(HNM) - 1. Hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bước sang một trang mới khi Người đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản họp năm 1920 thông qua (đăng trên báo Nhân đạo, ngày 16 và 17-7-1920).
Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc và đồng bào: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
Niềm tin ấy là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng các hoạt động của mình vào mục tiêu lên án chủ nghĩa thực dân, với nhiều bài viết, bằng thể loại đăng trên các báo: Nhân đạo (L’Humanité), Đời sống công nhân (La Vie Ouvrière), tạp chí Cộng sản (La Revue Communiste),... Niềm tin đó cũng chính là tiền đề để Nguyễn Ái Quốc cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III/Quốc tế Cộng sản tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp, họp tại Tua (tháng 12-1920) và Người là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Tiếp đó, Người cùng các đại biểu thuộc địa của Pháp đã thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa (tháng 4-1921). Hội ra báo Người cùng khổ (Le Paria) làm cơ quan ngôn luận và Người được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của tờ báo. Le Paria số 1, ngày 1-4-1922 đăng lời kêu gọi, nêu rõ tôn chỉ, mục đích và nhấn mạnh: “Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: Đó là giải phóng loài người”.
Cuối tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva đi Trung Quốc và đến Quảng Châu ngày 11-11-1924, bắt đầu những hoạt động cụ thể, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng vô sản kiểu mới cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Tại đây, Người tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại Quảng Châu, trước hết là tổ chức Tâm Tâm xã. Sau đó, Người mở rộng địa bàn hoạt động; khẩn trương, chủ động và cẩn trọng tiến hành xây dựng tổ chức cách mạng theo từng bước; lập ra nhóm bí mật làm hạt nhân và tiến tới thành lập một tổ chức có tính chất quần chúng rộng để tập hợp những thanh niên yêu nước ở trong và ngoài nước.
Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên: Tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, lấy tự phê bình và phê bình làm phương châm phát triển của mình; trong đó, tất cả các hội viên phải hoạt động trong quần chúng, tuyệt đối giữ bí mật hoạt động của hội, với mục đích: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”.
Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là một tổ chức quá độ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam khi đó. Đây là một sáng tạo, có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, nhằm đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Tiếp đó, Người mở lớp huấn luyện chính trị khai mạc cuối năm 1925 tại đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước. Thông qua lớp huấn luyện, các học viên được trang bị những vấn đề cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên tắc hoạt động bí mật và kỹ năng thực hành các công tác vận động quần chúng... Sau này, những bài giảng của Người được tập hợp, hoàn thiện trong cuốn Đường Kách mệnh. Đây là một tác phẩm quan trọng, một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam sau này.
Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Người chủ trương xuất bản sách và báo chí làm phương tiện tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin và là công cụ đấu tranh cách mạng. Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt (số 1, ngày 21-6-1925), với các chuyên mục xã hội, bình luận, tin tức, diễn đàn, vấn đáp, phê bình, trả lời bạn đọc...; với những nội dung chính như: Những vấn đề đế quốc và thuộc địa, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng cách mạng và Đảng Cộng sản, cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin... đã thống nhất phương hướng và nội dung tuyên truyền giáo dục ở trong và ngoài hội.
2. Cùng với hoạt động của những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và phong trào “vô sản hóa”, việc tác phẩm Đường Kách mệnh, Báo Thanh niên và các tờ báo, nguyệt san bí mật được chuyển về Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng và con đường giải phóng dân tộc theo xu thế của thời đại. Trong đó, tác phẩm Đường Kách mệnh có ý nghĩa sâu sắc. Đây là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925-1927, do Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành và bí mật được chuyển về trong nước theo nhiều ngả đường khác nhau (trong thời gian 1927-1930).
Trong bối cảnh Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng về đường lối cách mạng, về phương pháp cách mạng và đặc biệt là sự khủng hoảng về tổ chức cách mạng; hơn nữa, trong khi phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa phát triển, hướng theo khẩu hiệu của Lênin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”, và ở Việt Nam với chính sách đàn áp hà khắc của thực dân Pháp: Dư luận bị bưng bít thông tin, nhân dân bị đầu độc bởi văn hóa thực dân, thì những nội dung quan trọng của Đường Kách mệnh góp phần trang bị cho nhân dân tư tưởng mới của thời đại, đưa thế giới hội nhập với Việt Nam và đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của cách mạng thế giới, càng trở nên có ý nghĩa lớn lao. Đường Kách mệnh hàm chứa những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, trong đó học thuyết Mác - Lênin được Người đưa vào Việt Nam theo cách của riêng mình thật giản dị, dễ hiểu, làm cho lý luận Mác - Lênin đến với Việt Nam như hạt giống tốt gặp mảnh đất màu mỡ đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã xâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, làm thay đổi tính chất, chiều hướng của phong trào đấu tranh yêu nước, dẫn đến thắng lợi của khuynh hướng vô sản; làm chuyển biến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát, đơn lẻ, sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, có sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương. Sự phát triển cả bề sâu và bề rộng của phong trào trong những năm 1928-1929 đặt ra một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự lãnh đạo của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập ngày 17-6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (ngày 1-1-1930).
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.