(HNM) - Ba năm liền (1966-1968), hàng trăm tấn bom đạn của giặc Mỹ ném xuống đồng của HTX Đại Phong. Người mất, tài sản, lương thực, cây trồng, vật nuôi bị vùi trong khói đạn. Gác nỗi đau mất mát, tập thể xã viên lại cùng nhau xây dựng HTX Nông nghiệp Đại Phong phồn thịnh cho tới ngày hôm nay...
Kể lại bước thăng trầm của HTX Đại Phong trong thời kỳ chiến tranh, Chủ tịch xã Phong Thủy không giấu nổi xúc động: Tôi không muốn nhắc lại quá khứ đau buồn bởi chiến tranh quá tàn nhẫn. Xã Phong Thủy rộng chưa đầy 6km2, vậy mà chỉ trong 3 năm phải hứng chịu 3.944 lượt máy bay Mỹ đánh phá. Cánh đồng của HTX Đại Phong đang tươi tốt bỗng bị chôn vùi, cày xới bởi 124 tấn bom đạn. Phong Thủy có 157 người chết, 283 người bị thương, chủ yếu là xã viên ở các tổ, đội sản xuất. Bao nhiêu tài sản, công sức của bà con gây dựng trước đó chỉ còn là đống đổ nát. Khi ấy, ai cũng nghĩ Đại Phong khó lòng tồn tại. Nhìn lá cờ thi đua, nhớ lời dạy của Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bà con lại chung sức, chung lòng quyết tâm khôi phục HTX. Người góp công, người góp của, chiến tranh kết thúc năm 1975 cũng là lúc Đại Phong củng cố, lớn mạnh.
HTX sản xuất hai vụ đông xuân và hè thu với tổng diện tích 763,36ha, năng suất 63 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 3.675 tấn, bình quân một lao động chính làm ra 1,7 tấn lương thực/năm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX Đại Phong phấn khởi khoe với chúng tôi: Để có được mức thu nhập bình quân xã viên 11 triệu đồng/người/năm như hiện nay, Ban Quản trị HTX cùng bà con phải cố gắng rất nhiều. Trước kia, người dân xã Phong Thủy cực nghèo, 90% nhà cửa đều là tranh tre, vách đất. Nay 100% hộ dân đã có nhà ngói, số hộ khá, giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm xuống còn 6%. Năm 2010, HTX tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, HTX nỗ lực mở mang các ngành nghề dịch vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống xã viên. Để đạt được mục tiêu đó, HTX Đại Phong đã chủ động mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất như 10 máy cày lớn, nhỏ, hệ thống bơm điện với 10 máy công suất 33KW phục vụ tích cực cho công tác tưới tiêu. Vừa nâng cao năng suất cây trồng, HTX vừa chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; đảm nhận 100% khâu vật tư phân bón, bao tiêu một phần sản phẩm cho xã viên. Hằng năm, HTX hỗ trợ xã viên 700 triệu đồng đầu tư máy móc, thiết bị để kiến thiết đồng ruộng, làm giao thông, thủy lợi.
Để có được Đại Phong lớn mạnh như ngày hôm nay, ông Hoàng khẳng định, đó là thành quả của sức mạnh tập thể. Ban Quản trị HTX và xã viên là một khối thống nhất, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm. Qua các thời kỳ, lãnh đạo HTX đều là những người biết nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe, dựa vào quần chúng nhân dân và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên. Ông Hoàng lấy ví dụ về quy hoạch hệ thống thủy lợi. Sau 40 năm, toàn bộ hệ thống đê đập, trạm bơm tưới tiêu của HTX vẫn hoạt động rất hiệu quả. Đã có nhiều kỹ sư ngành nông nghiệp tới khảo sát, mong có thể cải tiến hệ thống này nhưng chưa tìm ra phương án tốt hơn.
Cách đây vài năm, xã viên HTX vẫn áp dụng kiểu canh tác 2 vụ/năm (vụ chiêm và vụ tám). Việc cày ải, làm giống cho hai vụ mùa quá vất vả trong khi năng suất lại không cao. Từ thực tế này, xã viên HTX nghiên cứu, đổi mới canh tác vụ tám theo hình thức tái sinh. Trong khi thu hoạch vụ chiêm, các hộ nông dân giữ nguyên chân rạ dưới ruộng. Sau 1 tuần, họ bơm nước vào đồng, dùng phân đạm bón thúc cho gốc rạ. Chỉ trong vài ngày, những gốc rạ tiếp tục nảy mầm và chỉ sau 1,5 tháng đã lại cho thu hoạch. Mô hình trồng lúa tái sinh này vừa tiết kiệm, vừa đỡ công cày bừa lại tránh được thiên tai thường xảy ra vào các vụ tám trước đó.
Khi mới áp dụng mô hình này vào thực tiễn, Tỉnh ủy Quảng Bình và Huyện ủy Lệ Thủy lo lắng sản lượng lương thực bị sụt giảm. Đã hơn hai lần huyện chỉ đạo HTX quay trở lại với lối canh tác cũ nhưng bà con xã viên vẫn giữ quan điểm trồng lúa tái sinh. Kết quả thu hoạch vụ lúa tái sinh đầu tiên khiến nhiều người ngỡ ngàng. Theo lối canh tác cũ, người nông dân phải bỏ ra rất nhiều công sức để cày cấy mà sản lượng cũng chỉ đạt 2 tạ/sào. Nay trồng lúa tái sinh không mất nhiều công sức, chi phí chỉ vài ba cân đạm mà năng suất cũng đạt 1,6 tạ/sào.
Với rất nhiều thành tích, HTX Đại Phong trước kia nay vẫn là "con chim đầu đàn", là HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu mới điển hình của cả nước. Liên tiếp trong nhiều năm, HTX được Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam trao tặng huân, huy chương và bằng khen. Ngày 31-7-2010, HTX Đại Phong một lần nữa được vinh danh, đón nhận Giải thưởng toàn quốc "Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn" lần thứ I.
Chia tay nhóm phóng viên Hànộimới, ông Chủ nhiệm HTX Đại Phong hứa hẹn: Dù gặt hái được rất nhiều thành công, cán bộ, xã viên vẫn luôn nhớ lời dặn của Bác Hồ: "Tôi nhắc nhở cán bộ, xã viên HTX Đại Phong chớ tự mãn với thành tích mà phải cố gắng để tiến bộ hơn nữa".
(Xem tiếp kỳ sau)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.