Từ thực tế triển khai cho thấy, hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, từ đó giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.