Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Hà Nội đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng

Hà Trang| 08/01/2011 07:07

(HNM) - Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, trong xã hội xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại: một số cán bộ, đảng viên sa sút ý chí chiến đấu, tha hóa về đạo đức, có nhiều hành vi tham nhũng, lãng phí...

Một cửa hàng phân phối thực phẩm thời bao cấp.


Báo động đỏ

Tiến hành công cuộc đổi mới được vài năm, tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của Thành ủy, năm 1989, trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, còn 30% xí nghiệp quốc doanh loại 3 và loại 4, thiết bị công nghệ quá lạc hậu, chậm đổi mới nên năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, khó tiêu thụ. Về nông nghiệp, chính sách về giá chưa khuyến khích người sản xuất, nông dân kém phấn khởi, diện tích cây trồng giảm, ở một số nơi hiện tượng đòi chia tách hợp tác xã, tranh chấp ruộng đất diễn ra gay gắt. Trong khi lương thực, nhu yếu phẩm của người dân Thủ đô thiếu trầm trọng, thì ngành thương nghiệp quốc doanh từ khi chuyển sang cơ chế mới tỏ ra lúng túng, không phát huy được vai trò chủ đạo trong điều tiết giá cả, ổn định thị trường; thương nghiệp ngoài quốc doanh bung ra lộn xộn, hàng ngoại nhập tràn lan gây khó khăn cho việc quản lý thị trường và bảo hộ hàng nội địa...

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phát sinh từ cơ chế mới cũng như từ bên ngoài tác động, không đáng lo ngại, không tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm bằng những "mầm bệnh" đang tồn tại, phát triển ngay bên trong cơ thể xã hội chúng ta, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả phân loại đảng viên năm 1989 của Đảng bộ Hà Nội cho thấy, chỉ có trên 40% đảng viên có phẩm chất tốt, phát huy được tác dụng với quần chúng; còn lại 60% phát huy tác dụng hạn chế, trong đó một bộ phận không nhỏ có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thiếu tinh thần rèn luyện phấn đấu. Khoảng 30% đảng viên sa sút ý chí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không gương mẫu chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, bảo thủ, trì trệ, trình độ, năng lực yếu; khoảng 15% đảng viên yếu kém, thoái hóa biến chất, lợi dụng cương vị công tác tư lợi, tham ô, ăn cắp, hối lộ, gia trưởng, độc đoán, ức hiếp quần chúng. Đáng lo ngại hơn, một số đảng viên dao động, bỏ nhiệm vụ đảng viên, thậm chí theo đuôi hoặc cầm đầu những quần chúng tiêu cực gây rối. Công tác vận động quần chúng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không đến được cơ sở, hoặc có đến được với dân nhưng không đầy đủ, sai lệch do cách tuyên truyền qua loa, đại khái. Nhiều cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận, tệ cửa quyền, hách dịch, vi phạm quyền  làm chủ của nhân dân còn tồn tại ở không ít cơ quan nhà nước các cấp. Cơ sở vật chất của y tế, giáo dục, văn hóa xuống cấp nghiêm trọng; tỷ lệ học sinh hư, bỏ học tăng đột biến, riêng năm học 1990, ở ba cấp phổ thông có 1,5 vạn học sinh bỏ học... Tội phạm, trọng án nhiều, tệ nạn và hủ tục xã hội có chiều hướng hồi phục và phát triển, đạo đức, kỷ cương xã hội sa sút...

Rõ ràng, vào thời điểm đó, nếu so sánh thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội của ta với các nước XHCN ở đông Âu thì hoàn toàn khác, bởi chúng ta có một Đảng của dân, do dân và vì dân, một Đảng có bản lĩnh, kinh nghiệm luôn vững vàng trước mọi bão tố phong ba, đại đa số quần chúng, nhân dân đoàn kết, đồng thuận, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn    về sự bất ổn định đang ở ngay trước mặt.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh

Ngày 26-6-1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 240 về "Đấu tranh chống tham nhũng". Ngày 8-9-1990, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Chỉ thị số 20 về "Tăng cường lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên địa bàn thành phố". Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị khẩn trương đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, tích cực vận động quần chúng phát hiện, đồng thời phát huy vai trò của công luận và dư luận xã hội để tham gia chống tham nhũng. Mỗi cấp, ngành phải chọn một vài trọng điểm làm trước, làm dứt điểm, công khai để gây lòng tin với quần chúng, tạo đà cho phong trào chống tham nhũng mở rộng trong Đảng bộ và toàn xã hội.

Ngày 14-11-1990, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng gồm 11 đồng chí, do đồng chí Phạm Lợi, UVTV Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP làm Trưởng ban. UBND các quận, huyện cũng đã thành lập ban chỉ đạo, xác định 140 cơ sở, đơn vị trọng điểm để chống tham nhũng (những đơn vị đang có đơn thư tố giác, hoặc có biểu hiện tham nhũng). Chỉ sau hai tháng phát động, thành phố đã nhận được 180 đơn thư tố cáo tham nhũng, đã cho thanh tra, kiểm tra, kết luận 158 vụ việc. Ở cấp thành phố và các quận, tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ tiêu cực ở ngành ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân; các huyện kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai, công nợ các hợp tác xã. Qua kiểm tra, nhiều vụ việc đã được kết luận, xử lý nghiêm minh: kỷ luật, cảnh cáo về Đảng, cách chức giám đốc, phó giám đốc Công ty Haprosimex về vi phạm chế độ quản lý tài chính; cách chức cấp ủy của Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng về những vi phạm trong cấp đất, cấp phép xây dựng; cảnh cáo Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng vì cho phép dùng xe ô tô cơ quan chở đồng buôn lậu lên biên giới; cách chức Phó Giám đốc Ngân hàng TP và Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình có biểu hiện tư lợi trong giải quyết quỹ tín dụng…

Hẳn nhiều người Hà Nội đến nay vẫn chưa quên những "di chứng" nặng nề về hậu quả của sự tan vỡ các quỹ tín dụng. Chỉ trong quý II năm 1990, có 20 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đồng loạt mất khả năng thanh toán do người gửi rút tiền ồ ạt, người vay chây ỳ, lẩn tránh không trả nợ. Tình hình có lúc diễn ra rất căng thẳng. UBND TP một mặt phải áp dụng nhiều biện pháp về hành chính, luật pháp để thu hồi nợ trả cho người gửi; thành lập ban chỉ đạo, huy động hàng trăm cán bộ, các ngành chức năng về từng quỹ tín dụng để trực tiếp giải quyết hậu quả, mặt khác kiên quyết, công khai xử lý nghiêm các sai phạm. Toàn ngành ngân hàng đã xử lý 111 cán bộ, trong đó tham ô 33, cố ý làm trái 17, chây ỳ tín dụng 41... đã cách chức, buộc thôi việc 14 cán bộ. Các ngành nội chính phối hợp điều tra khám phá 182 vụ xâm hại tài sản XHCN, thu hồi 4,2 tỷ đồng, đưa ra xét xử 13 vụ điển hình về tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ.

Với những nỗ lực nói trên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhờ kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng gắn với tăng cường công tác xây dựng Đảng, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ góp phần xóa bỏ tệ quan liêu, bao cấp; vững vàng vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội mà còn làm trong sạch Đảng, bộ máy chính quyền các cấp, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, củng cố, tạo niềm tin của nhân dân, thúc đẩy công cuộc đổi mới Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Hà Nội đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.